Cầu Ngói – chùa Lương, di tích vô giá đồng hành theo thời gian

08/12/2016 15:30

Theo dõi trên

Được xây dựng từ lâu đời, nhưng đến nay, di tích cầu Ngói, chùa Lương thuộc xã Hải Anh (Hải Hậu - Nam Định) mang trong mình một giá trị vô giá về nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra, nơi đây còn được biết tới là cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân và dân Hải Hậu.



Cầu Ngói ở huyện Hải Hậu, Nam Định - Ảnh: Nguồn internet

Hiện tại cả nước Việt Nam chỉ còn một số cầu như vậy ở vài nơi: như cầu ngói Thanh Toàn - Huế, chùa cầu Hội An do người Nhật xây, cầu ngói Phát Diệm…

Cầu Ngói của đất Quần Anh được hình thành từ khi người dân về đây mở đất dựng làng. Khi mà công cuộc khai hoang lấn biển của tổ tiên đã hoàn thành thì các cụ đã nghĩ ngay đến việc dựng cầu mở chợ, lúc đó làng đã ở thành sau, ruộng ở thành đối. Cầu khi đó được bắc qua con sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh. Cầu được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu), vì ở gần chùa nên cầu được xây dựng to và đẹp hơn những cây cầu khác.

Lúc đầu cầu chỉ đơn giản một cọc, chưa có mái ngói mà chỉ lợp cỏ đơn sơ. Nhưng đến thế kỷ XVII cầu được trùng tu, sủa chữa nhiều lần để phù hợp với cấu trúc và cảnh quan chung của quần thể chùa Lương. Cuộc trùng tu lớn nhất là vào năm 1922 cầu được lợp ngói nhưng dù sao cũng giữ được nguyên cái nét cổ kính từ xa xưa để lại. Và kể từ đây cầu Ngói Quần Anh có tên trên bản đồ Việt Nam.

Nhìn tổng thể cây cầu giống như một ngôi nhà mái ngói nằm vắt mình qua sông. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Người thợ tài hoa xưa đã sáng tạo ra kỹ thuật nửa nợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp và tựa như con rồng đang bay.

Phần dưới là thành cầu và sàn cầu. Phần trên và dưới liên kết với nhau bằng hệ thống các cột tròn dựng dọc hai bên thành cầu và cổng xây ở hai đầu.

Cầu Ngói được bắc qua con sông Trung Giang, một con sông nhỏ chạy dọc theo xã Hải Anh và được xây dựng theo lối “thượng gia hạ trì”, (trên là nhà dưới là song), có cả thảy 9 gian được dựng chắc chắn trên 18 cột đá vuông. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu. Sàn cầu lam bằng gỗ lim, rộng 2m. Mái cầu lợp ngói vảy rồng, có hình dáng cong cong tựa như mình rồng đang uốn khúc. Toàn bộ cây cầu bên trên có mái che kín đáo nhưng bên dưới lại để nên vừa kín đáo nhưng cũng lại thông thoáng.

Tuy các mảng trạm khắc không nhiều và có phần đơn giản chỉ bằng các hàng soi, đường chỉ ở các vỉ kèo, các con bẩy, hàng xà ván bưng tạo hình con bướm, đầu con song tạo dáng lá đề. Nhưng cũng thể hiện tài hoa của nghề mộc cổ truyền trên đất Quần Anh xưa.

Phần mộc của cầu ngói chùa Lương tuy chạm khắc không cầu kỳ nhưng thể hiện rất rõ kiến trúc thuần Việt. Đặc biệt là qua sự bố trí các hàng chân cột, các kết cấu vì kèo và cách ghép mộng gỗ… Phần nề cũng khá đặc biệt nhất là phần cổng ở hai đầu cầu. Cổng được xây dựng theo lối cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột với đôi câu chữ Hán “Giáp ngạn mã đề nhân thượng hạng. Hoàng Giang hồng ảnh ngật Đông Tây” tức là trên cầu hàng ngày người và xe đi lại, bóng của cầu buổi sáng ngả về phía Đông buổi chiều ngả về phía Tây.

Phía trên vòm cổng có hình hai con nghê nâng một bức cuốn thư lớn trông vừa uy nghiêm, vừa quen thuộc.

Cầu tuy chạm, khắc đơn giản song thể hiện hài hoà nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Năm 2010, chùa được tu bổ và sơn màu lại. Nếu có dịp về thăm những địa điểm du lịch huyện Hải Hậu như bãi biển Thịnh Long, vườn quốc gia Xuân Thủy… bạn đừng bỏ không nên bỏ sót cây cầu này.


Phương Linh

Bạn đang đọc bài viết "Cầu Ngói – chùa Lương, di tích vô giá đồng hành theo thời gian" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.