Liệu có việc đặt nhầm, cúng nhầm vị thần nào đó không? Để trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta cần phải tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của loại hình tín ngưỡng này trong chính nền văn hoá mà nó tồn tại”.
Các vị thần
Sau tập 1 “Các bộ trang trí điẻn hình”, ở tập 2 này “Các vị thần”, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã có một hướng tiếp cận hoàn toàn mới so với tập 1. Thay vì tập hợp hệ thống tư liệu, khảo tả và diễn giải các đối tượng nghiên cứu trong văn hoá truyền thống Việt Nam.
Ở tập sách “Các vị thần” này PGS.TS Đinh Hồng Hải đặt đối tượng nghiên cứu trong bối cảnh văn hoá Việt Nam xưa và nay trong sự đối sánh với văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ. Và thông qua đó, người đọc có một cái nhìn tổng thể và khách quan nhất về các biểu tượng đó. Xa hơn tác giả muốn hướng đến những biến đổi của đối tượng nghiên cứu qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những biến đổi của chúng trong xã hội đương đại.
Với hướng tiếp cận mới này, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã tích hợp được nhiều hơn các khía cạnh lịch sử, văn hoá, vì vậy mà tập sách “Các vị thần” này có thêm chiều sâu, và thời lượng của mỗi chương mục ở quyển sách này phải kéo dài hơn gấp đôi so vơi tập 1 “Các bộ trang trí điển hình”.
Các đối tượng nghiên cứ ở tập sách này hoàn toàn khác so với tập 1 “Các bộ trang trí điển hình”, bởi vì ở tập sách “Các vị thần” này không chỉ để “trang trí” mà quan trọng hơn là để thờ cúng. Trong khi việc tìm hiểu giá trị nghệ thuật của các đối tượng nghiên cứu chỉ là những nghiên cứu biểu tầng thì nhiều yếu tố quan trọng của các đối tượng nói trên lại nằm ẩn sâu bên trong cơ tầng văn hoá.
Vì vậy, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã phải đào sâu hơn các yếu tố văn hoá - xã hội tồn tại trong đời sống của con người, được biểu hiện thông qua các hoạt động sống và hành vi của con người. Đó chính là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.
Trên cơ sở các công cụ lý thuyết nghiên cứu các biểu tượng hiện có, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã tiến hành nghiên cứu cụ thể đối với các vị thần trong văn hoá Việt Nam. Việc nghiên cứu này cũng gặp thách thức mới, đó là việc chọn lựa vị thần nào để đưa vào nghiên cứu. Đây là một công việc hết sức khó khăn, bởi vì tôn giáo và tín ngưỡng trong văn hoá Việt Nam vô cùng phức tạp do đặc tính nguyên hợp… Vì vậy, trong tập sách “Các vị thần” này, tác giả chủ trương lựa chọn các vị thần, thánh được thờ cúng nhiều, được nhắc đến nhiều, hoặc có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn hoá của người Việt Nam.
Do phải tiếp cận các đối tượng nghiên cứu theo chiều sâu, cho nên ở tập sách “Các vị thần” này PGS.TS Đinh Hồng Hải đã không đưa ra quá nhiều vị thần, mà chỉ chọn những vị thần quan trọng và có ảnh hưởng nhièu nhất trong văn hoá Việt Nam.
Từ thực tế nêu trên, tập sách “Các vị thần” đã được PGS.TS Đinh Hồng Hải lựa chọn là Tần Đất - Thần Bếp - Thần Tài - Thánh Gióng - Di Lặc và Ông Trời để làm các đối tượng nghiên cứu trọng tâm. Các vị thần khác ví dụ như Thần Núi - Thần Nước - Thần Canh Cửa… sẽ được tác giả bổ sung sau trong các lần sách tái bản tiếp theo.
Việc lựa chọn các vị thần như Thần Bếp - Thần Đất - Thần Tài được PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết khá thuận lợi, vì đây là những vi thần hết sức gần gủi và thân quen đối với mọi gia đình của người Việt. Trong khi đó các vị thần như Thánh Gióng - Di Lặc và Ông Trời lại có sự tích hợp vô cùng phong phú giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và quá trình biến đổi văn hoá diễn ra hết sức phức tạp qua các gia đoạn lịch sử. Đặc biệt là trong xã hội đương đại.
