Lâu lắm tôi mới phải ra suối giặt giũ. Trong lúc bất cẩn, một chiếc áo đã bị nước cuốn đi mà không lấy lại được. Trở về kể lại chuyện này, mọi người mới hỏi: Anh có gọi theo vía mình về không?
Theo quan niệm của cộng đồng thì tôi nên làm điều đó. Nên gọi hồn vía của mình trở về vì chiếc áo là nơi cư ngụ của linh hồn.
Dù là với cộng đồng nào cũng vậy, áo vẫn là thứ đặc biệt. Nó là trang phục. Điều này rõ ràng rồi. Nó là văn hóa. Điều này có khi còn hơn thế. Riêng với cộng đồng người Thái thì áo còn là một vật thiêng.
Người Thái có trang phục riêng của nữ và nam. Trang phục nam là chiếc quần ống rộng dệt bằng vải thô sơ. Áo kiểu sơ mi, cổ thường không cao, đơm cúc gỗ hoặc sừng. Quần áo nhuộm màu chàm hoặc nâu. Ngày nay, ít đàn ông người Thái còn dùng trang phục truyền thống vì nó đơn điệu và tính thẩm mỹ không cao. Chỉ có trang phục nữ là đa dạng. Áo cóm đơm cúc con bướm bằng bạc hoặc kim loại, ngoài ra còn có váy, khăn xà tích… Vì tính thẩm mỹ của nó mà bộ trang phục nữ của người Thái vẫn được chị em tin dùng hàng ngày hay trong lễ hội.
Và chiếc áo là thứ đặc biệt nhất trong bộ trang phục người Thái. Nó không chỉ đặc biệt ở hình thức mà còn xuất hiện trong đời sống và tâm linh.
Trong truyền thống, trai gái người Thái thường hẹn hò dưới mái nhà sàn. Trai gái có khi ngủ chung từng nhóm, đầu vào nhau qua một cách vách ngăn. Và khi một chàng trai và cô gái nào đó cảm mến nhau và muốn đi đên xây dựng gia đình thường trao đổi áo cho nhau. Nó như là tín vật cho tình yêu khi đã ở giai đoạn nồng thắn.
Khi trai gái đã trao đổi cho nhau thường là một cái cớ tốt cho đám hỏi rồi đám cưới. Phải nói thêm rằng cũng có trường hợp, những người bạn thân quen trao đổi áo cho nhau trong hội chơi ném còn vì thua cuộc. Cái này là ngoại lệ.
Còn trong tâm linh, áo xuất hiện ở nhiều nghi lễ. Chủ yếu là những lễ gọi vía. Người Thái làm lễ này trong nhiều trường hợp. Nhưng ở trường hợp nào thì cũng cần một chiếc áo của người được gọi vía. Khi làm lễ gọi vía cho một ai đó trong nhà thì người ta gọi luôn vía của các thành viên khác trong gia đình cùng về. Sợ rằng vía còn đi lạc đâu đó chốn bản mường hay nơi rừng thẳm, phố thị… Vì thế mà mâm lễ thường có áo của nhiều người. Chỉ trong trường hợp làm lễ gọi vía trong ngày cưới thì chỉ có áo của hai vợ chồng.
Người Thái quan niệm con người sống khỏe mạnh được là nhờ có hồn vía ở bên che chở, bảo hộ. Vía cũng có thể rời khỏi cơ thể và đi lạc. Vì thế phải cúng để gọi vía về hoặc giữ cho vía không đi khỏi người. Lễ gọi vía về cơ bản có ý nghĩa cầu mong hồn luôn ở bên người và giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh được bệnh tật và điều không may.
Và chiếc óa lại là nơi cư ngụ của hồn vía. Vì thế để mất đi áo là điều người ta thường tránh. Tuy nhiên, có người lý sự rằng tôi có nhiều chiếc áo. Vì thế khi mất một chiếc áo, vía của tôi vẫn còn những chiếc còn lại để mà ở. Nhưng nhiều người vẫn chọn cách hú gọi vía về khi áo bị mất hoặc bị cuốn trôi. Biết đâu đấy, hồn vía của chủ nhân lại đang ở trên chiếc áo bị mất vì có ai nhìn thấy hồn vía mình bao giờ?
Trong thực tế nhiều người vẫn tin bói toán và người Thái cũng không ngoại lệ. Khi gia đình hoặc một người nào đó ốm đau lâu ngày không khỏi hoặc gặp chuyện không may, người ta vẫn mang theo áo của gia chủ hay người gặp chuyện không may đó tìm đến các thầy mo để hỏi nguyên nhân, gọi là đi “xem áo”. Thầy mo sẽ cầm chiếc áo lên, dựa vào một số tín hiệu như ngày giờ người mang áo đến hay một số phù chú hoặc biện pháp tâm linh khác để đưa ra “lời phán” cho chủ áo.
Trong một số nghi lễ cúng bản của người Thái và Khơ Mú ở các huyện như Quỳ Châu, Kỳ Sơn (Nghệ An), người ta cũng mang áo đến lễ cúng thường tổ chức trong những ngôi đền, miếu dưới một gốc cổ thụ đã được lựa chọn để thần linh “điểm danh” các cư dân do mình quản lý./.