Campuchia ký sự: Người Việt làm ăn thành đạt (Kỳ cuối)

08/09/2014 15:58

Theo dõi trên

Người Việt qua sinh sống ở Campuchia có một bộ phận khá lớn bám lấy việc khai thác thủy sản trong hồ này làm kế sinh nhai.

Giao thông

Ở Campuchia có nhiều xe bốn bánh, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân rất tốt, nên ít bị kẹt xe và cũng ít tai nạn giao thông. 

Ở Campuchia, các loại xe, khi thấy khách bộ hành muốn băng ngang đường, họ đều dừng lại để nhường. 

Đường sá ở Campuchia không nhiều và hầu như đều rất nhỏ, chỉ như tuyến đường đi miền Tây Nam bộ vào những năm trước 1995. Tốc độ hạn chế trên đường nhiều chỗ ghi 90km, nhưng các loại xe chạy vẫn rất trật tự, đường ai nấy đi và không hề chen lấn, luồn lách, giành đường. Và càng không có chuyện nhấn kèn inh ỏi. 

Biển Hồ và cuộc sống của người Việt tại đây

Đối với nhiều người, Biển Hồ thực sự hấp dẫn. Giữa một vùng đồng bằng mênh mông bát ngát, bỗng xuất hiện một hồ nước rộng cả mấy trăm ngàn hecta, đó là một điều bất thường. 

Tôi thực sự không biết cái hồ này rộng bao nhiêu. Chỉ biết là, khi đứng trên thuyền bơi trong hồ, không thể nhìn rõ một phần bờ.

Biển Hồ, người Campuchia gọi là hồ Tonle Sap, con sông Mekong rót nước vào biển Hồ cũng được gọi là sông Tonle Sap.  

Nghe nói, vào mùa nước nổi, diện tích mặt hồ lớn gần gấp hai lần bình thường. Đây là một kho thủy sản khổng lồ, một vùng sinh quyển được Unesco công nhận. Nhiều loài thủy sản sanh đẻ ở biển Hồ, rồi xuôi ngược sông Mekong mà cung cấp nguồn thực phẩm cho con người. 

Nhưng giá trị của biển Hồ không chỉ có bấy nhiêu. Nó điều tiết nước cho lưu vực sông Mekong suốt từ Campuchia đến vùng Nam bộ của Việt Nam, hạn chế nạn ngập lụt vào mùa mưa, tránh hạn hán vào mùa khô. Quả là trời ban cho hai nước cái “máy điều tiết nước” quý báu này.

Người Việt qua sinh sống ở Campuchia có một bộ phận khá lớn bám lấy việc khai thác thủy sản trong hồ này làm kế sinh nhai.

Ngày nay, chính quyền Campuchia đã qui hoạch biển Hồ, tránh việc khai thác thủy sản bừa bãi, tránh làm ô nhiễm lòng hồ. Họ cho phép một số doanh nghiệp nước ngoài đến nghiên cứu, khai thác biển Hồ, chủ yếu là lĩnh vực du lịch.

Người Việt ở đây không được chính quyền Campuchia cho phép khai thác thủy sản để kinh doanh. Rất nhiều người không có quyền công dân Campuchia và cũng không còn giữ hồ sơ giấy tờ gì chứng tỏ mình là công dân Việt Nam. Nhiều người trong số này không biết chữ. Những người này, hiện nay chủ yếu là sống nhờ vào tình thương đồng loại, vào lòng hảo tâm của những du khách đến thăm hồ, nhất là du khách Việt Nam. Những người Việt hảo tâm đã làm trường học nổi cho trẻ em, đưa thầy giáo từ Việt Nam qua dạy chương trình Việt. Nhưng, tất cả chỉ là tạm thời và không được liên tục.

Hướng hợp tác, đầu tư

Mùa khô ở Campuchia, trên suốt tuyến đường từ Việt Nam đến Siem Reap chỉ thấy đồng khô là chính, kể cả rừng cao su cũng khô hạn. 

Giá rau ngoài chợ tính theo USD và khá đắt. Nếu Chính phủ Campuchia quan tâm hơn nữa đến thủy lợi, để có đủ nước canh tác quanh năm thì chắc chắn nước bạn sẽ có một nền nông nghiệp mạnh trong khu vực. 

Đây cũng là một cánh cửa rộng cho những nhà đầu tư Việt Nam về nông nghiệp trên đất bạn.

Đất Campuchia rất rộng, nhưng rừng thì gần như bị tàn phá đến kiệt quệ. Đó là điều đáng lo ngại cho bạn và cho cả Việt Nam. Ai cũng biết, rừng ở thượng nguồn Mekong và ở ba nước Đông Dương giúp điều tiết nước của con sông này. Mùa khô, rừng giữ cho nguồn nước không bị cạn kiệt. Mùa mưa, rừng giúp ngăn chặn, hạn chế được lũ lụt cho vùng châu thổ rộng lớn của sông Mekong.

Campuchia đang mở cửa, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đó chính là những cánh cửa mở để các nhà đầu tư Việt Nam có thể vào đất bạn làm ăn. 

Trong làm ăn, dù tin hay không, bạn cũng phải quan tâm đến các điều kiện cần thiết là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Vào Campuchia làm ăn, điều quan trọng không thể xem thường, đó là yếu tố “nhân hòa”.

Khi đầu tư vào công việc làm ăn, việc đầu tiên nên chú ý đến là nguồn nhân lực. Đó là nhân công, cán bộ quản lý, những người có liên quan đến việc làm ăn của bạn. 

Theo tôi, bạn đừng nên đầu tư một cách ào ạt, dù bạn có dư khả năng. Vì bạn có thể sẽ vấp phải các thủ tục rất nặng nề. Bạn chỉ nên đầu tư từ nhỏ đến lớn, trong tầm kiểm soát của mình. 

Ví dụ, bạn có thể mua đất làm rẫy trồng rau hay hoa, mở quán ăn, quán cafe, quán phở, mở nhà trọ nhỏ. Có thể mở tiệm may, tiệm đóng giày, xưởng làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ... Đây hoàn toàn là những nghề phù hợp với khả năng người Việt Nam, vốn ít và có thể phát triển được trên đất bạn.

Người dân Campuchia, nói riêng, dân Đông Dương nói chung, cũng ưa thích những món ăn của người Việt, nên mở quán ăn là rất thích hợp với khả năng của các nhà đầu tư nhỏ. 

Người Việt ở Campuchia cũng rất khéo tay trong nghề may mặc. Tôi từng có một người bạn, ba của người ấy từng là thợ may của hoàng gia Campuchia từ thời Pháp thuộc, làm ăn rất khá.

Những nghề sửa chữa cơ khí, xe cộ, máy móc cũng rất phù hợp với người Việt trên đất Campuchia.

Những nghề kể trên, người Campuchia ít quan tâm đến nên người Việt không ngại bị cạnh tranh.

Khi nhà đầu tư đã quen với địa bàn hoạt động, quen với quan chức địa phương, và có được lực lượng nhân công tốt... thì tùy tình hình mà phát triển công việc làm ăn. 

Ở Campuchia hiện nay đang có một nhân vật người Việt, gọi là Sáu Cò, làm ăn rất thành đạt và lấy tên doanh nghiệp là Sokha. Chính ông ta hiện là người thầu quản lý và khai thác khu đền Angkor, và rất nhiều cơ sở làm ăn khác.

Tống Quang Anh
Bạn đang đọc bài viết "Campuchia ký sự: Người Việt làm ăn thành đạt (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.