Ảnh minh họa (nguồn internet)
Đã có nhiều nghiên cứu và cũng đã có những đúc kết cơ bản về Văn hóa du mục, Văn hóa săn bắt, Văn hóa nông nghiệp, Văn hóa lúa nước... Nhưng hầu như (cả trên thế giới) chưa thấy có những đúc kết cơ bản về Văn hóa biển. Trong kho thần thoại Hi Lạp - La Mã có vị thần biển Poseidon - Neptune. Trong các truyện của Trung Quốc có nhân vật Long Hải đại vương. Nhưng các vị thần ấy vẫn là lực lượng siêu nhiên, đứng ngoài đời sống xã hội của con người. Chỉ có ở thần thoại Việt Nam, thần biển mới là “Cha” của một giống nòi - Lạc Long Quân trong thần thoại “Con rồng cháu tiên”. Không chỉ là đấng sinh thành, cha Lạc Long Quân còn dẫn dắt đàn con hướng về môi trường quen thuộc để sống, để gìn giữ và bảo vệ nó, bởi đó là không gian sống của cha con mình, của nhà mình. Hình ảnh 50 người con theo cha trở về biển trong thần thoại về cha Lạc Long Quân và cội nguồn dân tộc của Việt có lẽ là thần thoại độc đáo nhất trên thế giới, người Việt cùng một lúc không chỉ xác định cội rễ giống nòi nguồn cội: quê cha (quê cha đất tổ)/ quê nhà/ quê hương) mà còn xác lập môi trường định cư quen thuộc - cơ sở của một không gian văn hóa: Văn hóa Biển. Biển với người Việt không chỉ là không gian sống mà còn là không gian của tình cảm - của tình yêu, tình thương, tình nghĩa, nơi nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn.
Sau thần thoại về cha Lạc Long Quân cùng với 50 người con trấn giữ biển cả, người Việt còn một truyền thuyết khác, truyền thuyết Mai An Tiêm và “sự tích quả dưa đỏ”. Có lẽ đây cũng là truyền thuyết độc đáo về khả năng chinh phục đảo sớm nhất của người Việt. Trong thần thoại Ôđixê của Hi Lạp, người anh hùng Uylitxơ (một tên gọi khác của Ôđixê) sau khi chiến thắng quân Tơroa trở về bị lạc trên các đảo hoang mất ba năm, người ta cho rằng đó là ước mơ chinh phục biển đảo, ước mơ mở đất của người Hi Lạp cổ. Song, mãi đến thế kỷ 18 châu Âu mới thực hiện được giấc mơ chinh phục đảo hoang qua người “hùng” Rôbinxơn Cruxô trong tiểu thuyết cùng tên của Đanien ĐiPhô (Nhân vật được lấy cảm hứng từ một chuyện có thật về một người bị lạc trên đảo hoang mà vẫn sống sót, song, có cuộc sống hoàn toàn ngược lại với Rôbinxơn trong tiểu thuyết). Nhưng, từ đời Hùng Vương thứ 17, người Việt đã chinh phục đảo hoang và đã biến đảo hoang thành không gian hạnh phúc. Câu chuyện của chàng trai Mai An Tiêm phải chăng là minh chứng sinh động và lãng mạn nhất về việc ông cha ta đã chinh phục biển đảo từ rất sớm, thú vị hơn nữa, người Việt đầu tiên mở mang bờ cõi ra biển đông ấy đã trở thành niềm tự hào của xứ Thanh.
Hình tượng những con thuyền rẽ sóng với những chiến binh Lạc Việt trên trống đồng Đông Sơn thêm một minh chứng hùng hồn nữa về những chủ nhân sông nước - chủ nhân biển cả người Lạc Việt, có chỉ dấu xứ Thanh. Hình ảnh những chiếc thuyền trên trống đồng không phải là những thuyền câu, thuyền đánh cá thông thường mà thực sự là những thuyền lớn, thậm chí là những “chiến thuyền” có cấu trúc dài bề thế với đông đảo những “lạc dân” giơ cao những mái chèo lớn và dài, đó là những chiếc thuyền và những mái chèo dành cho những chuyến khơi xa, những chuyến vượt biển hoặc cho những trận thủy chiến hào hùng. Hình ảnh những chiếc thuyền đè sóng, lướt gió với những người đàn ông ngực trần đóng khố hứng khởi giơ cao mái chèo cho thấy thông điệp rõ ràng: Đây chính là những chủ nhân sông nước, thuyền là phương tiện vô cùng gần gũi và thiết yếu với người Lạc Việt. Thuyền không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh, phương tiện tự vệ và chiến đấu của cư dân Lạc Việt.
Từ đây, có thể khẳng định rằng, văn hóa biển, văn hóa sông nước chính là văn hóa sơ khởi, lâu đời nhất của người Việt và cũng là nét văn hóa đặc trưng nhất, đáng tự hào nhất của người Việt phương Nam. Bản thân chữ “lạc” trong các định danh: Lạc hầu, Lạc dân, Lạc tướng, Lạc điền... đã nói lên đặc trưng ấy. Và đây chính là lý do nét văn hóa ấy được thể hiện sớm nhất, sâu sắc nhất, độc đáo, ý nghĩa nhất trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Riêng ở Thanh Hóa có một vị thần đặc biệt nữa, thần Độc Cước - vị thần một chân trấn giữ biển cả. Có thể có những dị bản về vị thần một chân trấn giữ ở những vùng đất khác nhưng vị thần trấn giữ biển cả vừa đi vào truyền thuyết vừa có sắc phong, có đền thờ uy nghi lâu đời thì chỉ có thần Độc Cước ngự ở hòn Cổ Giải, trên dãy Trường Lệ biển Sầm Sơn (Sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), thần tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên giặc giã, giữ gìn bờ cõi, thần có hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác... và được vua phong bốn chữ: Độc Cước sơn triều). Như vậy, ở Thanh Hóa đã sớm có người anh hùng với khả năng đánh giặc xuất chúng, đặc biệt là khả năng đánh thủy. Hình tượng thần Độc Cước không chỉ mang ý nghĩa giải thích hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên (như Sơn Tinh, Thủy Tinh) mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho việc trấn giữ, phòng thủ, trông chừng, cảnh giác hẳn hoi - đó là ý thức bảo vệ biển, bảo vệ biên cương lãnh hải. Ý thức này đã đi vào truyền thuyết, nghĩa là từ rất sớm, từ thuở ý thức về đường biên ranh giới biển giữa các quốc gia còn chưa tạo lập. Sau này lịch sử có thể ghi nhận công lao của các anh hùng giữ nước, giữ biển, nhưng ý thức này, chủ nhân của vùng biển Thanh Hóa đã đưa vào truyền thuyết.
Một minh chứng nữa cho sự bám trụ lâu đời, từ thời tiền sử đến thời văn minh hiện đại của không gian biển xứ Thanh, của chủ nhân biển xứ Thanh. Chính họ, mỗi người dân đã là một thần Độc Cước trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không gian sống thiết yếu và thiêng liêng của mình.