Bơi chải ở lễ hội đình Lưu Xá

10/07/2016 07:59

Theo dõi trên

Hội bơi chải gắn với lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, được tổ chức từ ngày 15-17 tháng giêng âm lịch hàng năm. Điều đặc sắc và độc đáo của hội đình Lưu Xá là vừa rước thánh đường bộ, vừa rước đường thủy, thi bơi chải, gắn liền với nghề sông nước truyền thống của làng.

 


Một số hình ảnh lễ hội truyền thống làng Lưu Xã xuân Ất Mùi năm 2015

Hội bơi chải gắn với lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, được tổ chức từ ngày 15-17 tháng giêng âm lịch hàng năm. Điều đặc sắc và độc đáo của hội đình Lưu Xá là vừa rước thánh đường bộ, vừa rước đường thủy, thi bơi chải, gắn liền với nghề sông nước truyền thống của làng.

Trước đây, năm nào làng cũng mở hội. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hội không được tổ chức. Năm 1952, dân làng tổ chức hội và thi bơi chải một lần, nhưng đơn giản, quãng đường bơi cũng ngắn hơn. Năm 1955, dân làng tổ chức hội một lần nữa. Sau đó, hội cũng như bơi chải không được thực hiện. Đến năm 1990, dân làng mới khôi phục lại được một phần của hội, chỉ tổ chức lễ rước, chưa khôi phục thi bơi chải trong hội. Từ năm 1996, cứ 5 năm tổ chức 2 lần. Từ năm 2010 trở lại đây, 5 năm mở hội lớn 1 lần, có rước đủ 5 kiệu. Vào những năm hội lệ, làng chỉ rước một kiệu.

Hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vị thành hoàng Linh Lang Đại vương - vị thần che chở cho dân, được thờ tại đình làng. Theo bản thần tích, thần sắc (1938) hiện còn được lưu ở Thư viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì ngày sinh của Linh Lang là 16 tháng giêng, lệ có ca hát, đấu thuyền 3 ngày (tức thi bơi chải), rước thần vị trên ngã ba sông (ngã ba Thá). Ngày hóa của thần là ngày 10 - 2, cũng tổ chức lễ rước thần vị trên ngã ba sông, đấu thuyền (tức thi bơi chải), ca hát 3 ngày. Các bô lão cho biết, dân cư ở đây đa phần là làm sông nước, họ chỉ về làng vào mỗi dịp tết Nguyên đán, sau đó lại tản đi các nơi. Để thuận tiện cho việc làm ăn, sau này, dân làng quyết định mở hội từ ngày 15 - 17 tháng giêng, phù hợp với ngày sinh của đức thánh Linh Lang.

Bên cạnh đó, đình còn phối thờ hai vị: đương cảnh thành hoàng Lý Thừa Đại Hành Tôn Thần, đương cảnh thành hoàng Chàng Đao Bảo Tôn Thần. Ngày mồng 6 tháng Chạp là ngày khánh hạ, hóa nhật hai vị.

Hội được tổ chức chính tại đình Lưu Xá, có rước kiệu từ đình lên quán Thượng cách đó khoảng 1km. Đình làng Lưu Xá hiện nay nằm ở gò đất cao, phía trước là sông nước, sau lưng xa xa là dãy núi Miếu Môn, một chi nhánh của dãy Trường Sơn. Chính vì lợi thế về phong thủy, trước mặt là sông nước, sau lưng là núi dài mà dân Lưu Xá cũng chọn mảnh đất ở trên bờ của ngã ba hai con sông mà đặt đình thờ thành hoàng làng (1). Ngôi đình xưa là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, được xây dựng từ lâu đời. Sau đó, đình bị cháy, dân làng mới xây dựng đình bằng gỗ lim, nằm ở bờ đê sông Bùi.

Xưa, đình thờ ngai, từ năm 2006 mới có tượng đức thánh Cả, tượng của đức thánh Đệ nhị và đức thánh Đệ tam được làm vào năm 2012.

Là lễ hội truyền thống có từ xa xưa, nhưng do chiến tranh loạn lạc nên bơi chải làng Lưu Xá bị gián đoạn hơn 25 từ năm 1947 đến 1968 . Đến năm 1969 bơi chải mới được dân làng khôi phục lại với tên gọi khác là đua thuyền, nhưng bà con nơi đây vẫn gọi tên là bơi chải. Bơi chải không chỉ mang lại hàm lý sâu xa về văn hóa mà còn đem đến tính nghệ thuật chỉ có ở thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội

 Quán Thượng chỉ là nơi thờ vọng, hiện nay là một ngôi nhà nhỏ, ba gian, hai mái, không có cửa. Gian giữa có bệ thờ đặt ngai và các đồ thờ khác. Bệ dưới đặt hoa quả và các đồ cúng lễ. Hai gian hai bên có hai con ngựa dành cho các vị thần linh được vẽ trên tường. Bên trái là ngựa đen, bên phải là ngựa trắng.

