Campuchia ký sự: Phế thích đế chế Kh'mer

15/03/2016 14:22

Theo dõi trên

Thạc sỹ toán học Tống Quang Anh là con trai nhà tình báo chiến lược Tống Văn Trinh. Ông Tống Quang Anh tốt nghiệp thạc sỹ toán tại Nga và là cựu giảng viên Đại học Cần Thơ. Những năm gần đây, ông Tống Quang Anh thường xuyên "la cà" du lịch khắp thế giới. Ở mỗi vùng đất đi qua, ông đều viết cảm nhận của mình dưới dạng "kinh nghiệm khi du lịch vùng đất lạ". PhuongNam.Net.Vn xin giới thiệu đến bạn đọc bút ký du ngoạn hấp dẫn của ông.



Hoàng cung tráng lệ thu hút nhiều du khách đến tham quan

Mua hàng, cẩn thận... giá!

Campuchia từng là một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh, thể hiện qua các công trình kiến trúc còn lưu giữ được đến ngày nay. Những chùa tháp, đền Angkor uy nghi sừng sững, trên thế giới ít nơi nào sánh kịp. Đó là một quốc gia giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa, mà thế mạnh chính hiện nay là du lịch.

Chỉ riêng khu đền Angkor, các quốc vương của đế chế Khmer đã để lại cho con cháu một kho vàng vô tận. Bởi nó như có ma lực, thu hút du khách từ bốn phương trời của thế giới, mỗi ngày có hàng vạn lượt người ghé thăm.

Lãnh thổ Campuchia chủ yếu là đồng bằng, khí hậu rừng mưa nhiệt đới. Con sông Mekong hùng vĩ chảy qua, rót vào hồ Tonlesap (Biển Hồ) tạo nên một “kho” thủy sản vô cùng to lớn. Campuchia cũng có những bãi biển đẹp, có hải cảng đầy tiềm năng về mặt hàng hải và đánh bắt hải sản.

Chỉ riêng nguồn thủy sản khổng lồ trên cái hồ rộng như biển này, nếu biết khai thác đúng mức, đủ nuôi sống người dân Campuchia.

Văn hóa ẩm thực của người dân Campuchia khá giống người dân Việt ở Nam bộ, nhưng nhiều ngọt và cay hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không sợ phải khó ăn, vì còn có nhiều các hàng quán Tàu, châu Âu và Việt trên đất Campuchia.

Hàng hóa ở Campuchia khá rẻ so với thị trường Việt Nam. Tuy hàng hóa có rẻ thật, nhưng bạn vẫn phải luôn giữ ý thức trả giá. Người bán luôn nói thách đến chóng mặt. Ví dụ, tôi có mua một bức tượng vũ nữ apsara bằng đá đúc với giá 3 USD, trong khi họ nói thách đến 8 USD. Thế mà, hỏi ra, tôi vẫn còn mua hớ, vì có người chỉ mua với giá 2,5 USD.  

Dân Campuchia là một dân tộc rất thân thiện với du khách. Họ vui vẻ, cởi mở và thích trò chuyện với khách lạ.  

Ở Campuchia không thiếu cảnh ăn xin, cảnh chèo kéo du khách và điều đó làm cho bạn có không ít nỗi khó chịu. Nhưng đó chỉ là sản phẩm của sự nghèo nàn mà Việt Nam từng trải qua và hiện vẫn còn tồn đọng. 

Kể từ năm 2012, tại Siem Reap, chính phủ Campuchia đã tổ chức đội cảnh sát du lịch, nhằm bảo vệ cho du khách an toàn đến mức tối đa, kể cả không bị đội ngũ ăn xin quấy rầy. Hàng hóa đều có niêm yết giá để khách khỏi bị mua lầm. Tất nhiên, những điều này chỉ mới là cố gắng ban đầu, khó tránh khỏi những thiếu sót.

