Chiếc ô chống lại hồn ma
Người Mông ở Na Ngoi, Kỳ sơn (Nghệ An) lưu truyền một chuyện truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, người Mông không chỉ phải chạy trốn từ lãnh thổ Trung Quốc ngày nay xuống phía Nam. Để giữ gìn cộng đồng, họ còn phải trốn chạy cả… ma nữa. Ma là linh hồn người chết vì ốm đau, già yếu chết trận, chết vì hổ ăn thịt. Linh hồn của hổ khi chết cũng hóa thành ma.
Trốn chạy giặc đã khó, trốn chạy ma càng khó hơn. Người ta dùng lá cây, dùng dao, kiếm, cung tên để trước nhà để cho ma sợ mà không về hại người. Không vào nhà được, ma tìm cách hại người khi họ đi lên nương rẫy. Vậy là người ta phải nghĩ cách đối phó, lại vừa đảm bảo được công việc hàng ngày. Người ta họp bàn rồi đưa ra nhiều cách nhưng chẳng hiệu quả.
Cho đến một ngày nọ có người đi rẫy thì bị con ma trong vùng bám theo ám hại. Trong lúc không biết trốn vào đâu thì anh này gặp bụi cây củ rấy liền chui vào. Chẳng ngờ con ma không thể nào tìm được.
Khi ma đã bỏ đi, người này mới đi ra và ung dung lên rẫy. Hôm sau lại qua quãng rừng nọ, con ma hôm trước đã phục sẵn ở đó để chờ bắt. Lần này người nông dân liền chạy vội đến núp vào bụi rấy khiến con ma không tìm ra. Anh ta liền nảy ra một ý hay, chặt một cái lá cây rấy che lên đầu đi ngang qua trước mặt con ma mà nó không hề nhìn thấy. Người nông dân về nhà bày lại cho cả bản. Từ đó mỗi lần đi rẫy người ta ngắt một chiếc lá cây rấy che lên đầu và ma không nhìn thấy người nữa.
Về sau có người dệt vải lanh hoặc lấy giấy bản kết thành cá ô giống hình chiếc lá cây rấy để che đi rừng. Cách làm này cũng giúp dân bản tránh được “con mắt ma”.
Đi đón dâu để mất ô là điều kỵ
Chiếc ô ngày nay là hình mô phỏng chiếc lá cây rấy trừ ma. Có lẽ chính vì thế mà chiếc ô trở thành một vật không thể thiếu trong tục cưới của người Mông. Ông Xồng Xái Xo, một cán bộ hưu trí ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn - Nghệ An) cho biết: Trong đám cưới người Mông, cha mẹ chú rể không được phép sang nhà gái đón dâu. Ông mối sẽ cầm theo chiếc ô đã gấp lại bên ngoài có buộc một chiếc khăn để giữ linh hồn chú rể. Khi đến nhà gái, chiếc ô được treo gần không gian thờ cúng của gia đình. Đến khi đón dâu, người đứng đầu đoàn nhà trai lại cầm theo chiếc ô dẫn theo hồn vía của cả đôi vợ chồng đi về nhà. Chiếc ô sẽ được treo trên vách buồng cưới suốt ba ngày liền mới mở ra. Người ta tin rằng lúc này hồn vía cô dâu đã quen với nhà chồng, có mở ô ra thì cũng không chạy về nhà cha mẹ đẻ nữa.
Ông Xồng Xái Xo kể rằng: Trong tục cưới của người Mông, chiếc ô quan trọng đến nỗi nếu nhà trai không mang ô đến thì nhà gái sẽ không cho phép tổ chức đám cưới. Trong đám cưới mà lỡ để mất ô thì nhà trai không thể đón dâu về được. Hồn vía của cô dâu vẫn ở nhà mẹ đẻ. Vì vậy có chuyện nhà gái “kiếm cớ” giấu ô đi để nhà trai đi tìm. Đây chỉ là một hoạt động gây vui nhộn trong đám cưới. Nhà trai tìm mãi không được nhà gái mới cử người đứng ra hát ghẹo: Hôm qua anh đến ô còn/ Hôm nay anh về, sao ô mất?... Lúc này nhà trai phải tìm được một cách đối đáp vừa hợp lẽ lại hóm hỉnh. Nếu nhà gái cảm thấy “vui lòng” sẽ trả lại ô.
Cũng theo ông Xồng Xái Xo, tục cưới của người Mông ngày nay đã có nhiều đổi mới, dẫu rằng trước kia nó vốn dĩ đã đơn giản hơn những cộng đồng thiểu số khác. Đám cưới Mông thường thường không đặt nặng chuyện thách cưới. Tuy vậy nó vẫn còn kéo dài hai hoặc ba ngày
Chiếc ô trong tục cưới ngày nay cũng vậy, nó có thể là chiếc ô vẫn được bán trên thị trường. Trước khi mang đến nhà gái, nó đã được cúng vía và buộc khăn phía ngoài. Nó vẫn mang hồn vía của cô dâu chủ rể về nhà. “Dù có thay đổi về hình thức cho tiện với thời đại mới, nhưng thủ tục cưới thì vẫn không thay đổi”, ông Xái Xo cho biết thêm.