Đền Mẫu, gồm 5 gian, nằm ngay bên cạnh đình, thờ thánh mẫu Phương Anh phu nhân (2), quê gốc ở xã Bồng Lai (huyện Đan Phượng). Sinh ngày 15 - 3, hóa ngày 12 - 8. Tượng bà được làm vào khoảng năm 1930 bằng gỗ mít, đặt trong khám thờ.

Hội đình Lưu Xá bắt đầu bằng nghi lễ ướt dầm (hay còn gọi là ướt nghề) vào đầu tháng giêng. Chính hội tổ chức vào ngày 15 - 16 tháng giêng, có nghi lễ rước thánh bằng đường bộ và đường thủy. Xưa kia, hội kết thúc bằng việc thi bơi chải giữa các giáp. Nơi tổ chức rước thánh bằng đường thủy và thi bơi chải là ngã ba sông hay còn gọi là ngã ba Thá - nơi giao nhau của sông Bùi và sông Đáy. Ngã ba này thuộc địa phận của 3 huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa ở ngay phía trước cửa đình làng Lưu Xá. Chính tại đây những nghi lễ liên quan đến thủy thần và nghề kiếm cá trên sông đều được tổ chức, duy trì.

Để chuẩn bị cho nghi lễ ướt dầm, ngay từ trong tết âm lịch, dân làng làm lễ hạ chải (hạ thuyền). Trước đây, dân làng thường mượn thuyền của dân để tổ chức rước thánh và thi bơi chải. Khi ấy, làng sẽ thông báo cho các chủ thuyền được chọn phục vụ nhà thánh để họ dọn dẹp thuyền. Thường là họ tháo bỏ mui, chuyển đồ đạc của gia đình mình để lên bờ. Gia đình nào mà được làng chọn thì vô cùng vui mừng và tin rằng năm đó làm ăn gặp may mắn. Ngày này các cụ chuẩn bị hoa quả, sau đó làm lễ trình thánh, tất cả đội chải cũng theo lên đình làm lễ.

Về nghi lễ ướt dầm, các cụ chọn mùng 1 hoặc mùng 2 tết, ngày nào đẹp thì làm lễ trình thánh thực hiện nghi thức này. Từ lúc giao thừa cho đến lúc chưa thực hiện xong nghi lễ ướt dầm, làng chưa hạ dầm xuống nước thì tất cả thuyền bè của dân làng trên sông đều bất động. Chỉ khi trống đình nổi lên, thực hiện nghi lễ bơi ướt dầm thì lúc đó các thuyền bè của dân chài mới bắt đầu được động mái, đi làm ăn. Ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ.

Sau nghi lễ ướt dầm, dân làng lại tưng bừng chuẩn bị cho ngày hội. Vào ngày 14 tháng giêng, các cụ ông cao tuổi trong làng ra đình làm lễ bao sái đồ thờ. Đồ thờ được các cụ lau qua hai lượt nước, đầu tiên là nước giếng sạch, rồi lau lại bằng nước gừng. Cụ từ và một số cụ cao tuổi trong làng bao sái tượng cho đức thánh; các cụ bà ra quét dọn đình, chuẩn bị lễ vật dâng thánh. Sau đó, các cụ tiến hành lắp kiệu, cố định kiệu bằng dây để khi rước cho chắc chắn.

Vào ngày 15 tháng giêng, buổi sáng tiến hành cung nghinh tượng đức thánh mẫu từ đền sang đình dự hội. Chủ tế rước sắc và các quan viên tế rước tượng. Sau khi về đình, các cụ ông tiến hành làm lễ tế khai sắc. Buổi chiều, sau khi làm lễ khai mạc hội, dân làng tiến hành rước kiệu bộ, đi từ đình làng lên quán Thượng. Trước khi rước, các cụ làm lễ tại sân đình, sau đó các quân kiệu và đội chải vào làm lễ. Lễ xong, sau một hồi trống giục, đoàn rước khởi kiệu.

