Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam
Nhà sử học Bùi Thiết: Người ta biến báo từ thiên thần thành nhân thần
Sử quan phương không ghi rõ cha mẹ của Trần Thủ Độ là ai. Chính sử chỉ ghi ông được bác ruột là Trần Lý nuôi từ nhỏ. Vậy mà trong một hội thảo khoa học về Trần Thủ Độ, có tác giả đã “tìm ra” cho Trần Thủ Độ được một ông bố. Đó là ông Trần Hoằng Nghị ở làng Mẹo và làng Xuân La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thực ra, ở làng Mẹo và làng Xuân La không có ai là Trần Hoằng Nghị cả. Đình Xuân La thờ một vị thiên thần là Trang Nghị đại vương.
Vị thiên thần này có thần tích hẳn hoi, là con của Thần Sấm, được vua nhà Đường phong thần từ lúc nước ta còn bị phong kiến phương Bắc đô hộ (thế kỷ thứ VII). Từ Trang Nghị đại vương, người ta biến báo ra để có Hoằng Nghị đại vương và ban cho ông thêm họ Trần để có Trần Hoằng Nghị, rồi cho ông thêm các con, trong đó có Trần Thủ Độ.
Một số nhà sử học tham gia Hội thảo khoa học về “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)”, được tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) đầu năm 2007, đã “lấp đầy” lý lịch cho ông một cách “ngoạn mục”. Người ta tiếp tục phổ biến lý lịch rõ ràng của Trần Thủ Độ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho đến tận Hội thảo về chiến Đông Bộ Đầu cuối năm 2009, đầu năm 2010.
Nhà nghiên cứu Đặng Hùng (Thái Bình): Không có Hoằng Nghị đại vương
Các bộ quốc sử thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều không cho biết rõ thân sinh của Trần Thủ Độ là ai. Riêng về Trần Thủ Độ, thì phần lớn các nhà sử học xưa và nay đều thống nhất ở một điểm: Trần Thủ Độ là chú họ của Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), quê hương ông ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng...
Từ xưa đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhà Trần và cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng về thân phụ, thân mẫu cùng các thế hệ con, cháu, chút... của ông.
Năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo: "Trần Thủ Độ - con người thời Trần" tại Thái Bình, lần đầu tiên công bố thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Tư liệu của tác giả Dương Quảng Châu (nay đã mất - PV) đưa ra không dựa vào các cơ sở khoa học chính sử mà cơ bản là căn cứ vào các tài liệu điền dã khảo sát ở các địa phương trong tỉnh Thái Bình và tỉnh bạn.
Trong vài năm gần đây, một số tác giả khi viết về Trần Thủ Độ đã dựa vào tư liệu điền dã được công bố của cụ Dương Quảng Châu và cho rằng cha đẻ của ông là Trần Hoằng Nghị.
Nhưng có đúng "Trần triều Hoằng Nghị đại vương" là Trần Hoằng Nghị không? Ông có đúng là thân sinh của Trần Thủ Độ không? Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin tư liệu điền dã mà tác giả Dương Quảng Châu đã nêu ra trong hai bài viết của mình.
Trong bài "Trần Thủ Độ với Thái Bình", tác giả Dương Quảng Châu căn cứ theo lời ông trưởng tộc họ Trần ở làng Ứng Mão (làng Mẹo, Thái Phương, Hưng Hà) cho biết: Vị thủy tổ họ Trần ở làng này là Hoằng Nghị đại vương và "Ở giữa làng có chợ, bên chợ có đền Vua Ông xây thời Trần, trong kháng chiến chống Pháp, đền bị phá, hiện thu gom thờ chung với nhà thờ đại tông họ Trần ở làng Xuân La.
Căn cứ theo thần tích, thần sắc thì làng Xuân La xưa thuộc tổng Lập Bái (huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình). Các vị thần được thờ ở đình, đền làng có ba người là Trang Nghị đại vương, Hoàng Bà trấn quốc đại vương, Thiên Quan đại vương. Nếu Hoằng Nghị đại vương là người được thờ ở đền Vua Ông thì nhất định ông phải có tên trong thần tích, thần sắc của làng. Thực tế ở đình làng Phương La thờ lục vị thần hoàng nhưng không có vị nào là Hoằng Nghị đại vương. Ngay cả ở Xuân La cũng thế. Phải chăng mọi người đã lầm tưởng Hoằng Nghị đại vương là Trang Nghị đại vương.
Thực ra Trang Nghị đại vương, Hoàng Bà trấn quốc đại vương và Thiên Quan đại vương - theo thần tích, thần sắc ở Xuân La - là ba vị thiên thần.
Căn cứ vào thực tế khảo sát, chúng ta có thể khẳng định rằng không có đền, đình nào thờ Hoằng Nghị đại vương. Đó là sự thật không thể lầm lẫn được.
Nhà nghiên cứu Đinh Hoành Sơn (Huế): Phải thẩm định tư liệu trên cơ sở khoa học
Tôi chưa tiếp cận được sử liệu nói rõ về nhân vật và gia thế Trần Thủ Độ. Chỉ biết Toàn thư nói nhà Trần gốc Mân Việt, sau đến ở hương Tức Mặc, đời đời làm nghề đánh cá. Đến Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), có chú họ là Trần Thủ Độ, làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Từ những khoảng trống lịch sử đó, việc bổ khuyết, đặc biệt là từ lịch sử địa phương thông qua nghiên cứu điền dã, là rất đáng trân trọng. Có điều những cứ liệu đó phải được thẩm định thành một cơ sở dữ liệu khoa học để tránh nhầm lẫn, sai sót, cả tình trạng ngụy tạo văn bản.
Có nhiều quan điểm tiếp cận, cách tiếp cận để đi đến sát thực, làm rõ hơn những vấn đề khoa học và mọi cá nhân, tập thể phải chịu trách nhiệm trước kết quả công bố của mình, trên phương diện quả ngọt lẫn trái đắng. Nếu công khai thẩm định cơ sở dữ liệu và kết quả nghiên cứu đó, thì các cơ quan trực tiếp này phải có thiện chí tiếp nhận đối thoại và bổ sung, chỉnh lý khi có thể, bởi tính chính danh của họ mà đất nước, xã hội đã giao phó, là “Quốc Sử quán” ngày nay....