Chiếc mõ gỗ đã 140 năm ở đình Trung Lương
Theo phong tục của những người miền xuôi, đình làng vốn là nơi thờ Thành hoàng làng và đó cũng là nơi hội họp, tế lễ của làng. Đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, nơi che chở, điểm tựa tâm linh của những người dân làng quê.
Những đình làng cổ ở Kon Tum
Theo chân những cuộc di cư của người miền xuôi, những làng quê dần được hình thành trong lòng làng Hồ Kon Tum. Giữa những nếp nhà ba gian, những mái đình làng được dựng lên như một hình ảnh quen thuộc về làng quê, xóm cũ cổ xưa. Qua thời gian, mái đình Trung Lương, Võ Lâm, Lương Khế… trở thành hình tượng gắn bó cuộc sống của biết bao người dân Kon Tum. Nhớ về những mái đình ấy là nhớ về hồ sen và một khoảng sân rộng, một vòm cây cổ thụ tỏa bóng râm mát, vẫy gọi chim về làm tổ.
Đình Trung Lương (phường Quyết Thắng) có bề dày lịch sử 140 năm, là ngôi đình xuất hiện đầu tiên ở Kon Tum. Sự xuất hiện của ngôi đình gắn liền với ngôi làng cổ Trung Lương. Theo lời kể của ông Quách Vĩnh Kinh (90 tuổi), Trưởng ban Trị sự đình Trung Lương, năm 1879 những người dân đầu tiên ở miền quê Bình Định lên Kon Tum lập nghiệp, để có nơi sinh hoạt chung, họ xây dựng ngôi đình này. Những ngày đầu, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá để thờ Thành hoàng Bổn Cẩn. Lâu dần, với sự đóng góp của bà con, đình được xây dựng lại vào năm 1917 bằng gạch, ngói khang trang. Hơn một thế kỷ qua, sau nhiều lần tôn tạo, kiến trúc của đình vẫn được giữ nguyên. Không chỉ có giá trị về văn hóa tâm linh, đình Trung Lương còn lưu giữ những hiện vật mang giá trị cao về lịch sử, văn hóa có tuổi thọ hàng trăm năm như chiếc mõ gỗ có từ năm 1879, 1 giá để chiêng, 1 tấm hoành phi và 2 giá bát bộ cũng có tuổi thọ trên dưới 100 năm. “Sau giải phóng đất nước 1975, muốn sửa chữa hay tôn tạo Ban quản lý đình phải họp bà con trong làng thống nhất, rồi xin chủ trương của Nhà nước, kinh phí thì Nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm 2007 đình Trung Lương được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh”, ông Kinh cho biết.
Xuất hiện muộn hơn, đình Lương Khế (phường Thống Nhất) đến nay cũng trên 100 năm tuổi. Theo lời kể của các vị cao niên ở đây và một số tài liệu lưu giữ thì cư dân đầu tiên của làng có mặt ở Kon Tum là vào giữa năm 1894. Những cư dân đầu tiên của làng Lương Khế từ Phủ Bình Khê và Phù Mỹ (Bình Định), theo đường 19 vượt đèo An Khê, đèo Mang Giang (Gia Lai) đến dừng chân bên dòng sông Đăk Bla (Kon Tum) để khai khẩn, lập làng mới, gọi làng Lương Khế. Gắn liền với làng là ngôi đình, ban đầu chỉ được xây dựng như một ngôi miếu nhỏ, thể theo nguyện vọng của lớp cư dân đầu tiên, vào năm 1913, dân làng đã góp sức xây dựng nên đình Lương Khế để thờ cúng thần hoàng bản xứ, thờ Vua Hùng và thờ các bậc tiên hiền thủy tổ.
Được xây dựng khá lâu sau đình Trung Lương và đình Lương Khế, nhưng đình Võ Lâm (phường Quyết Thắng) vẫn giữ nét kiến trúc hình chữ “Đinh” với các nhà tiền đường, chánh điện, nhà thờ tiên hiền và nhà nhóm. Theo sách Kon Tum – di tích và danh thắng, đình Võ Lâm được xây dựng năm 1935 với diện tích 1.000m2. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự âm linh cô bác, thổ thần thổ địa, về sau làm nơi thờ tự những vị tiên hiền khai canh và nay nó là nơi thờ Thành hoàng làng Võ Lâm là Quản đạo Võ Chuẩn. Và cái tên Võ Lâm cũng bắt nguồn từ họ Võ của vị quản đạo, để nhớ ơn người đã có công mở rộng vùng đất, chữ “Lâm” có nghĩa là rừng, mô tả về Kon Tum những ngày mới thành lập được vây quanh bởi rừng.
Giữ gìn bản sắc văn hóa đình làng
Sự hiện hữu của những ngôi đình với những giá trị lịch sử - văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất Kon Tum. Nó góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hoá của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kon Tum. Với những giá trị này, UBND tỉnh Kon Tum đã lần lượt công nhận đình Trung Lương, đình Võ Lâm và đình Lương Khế là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể thì văn hóa phi vật thể như những nghi thức cúng, tế tại các đình làng này vẫn được duy trì hằng năm. Và trong những nghi lễ đó, không thể không nhắc tới “Lễ tế Xuân” - lễ lớn nhất trong năm, lần lượt được tổ chức tại các đình làng. Việc tổ chức “Lễ tế Xuân” tại các đình làng ở Kon Tum được mở đầu tại đình Trung Lương từ ngày 9 -10.2 âm lịch, đình Võ Lâm từ ngày 11-12.2 âm lịch và kết thúc bằng Lễ tế tại đình Lương Khế vào ngày 14-15.2 âm lịch hằng năm. Người xưa chọn những ngày này để tế Xuân bởi theo lịch nông vụ, đây là thời điểm đã thu hoạch xong lúa vụ Đông -Xuân, chưa vào vụ mùa mới, người dân rảnh rỗi, nông nhàn. Tuy khác nhau về ngày tế lễ, nhưng nghi thức cúng tế trong các đình làng của Kon Tum cơ bản giống nhau. Sau phần lễ là phần hội, theo dấu ấn của thời gian, việc mời đoàn hát về chung vui với hội làng đã được lược bỏ, thay vào đấy, phần hội là phần những người dân sống quanh đình, những người con xa quê có dịp quây quần, tề tựu bên sân đình, cùng ăn uống, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Cùng với những công trình, lễ hội của những dân tộc sống lâu đời tại Kon Tum như: Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng… sự tồn tại của những ngôi đình, việc duy trì lễ cúng đình, tế Xuân của người dân phố núi Kon Tum có ý nghĩa đặc biệt, nó vừa giáo dục về truyền thống, lịch sử, lại vừa củng cố sợi dây liên lạc thiêng liêng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng. Và trên tất cả, trong không khí ồn ào sôi động của một đô thị trẻ, những mái đình giữa phố như một chốn bình yên, tĩnh lặng, để những người con sinh ra từ làng có một nơi chốn để nhớ thương, để quay về.
Theo baovanhoa.vn