Angkor - Sự kỳ bí về một nền văn minh

Điều thu hút mạnh nhất đối với du khách là khu quần thể Angkor. Gọi là “quần thể Angkor” vì đây là một khu di tích gồm hai khu đền lớn là Angkor Thom và Angkor Vat. Trong hai khu đền này lại chứa đựng hàng trăm đền chùa lớn nhỏ khác, theo nhiều tín ngưỡng khác nhau. Chúng được qui tụ trong một khu đất rộng vài chục cây số vuông.  

Theo thuyết trình của hướng dẫn viên du lịch người Campuchia, tổng diện tích của khu quần thể Angkor thời kỳ đầu lên đến bốn trăm cây số vuông. Con số này chưa thấy bằng chứng chính xác, nhưng dù chỉ vài chục cây số vuông thì công trình này cũng vĩ đại quá mức tưởng tượng.

Nếu bạn chứng kiến các công trình xây dựng thuộc khu đền và cả những bức tượng to lớn được làm từ rất nhiều tảng đá khổng lồ, mới thấy được sự vĩ đại của các kiến trúc sư, nghệ nhân và công nhân vào cái thời xa xưa, lạc hậu. 

Ta khó có được ý tưởng để đặt ra những câu hỏi về các bí ẩn từ tám thế kỷ trước. Quả thật, chỉ riêng quần thể Angkor đã có biết bao nhiêu điều bí ẩn, mà ta không thể đặt ra hết các câu hỏi, nói gì đến câu trả lời.

Lại thêm một câu hỏi, tại sao một quần thể to lớn, hùng vĩ như thế này lại có thể bị mất tích trong vài thế kỷ? Quá trình mất tích diễn ra như thế nào? Các câu hỏi này, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Khu quần thể đền Angkor, theo giới thiệu của hướng dẫn viên, có diện tích đến 42 km2, gồm hai đền chính là Angkor Thom và Angkor Vat và rất nhiều đền chùa khác. Các ngôi đền này, kể cả các cung điện, ngày nay phần nhiều là phế tích. Nhiều nơi bị sụp đổ do thời gian và do chiến tranh.  

Các tổ chức văn hóa của Liên hiệp quốc đang bỏ công của vào đây để trùng tu lại cái công trình độc nhất vô nhị của loài người. Tại Angkor Vat, nhiều gốc cây lớn mọc chen với tường đá, tạo nên cảnh cổ xưa và huyền bí. Bao quanh khu vực quần thể là rừng nhiệt đới, khá rậm rạp. Tiếp đến là đường xe chạy và hào nước rộng hàng trăm mét, tạo nên một khu biệt lập từ ngàn xưa để lại. 

Quần thể Angkor có sức hút kỳ lạ đối với du khách trên toàn thế giới, nên hàng ngày có đến vài ngàn lượt người ghé tham quan. 

Tại sao gọi là đền chùa? nơi đây có kiến trúc theo nhiều phong cách tôn giáo, đạo Phật, đạo Hindu, đạo Hồi..., vì vậy mà cấu trúc chính theo kiểu đền và chùa. Các kiến trúc này chủ yếu bằng đá, gạch ngói và gỗ. 

Phần cung điện của đế chế Angkor không còn nguyên vẹn, vì các cung điện chủ yếu được xây dựng bằng gỗ và ngói là chính. Với gần ngàn năm thời gian và bị mất tích nên các cấu trúc gỗ không thể còn nguyên hình trạng. Tất cả đã bị biến thành phế tích. Những thân cây khổng lồ mọc chen, làm thành những nơi cổ kính, thâm nghiêm. Nhưng dù là phế tích, các cung điện và đền chùa này vẫn để lại dấu ấn của thời vàng son. Chúng vẫn thể hiện được sự uy nghi vương giả của một đế chế hào hùng.

Như đã nói, cụm từ “mất tích” là cả một điều bí ẩn đối với quần thể Angkor có diện tích hàng ngàn hecta này. Nghe nói, người Pháp chỉ mới tìm thấy lại quần thể Angkor này trong hai ba thế kỷ gần đây. 

