Bí mật về bức tượng Rồng “miệng cắn, thân chân xé xác” có 1-0-2 (1)

08/06/2015 14:37

Theo dõi trên

Bức tượng Rồng “miệng cắn thân chân xé xác” được tìm thấy tại Đền Thượng (Bắc Ninh) được coi là bức tượng rồng đặc biệt nhất lịch sử. Nhiều người cho rằng, bức tượng là hiện thân của Thái sư và thể hiện nỗi oan ức của ông trong vụ kỳ án hồ Dâm Đàm.

Ngày tượng Rồng nổi lên…

Tượng Rồng “miệng cắn thân, chân xé xác, tai đặc tai rỗng” được tìm thấy vào năm 1992 trước cổng Tam Quan (cổng đền Thượng, xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh). Đến nay bức tượng này đã được đưa vào trong đền Thượng nơi trước kia là nhà của Thái sư Lê Văn Thịnh và được xây mái cẩn thận để người dân đến hương khói.

Bất cứ ai đến đây đều được nghe cụ Thủ Từ ở đây (người trông coi đền) là ông Nguyễn Đức Tiếp (76 tuổi) kể lại lịch sử của Đền, về Thái sư Lê Văn Thịnh và đặc biệt là những câu chuyện ly kỳ xung quanh việc tìm thấy pho tượng rồng kỳ lạ biểu trưng cho nỗi oan khuất của Thái sư Lê Văn Thịnh.




Ông Thủ từ cho mọi người xem bức tượng Rồng "miệng cắn thân chân xé xác"

Theo cụ Tiếp, ngày cụ Rồng nổi lên là ngày người dân đến làm đường, san đất phía trước cổng Tam Quan. Hơn nữa ở khu đất này không có cây nên xã phát động mỗi gia đình trồng một cây nhãn. Những thanh niên trong làng mới đào đất thì đụng phải phiến đá to và rắn, lại thấy có một số hoa văn nên đào rộng và sâu xuống 5m ra thì thấy một pho tượng có hình thù kỳ lạ. Bức tượng đá hình Rồng ngự trên 1 phiến đá màu gụ, đầu ngoảnh về phía Thăng Long, Hà Nội.

Khi bức tượng Rồng hiện ra nguyên hình, như có một phép lạ tất cả người đân đều quỳ xuống vái lạy. Vì tượng Rồng được tìm thấy trên đất của Thái sư Lê Văn Thịnh, lại có hình thù kỳ lạ, quằn quại, nên người dân nghĩ ngay đó là hiện thân của Thái sư. Sau đó dân làng chọn 10 thanh niên đều là con nhà gia giáo, và đều có học thức, rồi chặt 5 cây tre bánh tẻ để luồn xuống dưới kiêng cụ lên.




Khu đất nơi mọi người tìm thấy bức tượng Rồng "miệng cắn thâ, chân xé xác"

Vốn cũng là người trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc tìm thấy tượng Rồng, ông Tiếp nhớ lại: “Lúc đó 10 thanh niên cao to cố gắng khiêng tượng cụ lên nhưng họ bảo nặng lắm, không khiêng được. Thấy vậy người dân mới thắp hương, làm lễ, xong xuôi đánh 3 hồi, 9 tiếng chuông khiêng tượng Rồng vào. Thật kỳ lạ, lúc này các thanh niên khiêng lại bảo rất nhẹ nhàng và đưa tượng lên đền thượng, đầu ngoảnh về phía nhà của Thái sư Lê Văn Thịnh”.

Không ai biết tượng Rồng từ đâu đến

Trao đổi với chúng tôi về bức tượng Rồng “miệng cắn thân, chân xé xác” được tìm thấy tại đền Thượng, thôn Bảo Tháp (xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh), ông Nguyễn Ngọc Quyền – trưởng thôn Bảo Tháp cho hay: "Đúng là khi người dân san đất làm đường phía trước cổng Tam Quan thì tìm thấy tượng đá. Rất nhiều các nhà giáo sư sử học và các chuyên gia cũng đã về để thẩm định pho tượng. Họ đã khẳng định pho tượng này có rất nhiều cái độc đáo. Một là nó không giống pho tượng bình thường của các triều đại như Rồng múa lượn, rồi Rồng chầu mặt nguyệt... Điều đặc biệt ở bức tượng đó là miệng thì tự cắn vào thân mình, chân xé xác, một tai có lỗ, một tai không, đầu thì đầu rồng, nhưng mình rắn."