Đội hình rước như sau: cờ tổ quốc; cờ thần; đội trống, thanh la; xe ô tô con có loa tuyên truyền (mới có từ năm 2010); xe ô tô con rước mâm lễ hoa quả bên trên nóc xe (mới có từ năm 2010); Đội múa rồng: có hai đội múa rồng của làng, có thể đi trước hoặc đi sau đoàn rước để múa hầu thánh; đội rước hồng kỳ; đội rước bát bửu; đội rước cờ hội; đội múa sinh tiền; hội các bà đã quy Phật, vừa đi vừa cầm nén hương và đọc kinh; kiệu quan bộ hạ: gồm có 8 người, do trai đinh rước; kiệu đức thánh mẫu, rước tượng và hòm sắc: gồm có 16 người, do phụ nữ rước (cụ thể là những người có căn cao số nặng, phải ra hầu đồng, hay còn gọi là thanh đồng hương tử); kiệu đức thánh cả, rước tượng và hòm sắc: gồm 16 người, do trai đinh trong làng rước; kiệu đức thánh hai, rước tượng: gồm 16 người, do trai đinh trong làng rước; kiệu đức thánh ba, rước tượng : gồm 16 người, do trai đinh trong làng rước.

Đi cùng với các kiệu có đội chấp kích đi để bảo vệ kiệu. Kiệu đi hết địa phận của làng sau đó mới quay về ngự tại quán Thượng. 5 kiệu ngự tại hai bên sân quán. Sau đó, các cụ cao niên phụng nghênh hòm sắc phong vào cung. Hòm sắc được che bằng miếng vải đỏ. Khi rước, các cụ phải đội hòm sắc lên đầu, làm lễ cửa quán, sau đó mới đi cửa ngách vào bên trong. Điều đặc biệt ở đây là khi các cụ bước đi, chân đi theo chiều ngang, không được bước thẳng. Có một cụ cầm trống lệnh đánh trống chỉ dẫn quá trình hành lễ. Sau đó, các đội tư văn nữ làm lễ tế yên vị. Đội tế gồm có 15 người, tiến hành tế tại sân quán. Đội tế nữ được thành lập khoảng những năm 1995-1996, chỉ tế những tuần tế phụ. Buổi tối, các cụ bà tế bán dạ.

Vào buổi sáng ngày 16 tháng giêng, tiến hành rước trên sông Bùi từ quán Thượng về đình. Các cụ phụng nghênh hòm sắc lên kiệu, sau đó tiến hành rước kiệu xuống thuyền. Mỗi kiệu ngự trên một thuyền. Các thuyền được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Mỗi thuyền có gồm có 8-16 thanh niên rước kiệu và một số bô lão đi theo hầu kiệu. Kiệu quan bộ hạ xuống thuyền trước, sau đó đi tuần một vòng theo dòng sông Bùi, đi hết địa phận của làng Lưu Xá, giáp xã Đồng Phú, sau đó lại quay về trước cửa quán, đợi khi nào 4 kiệu xuống thuyền hết sau đó mới xếp đội hình xuất phát. Riêng kiệu quan bộ hạ có quyền đi trước hoặc đi sau, đi nhanh đi chậm, mục đích là để dẹp đường cho đức thánh đi. Cùng với 5 thuyền kiệu có 2 đội bơi chải nam, nữ bơi song hành (bơi thờ). Hai đội bơi mỗi đội gồm 10 người, khi bơi trước, lúc bơi sau đoàn rước, với mục đích là bơi thờ, rước ngài về cung an toàn. Đội chải đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức lễ rước, là phần không thể thiếu trong hội đình Lưu Xá.

Khoảng hơn 10 giờ sáng, đoàn rước trên sông về đến đình Lưu Xá. Các cụ làm lễ phụng nghênh tượng, hòm sắc vào hậu cung. Sau đó, tiến hành tế lễ. Đội tế gồm có 15 người, là tư văn của ba làng Lưu Xá, Phù Yên và Hoàng Xá cùng tiến hành tế công đồng. Đội tế tế ba tuần, từ sân vào đại bái. Buổi tối, đội tư văn nữ tiếp tục tế bán dạ.

Sáng ngày 17 tháng giêng, các cụ làm lễ tạ, tiếp theo là lễ tiễn thiên quang tại sân. Hoàn thành khóa cúng, cụ Thống, một già làng, biết chữ Nho xin âm dương, nếu nhất, nhị đài được thì nhân dân dự hội rất phấn khởi. Tiễn thiên quan xong, rước đức thánh mẫu hồi cung về đền. Các cụ bà làm lễ cúng chúng sinh. Chính quyền địa phương cùng hội người cao tuổi và dân làng làm lễ bế mạc hội.

