Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh: “Hội thảo cần tập trung đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp tham mưu cho chính phủ, Bộ VHTTDL và các địa phương để chỉ đạo, xây dựng chính sách, chế độ phù hợp cho cuộc sống đồng bào Chăm trong thời gian tới”.
Để thực hiện được yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị các nhà nghiên cứu, nhà quản lý… tập trung đánh giá và nêu bật các vấn đề, gồm: Văn hóa đồng bào Chăm trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn để đảm bảo môi trường xanh, sạch, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng như trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội, đoàn kết toàn dân, hạn chế tệ nạn để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước một cách bền vững.
Bên cạnh đó, giới thiệu các mô hình hay, hiệu quả trong việc tổ chức xây dựng văn hóa cộng đồng của đồng bào Chăm trong việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác được phát động tại địa phương; về thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thiên tai dịch bệnh… trong đời sống của đồng bào Chăm; về sưu tầm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Chăm, của các bảo tàng, Khu di tích lịch sử văn hóa Chăm trong thời gian qua.
Bộ VHTTDL sẽ kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy chữ viết của đồng bào dân tộc Chăm. "Văn hóa, hãy để cho người dân tự sáng tạo, tự thưởng thức thì mới bền vững", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hội thảo đã thu hút 50 bài tham luận của các đại biểu đến các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý địa phương… tập trung đánh giá và thảo luận làm rõ vấn đề “Những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Chăm”; “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”; “Làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm với việc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Là một bộ phận của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Chăm có khoảng 170.000 người, sinh sống tại 35 huyện, thị của 10 tỉnh, thành phố khu vực vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đời sống đồng bào Chăm vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg về tiếp tục “đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới” – đời sống đồng bào Chăm đã có bước phát triển rực rỡ, đạt mức khá trong các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Song song đó, ngành nghề truyền thống của người Chăm được khôi phục, phát huy, gắn với phát triển du lịch đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân nên hộ nghèo giảm mạnh. Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, trình độ dân trí dân tộc Chăm được nâng lên.
(Theo Cinet.vn)