Một tai của tượng Rồng đặc

Các nhà văn hóa cũng đặt ra giả thiết rằng, Rồng thì từ xưa đến nay là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Vì vậy hình ảnh Rồng cắn thân chân xé xác có thể là do nhà vua khi xưa vì nghe quần thần mà xử tội oan sai cho Thái sư Lê Văn Thịnh là thầy mình nên tự cảm thấy day dất, dày vò nội tâm mà tạo ra bức tượng với thế hãi hùng như vậy. Hai tai một tai đặc tai rỗng thể hiện việc vua nghe lời nịnh thần mà không nghe được lẽ phải.

Ý nghĩa thứ hai có thể là hình ảnh của chính Thái sư Lê Văn Thịnh, cụ cảm thấy oan ức vì bị vu là "hóa hổ" giết vua. Nỗi oan không thể nói nên lời phải tự cắn vào thân mình, còn hai tai thôi thì cứ coi như tai câm tai điếc, không nhìn thấy sự đời nữa. “Nhưng người dân ở đây tin vào giả thiết thứ 2 hơn”. Ông Quyền nói.




Một tai của tượng Rồng rỗng

Về việc tạo dựng bức tượng, theo ông Quyền, tượng Rồng nặng hơn 1 tấn, được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối. Các chuyên gia cũng khẳng định, loại đá này không có ở Bắc Ninh, có thể pho tượng đó được đúc tạc ở đâu đó rồi mang đến đây, còn việc mang đến đây rồi đúc tạc chắc hiếm lắm, vì nếu có người ta đã biết và truyền lại cho nhau.   

Có rất nhiều lý do pho tượng chìm dưới đất mà không biết được, có thể pho tượng có gì đó nên xã hội chưa thừa nhận hay do liên lụy đến dân nên  họ phải dấu đi. Trải qua quá trình loạn lạc, các gia đình thay tên đổi họ và pho tượng bị chìm vào quên lãng... Nói chung đến nay vẫn chưa ai giải thích được vì sao bức tượng lại được tìm thấy ở đây. Từ năm 1994, tượng Rồng kỳ lạ này đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, 2010 được tu bổ tôn tạo như ngày nay.

“Còn việc người dân đồn đại những câu chuyện về tâm linh xung quanh bức tượng như thả trâu bò lợn gà khu đó đều chết, những chuyện đó từ rất lâu rồi nên cũng không ai kiểm chứng cả. Có thể trước kia lợn gà bệnh tật nuôi chết mà người dân không biết lại đổi cho bức tượng. Hay cả việc khiêng tượng lúc đầu không được sau thắp hương lại được có thể là do tâm lý nặng nề, sau đó được giải tỏa thì có khí thể để khiêng và thấy nhẹ nhàng hơn”. Ông Quyền khẳng định.

Thái sư Lê Văn Thịnh sinh năm 1050 tại làng Bảo Tháp (xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh). Năm 1075 triều lý mở khoa thi Minh Kinh Bác Học, ông thi đỗ đầu và được tôn vinh là trạng nguyên khai khoa. Sau đó ông được bổ nhiệm chức Tả Thi Lang Bộ Binh khiêm việc dạy vua học. Lê Văn Thịnh là người tài cao đức trọng, lại có nhiều công lao với Quốc Gia, được triều Lý thăng chức cao nhất là Thái sư. Nhưng cũng vì tài cao đức trọng mà ông bị bọn nịnh thần trong triều ghen ghét đố kỵ. Năm 1096 ông bị vu tội “hóa hổ” giết vua ở hồ Dâm Đàm. Nhưng nhà vua quý trọng tài đức của ông mà tha tội chết, cho đi đày ở miền Thao Giang. Đến khi hơi tàn sức kiệt ông tìm về quê hương nhưng không ngờ đến xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì trút hơi thở cuối cùng.

Kỳ tới: Chuyệt ít biết xung quanh ngày mất của Thái sư Lê Văn Thịnh

Theo Ngày Nay

Bạn đang đọc bài viết "Bí mật về bức tượng Rồng “miệng cắn, thân chân xé xác” có 1-0-2 (1) " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.