Hội hiện nay vẫn giữ được những nghi lễ chính từ xưa truyền lại. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc tổ chức thi bơi chải chưa thể khôi phục được. Xưa kia, mỗi dịp hội, bốn giáp của Lưu Xá lập thành bốn đội thi với nhau. Lúc bấy giờ, làng chỉ có 2 chiếc thuyền rồng bằng gỗ, thi lần lượt từng đôi một. Mỗi thuyền chỉ có 8 người bơi (chèo), gồm có 6 người ngồi hai bên mạn thuyền, một người lái, một người tổng cờ và có thể có thêm một người tát nước. Thi bơi chải được gọi là bơi thi hầu thánh. Người ta tin rằng giáp nào thắng cuộc thì năm ấy giáp đó sẽ làm ăn gặp nhiều may mắn, đánh bắt được nhiều ngư lợi. Tuy nhiên, hiện nay tập quán bơi chải mới chỉ dừng lại ở việc bơi thờ (hộ tống) đoàn rước thủy. Việc thi bơi chải giữa các giáp chuyển sang thi đấu thể thao giữa các quận, huyện do thành phố đứng ra tổ chức mà không phải năm nào cũng đăng cai tổ chức tại Lưu Xá.

Hội đình gắn với những mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Bản thần tích, thần sắc (1938) được soạn vào năm 1572, niên hiệu Hồng Phúc thứ 1, do Nguyễn Bính phụng mệnh soạn, được sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) nói rõ về các quy định của hội. Điều đó cho thấy, hội đình Lưu Xá là một lễ hội rất cổ, ít nhất đã được ghi lại từ hơn 400 năm nay, được dân làng bảo vệ và duy trì. Mỗi lần mở hội là một dịp nhắc nhở thế hệ sau nhớ về công lao của các vị anh hùng trong lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị lịch sử mà cha ông ta đã để lại. Các nghi thức tế lễ trong ngày hội hướng mọi người về thế giới tâm linh, tưởng nhớ các vị thần có công trong việc phù giúp dân tạo lập cuộc sống mới, xây dựng bảo vệ xóm làng kể từ những ngày đầu gây dựng. Các hoạt động làm lễ dâng hương trong ngày hội của dân làng cũng như du khách thập phương là một trong những hình thức tưởng niệm vị thành hoàng, cũng như các vị thần bảo trợ cho xóm làng.

Nghi lễ bơi chải rộn ràng bởi tiếng chiêng trống, tưng bừng náo nhiệt bởi tiếng reo hò cổ động của người xem. Bơi chải như đưa bước chân người dự hội trở về với quá khứ, nhắc mọi người luôn nhớ về vị thành hoàng làng Linh Lang đại vương, gắn bó với sông nước. Vì thế, hội đình Lưu Xá với các tập tục, nghi lễ có giá trị vô cùng sâu sắc, vừa ôn lại truyền thống, vừa giáo dục thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn của ông cha ta.

Hội đình Lưu Xá là ngày hội của cư dân vạn chài, với nghi lễ bơi chải thể hiện truyền thống làng, truyền thống nghề. Xưa kia, một phần vì sống ở vùng sông nước, một phần vì không có đất làm ăn sinh sống, cả làng 900 đinh chỉ có 90 mẫu ruộng, cho nên khoảng nửa làng làm nghề thuyền chài kiếm cá, bè vó, thuyền đinh vận chuyển hàng hóa, chở đò. Nhiều người không có đất, có nhà trên bờ. Tài sản duy nhất của họ chỉ là con thuyền, họ ăn uống, sinh hoạt ngay trên thuyền, bè trên sông. Với người dân Lưu Xá, sông nước vừa mang lại sự ấm no, nhưng cũng ẩn chứa bao hiểm họa. Vì thế, nghi lễ liên quan đến sông nước, thủy thần được hình thành và luôn được gìn giữ từ hàng nghìn năm nay thể hiện rất rõ trong việc thực hành các nghi lễ ở ngày hội. Thờ thủy thần là một tín ngưỡng rất cổ của người Việt được người dân ở Lưu Xá trân trọng.