Một điều kỳ lạ nữa, trong quần thể này đồng thời tồn tại một hình thái đa tôn giáo. 

Chúng tồn tại đồng thời hay kế thừa lẫn nhau qua nhiều thời kỳ? Đó là một câu hỏi khó trả lời, dù người ta có thể phân tích niên đại để biết tính trước sau của các loại hình tôn giáo.

Người hướng dẫn du lịch giải thích rằng, khu đền Angkor này được xây dựng vào thời mà đế chế Anhgkor cực thịnh, dân cư còn đông đúc. Và cũng chính vì việc xây dựng tốn kém này đã làm cho đế chế Angkor suy tàn nhanh chóng, dẫn đến bị diệt vong.

Đây cũng chỉ là một thuyết tương đối hợp lý nhưng cũng khó thuyết phục hoàn toàn.

Phnôm Pênh

Campuchia có rất nhiều điểm tham quan. Ngay tại thủ đô Phnôm Pênh có rất nhiều đền chùa, hoàng cung, có chùa vàng, chùa bạc, có nhiều khu mua sắm và các sòng bạc.  

Theo lời của hướng dẫn viên người Khmer, thì thành phố lấy tên từ Wat Phnom Daun Penh (hay Wat Phnom, nghĩa là “Đền trên đồi”), được xây năm 1373 để đặt 5 pho tượng Phật ở trên khu đồi nhân tạo cao 27m. Tên của nó được đặt theo Daun Penh (Bà Penh), một góa phụ giàu có. 

Phnôm Pênh còn có nghĩa là “Đồi Bà Pênh”. Phnôm Pênh trước đây được biết đến dưới tên Krong Chaktomuk có nghĩa “Thành phố bốn mặt” do thành phố nằm trên ngã tư của các sông Mekong, Bassac, sông Tonle Sap chạy qua tạo thành chữ thập. Krong Chaktomuk là viết tắt của một tên nghi lễ do vua Ponhea Yat đặt từ tên đầy đủ là “Krong Chaktomuk Mongkol Sakal Kampuchea Thipadei Sereythor Inthabot Borei Roth Reach Seima Maha Nokor”. 

Tương truyền rằng, sau khi đế chế Angkor suy tàn, vương quốc Khmer muốn dời kinh đô ra xa vùng chiến sự. Khi đó, tại vị trí Phnom Penh ngày nay, người dân thấy một khúc gỗ trôi trên sông rồi dạt vào bờ. Người dân bèn vớt khúc gỗ lên, chẻ ra lấy củi, thì thấy bên trong có mấy bức tượng Phật. Họ cho rằng Phật cũng phải “di tản” đến đây, nên cho xây một ngôi đền trên một ngọn đồi nhỏ, thờ mấy bức tượng này. 

Thời gian sau, một người đàn bà góa giàu có, tên là Penh bỏ tiền xây dựng lại ngôi đền hoành tráng hơn và giữ mãi đến nay. 

Khi ngôi đền này xây xong, người dân tứ xứ kéo đến sinh sống ngày một đông, tạo ra một vùng sầm uất dần. 

Vương triều Khmer liền quyết định dời đô về đây và lấy tên là Phnôm Pênh.

Theo sử Campuchia thì, sau khi kinh đô Angkor Thom bị quân Xiêm chiếm giữ, Ponhea Yat, vua của đế quốc Khmer bèn cho dời đô đến Phnôm Pênh. Từ đó, Phnôm Pênh trở thành thủ đô của Campuchia cho đến hiện nay. 

Hiện nay, tại khu tháp phía sau Wat Phnom còn chứa hài cốt của vua Ponhea Yat và các thành viên trong hoàng gia cùng các tượng phật thời Angkor.  
 
Tống Quang Anh

Bạn đang đọc bài viết "Campuchia ký sự: Phế thích đế chế Kh'mer" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.