Còn nhớ cách đây chỉ mới 2 năm, nhân đi từ Đà Nẵng ra, tôi và chú em rủ nhau chạy đường đèo và ghé thăm Hải Vân Quan. Quanh quẩn gần giờ đồng hồ, ngoài tôi với chú em, thỉnh thoảng có vài ba du khách tây đi bụi tạt qua tò mò tìm hiểu xem cụm kiến trúc cũ kỹ này nó là cái gì mà xây tận chót vót trên đỉnh non xanh. Lúc ấy, nghĩ đến cái pháo đài xưa cũ và ngôi nhà thờ đã bị đạn bom chiến tranh hủy hoại ở eo biển Malacca của Malaysia với nườm nượp khách thăm, tôi ngẩn ngơ tiếc cho Hải Vân Quan và thao thức mơ về cái ngày di tích này trở thành "một điểm nhấn" trên hành trình di sản miền Trung. Và bây giờ, sau 2 năm trở lại, giấc mơ của tôi về cái "điểm nhấn" đẹp đẽ ấy dường như đã gần hơn bao giờ hết. Hải Vân Quan bây giờ không còn đìu hiu cô quạnh nữa mà nhộn nhịp khách thăm. Không chỉ có khách du lịch nội địa mà còn rất đông du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp, Nhật... Và "cán cân" giữa khách đoàn với khách lẻ đã đổi chỗ cho nhau khi mà ken kín khu vực đỉnh đèo là cả một bãi toàn xe du lịch 30- 54 chỗ. Khách đi đoàn tất nhiên là có hướng dẫn viên, thông tin về Hải Vân Quan do vậy hẳn cũng sẽ đến với du khách hoàn chỉnh hơn, sức hấp dẫn của Hải Vân Quan cùng cung đèo ngoạn mục thuộc top đầu thế giới này của Việt Nam hẳn cũng sẽ toả lan rộng khắp hơn.
Hải Vân Quan là cửa ải trấn giữ Kinh thành Huế ở phía Nam, tọa lạc ngay trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao gần 500m so với mực nước biển. Ải có từ xưa nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826) mới được xây dựng với cửa quan, thành lũy, súng ống, kho lẫm quy mô và vững chãi, tương xứng với vị trí quan ải trọng yếu của Kinh thành. Trên ngạch cửa về phía Nam có biển đá khắc 3 chữ "Hải Vân Quan" bằng chữ Hán đại tự, ngạch cửa sau ở phía Bắc ghi 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" cùng dòng lạc khoản Minh Mạng thất niên cát nhật tạo (Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 7). Cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được tương truyền là do vua Lê Thánh Tông trong một lần chinh Nam đã dừng chân trên đỉnh Hải Vân cách đây hơn 500 năm cảm khái mà đặt. Sau này, được nắn tuyến, "con đường cái quan" (Quốc lộ IA) tuy không còn đi qua Hải Vân Quan nữa, nhưng cả người Pháp và người Mỹ đều nhận rõ vị trí quan yếu của cao điểm. Do vậy, đã cho thiết lập tại đây hệ thống lô cốt, công sự liên hoàn kiên cố để án ngự, kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch đi qua miền Trung Việt Nam. Nhiều trận giao tranh ác liệt đã diễn ra tại đây, dấu tích cho đến bây giờ vẫn còn hiện hữu...
Giữa hùng vĩ núi rừng, giữa mênh mông gió núi mây ngàn, nhưng một điểm đến thú vị như thế từng suốt cả một thời gian dài bị "thả" lơ lửng, không người quản lý, nguy cơ trở thành phế tích. Đáng mừng là điều vô lý vô sự trên đã chấm dứt sau "cái bắt tay trên đỉnh Hải Vân" của 2 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Mọi thứ bắt đầu khởi động và dấu ấn đáng kể đầu tiên là Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho Hải Vân Quan - cơ sở pháp lý quan trọng để Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Hải Vân Quan như vừa trải qua một giấc ngủ dài và giờ đây bừng tỉnh. Sẽ còn rất nhiều việc nữa phải làm ở phía trước, trong đầu tư tôn tạo, trong thu xếp lại cảnh quan, trong phát triển dịch vụ phù hợp và xứng tầm... Nhưng Hải Vân Quan - chấm son giữa "con đường trong mây", giữa "cung đèo ngoạn mục" hàng đầu thế giới chắc rằng sẽ là điểm dừng chân lý thú và không dễ bỏ qua của mọi du khách khi đi trên con đường xuyên Việt.