Chia sẻ về “Các vị thần” PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết: “Tại sao người ta có thể bỏ ra tiền tỷ để cầu cúng, ‘trấn yểm’ cho đất đai, nhà cửa tài sản của họ, nhưng rất ít người nghĩ xem họ có nhầm không khi chưa biết rõ tên gọi, nguồn gốc và ‘hành trạng’ của vị thần mà họ đang cầu cúng, khấn vái? Liệu có việc đặt nhầm, cúng nhầm vị thần nào đó không? Để trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta cần phải tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của loại hình tín ngưỡng này trong chính nền văn hoá mà nó tồn tại”.
Các vị thần được trình bày trong tập sách
Thần Đất: Thần Đất, Thổ thần, Thổ công, Thổ địa, Ông địa… là những tên gọi hết sức quen thuộc trong văn hoá Việt Nam chỉ một dạng tín ngưỡng thờ vị thần có liên quan đến đất đai. Vị thần này có mặt cả trong văn hoá dân gian lẫn văn hoá cung đình, vừa đóng vai trò của gia thần, vừa đóng vai trò của hộ thần. Với vai trò vừa là một vị thần của của mỗi gia đình lại vừa là một vị thần của cộng đồng. Thần Đất là một trong những tín ngưỡng lâu đời nhất đã tồn tại trong văn hoá truyền thống Việt Nam vẫn đang hiện hữu trong đời sống xã hội đương đại. Thần Đất được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng là 35 trang (từ trang 15 đến trang 50).
Thần Bếp: Tín ngưỡng Thần Bếp trong văn hoá Việt Nam có sự đan xen (hay lẫn lộn) giữa các vị thần bếp trong văn hoá Trung Hoa và cũng thiếu sự rạch ròi giữa tín ngưỡng Thần Đất và Thần Bếp trong văn hoá Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các nghi lễ thờ cúng Ông Táo của người Việt. Thần Bếp được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng 39 trang (từ trang 51 đến trang 90).
Thần Tài: Thần Tài trong văn hoá Việt Nam. Biểu tượng Thần Tài trong văn hoá Việt Nam có một sự “kết hợp” hết sức thú vị với một vị thần quan trọng khác, đó là Thần Đất để tạo nên tín ngưỡng thờ Thần Tài - Ông Địa. Nghiên cứu tín ngưỡng thờ các vị thần này và những biến đổi của chúng trong văn hoá Việt Nam sẽ lý giải các vấn đề như mua nhầm tượng Thần Tài hay đặt các vị thần này nhầm chỗ (bên cạnh việc đặt chung chỗ như Thần Tài - Ông Địa) đang ngày càng trở nên phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Thần Tài được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng 53 trang (từ trang 91 đến trang 144).
Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) là một biểu tượng trung tâm của Hội làng Phù Đổng (Hội Gióng) được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Bao quanh huyền thoại Thánh Gióng là vô số câu chuyện kể dân gian về xuất thân của một vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Thánh Gióng được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng là 49 trang (từ trang 145 đến trang 184).
Di Lặc: Thông qua việc tìm hiểu tín ngưỡng Đấng Cứu thế Di Lặc trong văn hoá của người châu Á, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã tìm hiểu những nét đặc trưng về văn hoá, xã hội cũng như những biến đổi về kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia, mỗi nền văn hoá, ở mỗi giai đoạn lịch sử. Đối tượng của nghiên cứu này được đặt trong một bối cảnh mới, ở một góc nhìn mới trên cơ sở so sánh sự biến đổi từ Đấng Cứu thế Di Lặc đến những dấu ấn đã được tạo ra trên “con đường tơ lụa thời Trung đại” và những biểu tượng mới xuất hiện gần đây trong thế kỷ XXI. Di Lặc được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng 51 trang (từ trang 185 đến trang 226).
Ông Trời: Trong tín ngưỡng dan gian Việt Nam, từ lâu đã tồn tại một dạng tin ngưỡng về một đấng tối cao, linh thiêng, đó là “Ông Trời” của người Việt; Ngọc Hoàng của người Trung Hoa, Then/Thiên của người Tày – Thái; Giàng/Yang của người Tây Nguyên… Dạng tín ngưỡng này co tác động rất lớn đến đời sống văn hoá xã hội của người dân. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và nghiên cứu tín ngưỡng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn chưa có một tên gọi riêng cho chúng. Ông Trời được PGS.TS Đinh Hồng Hải dành thời lượng ngắn nhất trong tập sách với 21 trang (từ trang 227 đến trang 248).