Bản thần tích, thần sắc (1938) đã chỉ rõ từ năm 1572, vào ngày sinh (16 - giêng), ngày hóa (mùng 10 - 2), đều có đấu thuyền (tức là thi bơi chải) 3 ngày, rước trên ngã ba Thá. Điều này cho thấy người Lưu Xá xưa coi trọng cả ngày sinh và ngày mất của vị thành hoàng, cả hai ngày đều mở hội, đặc biệt nghi lễ rước thánh bằng đường thủy và nghi lễ bơi chải được cộng đồng nơi đây gìn giữ và phát huy từ TK XVI cho đến ngày nay. Bơi chải trong lễ hội vừa mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong một năm sông nước an toàn và bội thu, vừa là dịp để trai tráng trong làng trình diễn kỹ năng bơi chải của mình.

Nét riêng biệt của hội đình Lưu Xá được thể hiện ở nghi lễ rước thánh vừa bằng đường bộ (khi đi), vừa bằng đường thủy (khi về) và bơi chải trên sông được cộng đồng nơi đây gìn giữ như một nghi lễ thiêng liêng không thể thiếu.

Từ mấy chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 1 hoặc mùng 2 tết, dân làng tổ chức nghi lễ ướt dầm, cho động mái chèo, thuyền xuống sông nước. Đó là nghi lễ mang lại may mắn cho dân làng trong suốt một năm làm nghề đánh cá. Đến dịp hội, dân làng háo hức chuẩn bị cho việc rước thánh vừa đường bộ, vừa đường thủy và tục bơi chải đã tồn tại được gần 5 thế kỷ vẫn không hề thay đổi. Hội thể hiện rõ sức sống của người Lưu Xá, vốn xưa là cư dân vạn chài, họ yêu nghề, gắn bó với nghề và gìn giữ truyền thống văn hóa sông nước. Mặc dù hiện nay nghề sông nước đã không còn phổ biến, nhưng niềm tin, tập quán và những nghi lễ liên quan đến vị thánh Linh Lang và thủy thần vẫn được dân làng gìn giữ và phát huy.

Mỗi dịp hội, thu hút đông đảo dân làng tự nguyện tham gia. Riêng đội hình rước 5 kiệu lên đến hàng trăm người. Nhân dân ở các vùng lân cận cũng đến xem hội, xem rước thánh trên sông và xem thi bơi chải. Tuy nhiên, thi bơi chải giữa các xóm không được tổ chức như cách cũ mà đã trở thành một môn thi đấu thể thao, đôi khi diễn ra trước ngày hội.

Câu lạc bộ bơi chải ở Lưu Xá được thành lập từ năm 2001, hiện nay gồm hơn 40 thành viên. Xưa kia chỉ có đội chải nam, sau này do nhận thức thay đổi, đội chải nữ cũng được thành lập và duy trì (từ năm 1997). Việc này có tác dụng rất lớn trong việc đào tạo thế hệ trẻ gìn giữ những kỹ năng, kỹ thuật của bơi chải. Câu lạc bộ bơi chải đã đi thi đấu nhiều nơi trong nước, thậm chí cả nước ngoài và đạt được nhiều thành tích cao.

Chính bởi truyền thống làng, truyền thống nghề sông nước và để hoàn thiện hội hơn nữa, nhân dân Lưu Xá hiện nay muốn phục hồi việc tổ chức thi bơi chải giữa các xóm để hầu thánh, tức là muốn giữ lại thi bơi chải nghi lễ, đồng thời phát triển bơi thi thể thao. Hai hoạt động này, bổ trợ cho nhau mà không thay thế nhau.

Năm 2014, huyện Chương Mỹ đã thực hiện xong công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, trong đó việc kiểm kê di sản hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính đã được thực hiện khá chi tiết. Bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể Chương Mỹ đã được Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch Hà Nội xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu quản lý và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của thành phố. Hội đình Lưu Xá được đưa vào bản đồ và danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên để bảo vệ của Hà Nội.

Hội đình Lưu Xá là một lễ hội cổ truyền, ít nhất đã tồn tại suốt gần 5 thế kỷ nay. Hội có nhiều nét sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh về văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc riêng, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc, đa dạng văn hóa của đất nước.

_______________

1. Nguyễn Nguyên Hoài, Đình Lưu Xá, Tạp chí Thế giới di sản, số 1+2 - 2015, tr.148.

2. Nhân dân ở đây còn quen gọi là bà Hạo Nương như ghi trong bản Thần tích Thủ Lệ. Bà là cửu cung phi của vua Lý Thánh Tông, sinh ra đức thánh Linh Lang.

(Theo Tạp chí VHNT)

DƯƠNG NGỌC LONG
Bạn đang đọc bài viết "Bơi chải ở lễ hội đình Lưu Xá" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.