Cách người Pháp duy trì và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử: Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều

13/06/2023 16:22

Theo dõi trên

Rất nhiều tòa nhà lịch sử ở Paris đóng vai trò quan trọng giúp thế hệ ngày nay và mai sau có cơ hội học tập và lưu lại những giá trị văn hóa đã qua.

catedral-notre-dame-1686545219246710342270-1686621121234-16866211212941345983872-1686648113.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Introducingparis

Theo trang global-studies của Đại học Binghamton, Paris là một thành phố lãng mạn với rất nhiều các tòa nhà và kiến trúc mang dấu ấn văn hóa lịch sử phong phú. Chính lịch sử sâu sắc của nước Pháp đã góp phần tạo nên rất nhiều di tích nổi bật cho quốc gia này. Nhiều tòa nhà vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay và đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.

Giá trị của các tòa nhà lịch sử

Tất cả các tòa nhà và di tích lịch sử trên thế giới đều được xem là viên ngọc quý của nhân loại. Một số tòa nhà và di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử cụ thể hoặc các sự kiện quan trọng của lịch sử của nước Pháp. Và cũng chính những di tích này có thể giúp các nhà sử học và khảo cổ học có thêm thông tin trực tiếp và cung cấp các dữ liệu lịch sử quan trọng gắn liền với văn hóa và di sản đất nước.

Chẳng hạn như Nhà thờ Đức Bà Paris đã gắn liền với toàn bộ lịch sử nước Pháp, từ xã hội phong kiến đến cách mạng Pháp cho đến Thế chiến thứ hai và thậm chí cả ngày nay. Di tích lịch sử này trở thành kho tàng quý giá mang giá trị lịch sử cho nhân loại. Các nhà khảo cổ có thể phát hiện những vật liệu đã sử dụng trong lịch sử, khám phá mới về những ý định thời xa xưa được khắc họa trong những bức tượng, bức tranh và một số tài liệu còn lưu giữ tại Nhà thờ Đức bà Paris cho đến ngày nay.

Hiện, nhà thờ Đức Bà có hàng nghìn bức tượng, đại diện cho công nghệ điêu khắc cao nhất sau thời kỳ Phục hưng và có thể được sử dụng như một mô hình thẩm mỹ để thể hiện chính xác khoảng thời gian đó. Cửa sổ thủy tinh Rose Windows là bộ cửa sổ kính màu hình tròn ở ngay cổng chính của nhà thờ và trở nên nổi tiếng nhất.

Nhà thờ Đức Bà Paris là cấu trúc tượng trưng ấn tượng, không chỉ rộng lớn về mặt vật lý (được biết đến là nhà thờ lớn thứ 11 thế giới) - mà còn là một trong những công trình kiên cố và có sức sống lâu đời nhất thế giới.

Những di sản văn hóa như vậy đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và việc làm. Một phần quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là đã tạo ra việc làm cho khoảng 8,5 triệu người dân ở EU và đóng góp 4,5% vào tăng trưởng GDP của châu Âu. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy 40% ngành du lịch quốc tế trên khắp thế giới đều mang dấu ấn văn hóa.

Di sản văn hóa cũng là một nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển bền vững và gắn kết xã hội. Thông qua các di tích văn hóa lịch sử quan trọng của đất nước, người dân có thể tới thăm các tòa nhà, và khám phá các giá trị văn hóa từ đây. Xuất phát từ nhu cầu này, lực lượng lao động như hướng dẫn viên du lịch, kỹ sư và người bán vé cũng gia tăng trong xã hội ngày nay.

Kinh tế là nền tảng để bảo tồn di sản văn hóa

Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất ở Pháp. Giá trị tôn giáo sâu sắc đã in đậm trong tâm trí người Pháp và có sức hấp dẫn độc đáo đối người dân.

Theo tác giả bài viết, các yếu tố như kinh tế, quy hoạch môi trường, quy hoạch đô thị, luật pháp, chính sách khu vực và phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tòa nhà lịch sử.

Cụ thể, yếu tố kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ các công trình lịch sử. Ngân sách do chính phủ cung cấp đã đặt nền tảng quan trọng giúp bảo tồn các tòa nhà và di tích lịch sử. Tại Pháp, ngân sách đến từ thành phố, khu vực, quốc gia và EU. Ngân sách này sẽ được sử dụng để vận hành và bảo trì thường xuyên, xây dựng lại và cải tạo, trả lương cho chuyên gia và công nhân, đồng thời phát triển công nghệ mới để tạo điều kiện truyền bá văn hóa.

Theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu được công bố vào tháng 8/2017, trong giai đoạn 2007-2013, trong tổng số 347 tỷ Euro cho chính sách gắn kết, Quỹ Phát triển Khu vực Châu Âu đã phân bổ 3,2 tỷ euro cho việc bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa; 2,2 tỷ euro cho việc phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa và 553 triệu euro cho các dịch vụ văn hóa để hỗ trợ phát triển di sản văn hóa.Trong giai đoạn 2014-2020, tổng ngân sách là 325 tỷ euro.

Mở rộng chính sách khuyến khích

Bắt đầu từ năm 2002, EU đã bắt đầu thành lập Giải thưởng Di sản Văn hóa của EU. Các giải thưởng dành cho những cá nhân hoặc tổ chức thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản văn hóa trong thực tiễn hoặc nâng cao các phương pháp bảo tồn. Giải thưởng đã tạo điều kiện tăng cường ảnh hưởng văn hóa lan tỏa trên khắp châu Âu, nâng cao tính đánh giá và nhận thức của người dân về di sản văn hóa đồng thời khuyến khích công chúng tham gia công tác bảo tồn. Người chiến thắng giải thưởng này sẽ nhận khoảng 10.000 euro.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các chương trình quyên góp sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để bổ sung những thiếu hụt ngân sách của Chính phủ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều tổ chức và người dân sẵn sàng quyên góp tiền để bảo tồn các tòa nhà lịch sử của đất nước. Điển hình, sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 2019, rất nhiều tổ chức và người dân sẵn sàng quyên góp tiền. 10 ngày sau vụ cháy, người dân và các tỷ phú đã cam kết ít nhất 750 triệu euro để xây dựng lại và làm mới các tượng đài ở Paris và Pháp. Một số nhà kinh tế kiến trúc dự đoán rằng số tiền đã vượt quá chi phí sửa chữa. Điều đó cho thấy sức mạnh to lớn khi người dân sẵn sàng cống hiến hết mình để bảo tồn tòa nhà lịch sử và đóng góp công sức để khôi phục.

Mặc dù số tiền quyên góp có vẻ dồi dào và tăng lên hàng năm nhưng hàng triệu di tích lịch sử vẫn cần phải tu bổ và bảo tồn, đặc biệt là các điểm đến di sản ở Trung Âu, Italy và thậm chí cả Pháp. Bên cạnh đó, các dịch vụ hệ sinh thái được cung cấp bởi các tòa nhà lịch sử và di sản văn hóa ước tính chi phí khoảng 200-300 tỷ euro mỗi năm ở châu Âu. Từ những lợi ích kinh tế, chính phủ chắc chắn cần tăng ngân sách bảo tồn các di tích này để từ đó kiếm được nhiều tiền hơn trong dài hạn thông qua du lịch và phát triển bền vững.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cách người Pháp duy trì và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử: Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.