Bí ẩn về ngôi mộ “tiền hiền triệu cơ” ở làng Nam Ô

29/10/2015 14:53

Theo dõi trên

Làng Nam Ô có ngôi mộ cổ đã tồn tại suốt 700 năm, người dân trong làng đều tường truyền rằngg đó là ngôi mộ của “ vị tiền hiền” đã hy sinh trong cuộc giải cứu Công Chúa Huyền Trần thoát khỏi dàn lửa thiêu của người Chiêm Thành.

Để tưởng nhớ công ơn mở bờ cõi của công chúa và những người lính năm xưa, người dân làng Nam Ô đã quyên góp tiền, công sức xây dưng ngôi miếu thờ như muốn truyền lại cho con cháu mai sau nhớ công ơn của “Bà” và các vị “tiền hiện triệu cơ”.
 


Mộ ngôi mộ “tiền hiền triệu cơ” đã được nhiều lần tu bổ

Cuộc du ngoạn trên đất khách và lời hứa gả công chúa Huyền Trân

Làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng) nơi được mệnh danh với vùng đất “huyền sử” với nhiều di tích và nhiều câu chuyện dân gian đang được người dân truyền tụng từ đời này qua đời khác. Trong đó, câu chuyện về công chúa Huyền Trân làm cho tôi gợi nhớ về cuộc giải cứu công chúa năm xưa trước dàn thỏa thiêu người Chiêm Thành, do tướng Trần Khắc Chung là người trực tiếp chỉ huy 5000 quân lính tiến hành vượt biển đến kinh đô  Vijaya - vương quốc Chăm.

Chuyện kể rằng, năm 1301 nhận được lời mời từ vua Chế Mân, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông mặc trang phục tăng lữ bắt đầu cuộc hành trình du ngoạn từ Núi Yên Tử vào đất Chiêm Thành làm chính khách. Thái thượng hoàng say mê trược vẻ đẹp hoang sơ với nhưng tháp vàng, tháp bạc nguy nga lộng lẫy và cảnh sông núi hữu tình nên đã ở lại nơi đây đến chín tháng. Đến ngày về, cảm động trước tấm lòng hiếu khách của Chế Mân, nên Thái thượng hoàng đã hứa gả công chúa xinh đẹp của mình là công chúa Huyền Trần. Vua xứ Vijaya lòng vui như mở cờ bởi bấy lâu đã nghe tiếng công chúa xinh đẹp ở đất nước Đàng Ngoài. Cho dù lúc này, Chế Mân đã có chính nhất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay).

Việc hứa gả công chúa cho Vua Chế Mân làm xôn xao trong triều đình, nhiều ý kiến tranh luận, có sự động tình lẫn phản bác. Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có đoạn viết "… Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?”. Nhưng một số ý kiến của các nhà sử học thì việc gả công chúa cho vua Chế Mân đã được định sẵn và được xem là nước cờ hay nhất của Nhà Trần, bởi hoàn cảnh lúc đất nước đang cần sự ổn định ở phía Nam, để tập trung lo đối phó với bè lũ quân Nguyên – Mông đang dòm ngó xâm lược ở Phía Bắc. 

Theo sử sách, trong thời gian đó nhiều lần Vua Chế Mân đã nhiều phái sứ giả sang kinh thành Thăng Long dâng lễ xin cưới Huyền Trân nhưng lúc đó công chúa mới 13 tuổi nên vua Trần Anh Thông cứ trù trừ, chưa quyết định. Đến 5 năm sau (1306), khi hoàng hậu Tasipa qua đời, Chế Mân  dâng hai Châu – Lý (từ bờ Nam sông Hiếu, Đông Hà, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) cho triều đình Đại Việt làm của hồi môn. Vua Trần Nhân Tông đồng ý gả công chúa cho Chế Mân. Trong buổi chia tay đầy nước mắt, công chúa chia tay cố quốc sang làm hoàng hậu của vương quốc Chiêm Thành. Theo sự tích truyền lại, công chúa nhà Trần đi làm dâu phía Nam chỉ vì nghĩa nước non được căn cứ trong bài “Nước non ngàn dặm” như lời tâm tình của công chúa Nước Việt.

 
Non nước ngàn ra đi
Mối tình chi mượn màu son phấn
Đền Ô, Ly 
Xót thay vì đương đô xuân
Số lao đao hay nợ duyên gì

Chuyện xưa kể rằng, lời tâm sự trong bài “Nước non ngàn dặm” được công chúa Huyền Trân đọc trong buổi chia ly với người tình võ tướng Trần Khắc Chung. Do vậy người đời đã thêu dệt nên cuộc tình lâm li bi đát của đôi trai tài – gái sắc này. Nhưng đến nay, việc lý giải có hay không mối tình giữa công chúa Nhà Trần và tướng võ Trần Khắc Chung vẫn còn nghi án chưa có lời giải.
 


Mõm Hạc ở Làng Nam Ô, nơi năm xưa công chúa Huyền Trân cùng tướng Trần Khắc Chung thoát khỏi sự bao vây của quân Chiên Thành lên thuyền lớn về hướng kinh thành

Cuộc giải cứu đẫm máu 

Cụ Lê Văn Xuất – người cao tuổi trong làng cho biết: Làng Nam Ô này thường truyền tụng cho nhau rằng đây là ngôi mộ của vị tướng dưới trướng của tướng võ Trần Khắc Chung đã huy sinh vào trận chiến cứu công chúa Huyền Trân dưới lửa thiêu của người Chiêm Thành. Do không biết danh tính, gốc tích quê quán nên người dân đã đặt tên cho ngôi mộ “Tiền hiền triệu cơ” tạm dịch là “tiền hiền mở cõi”, ghi công và tri ân các tiền nhân đã mở cõi đất phương Nam.

Theo sử cũ chép rằng, công chúa Huyền Trân sang làm hoàng hậu vương quốc Chiêm Thành được gần 1 năm thì tháng 5/1307 vua Chế Mân bạo bệnh qua đời, công chúa Huyền Trân góa bụa lúc tròn 20 tuổi.  

Theo tục lệ của người Chăm pa lúc bấy giờ “vua chết, hậu phải chết theo” nhưng lúc đó công chúa Huyền Trân đang mang thai thái tử nên việc thỏa thiêu được lùi lại việc. Đến tháng 10 năm đó công chúa chuẩn bị lên dàn hỏa thiêu theo như dự đinh.


Việc công chúa lên dàn hỏa thiêu được truyền được thành Thăng Long khiến vua Trần Anh Tông không khỏi xót xa. Nhiều cuộc bàn tìm giữa các quân thần nhà Trần tìm cách giải cứu công chúa hồi quốc được đặt ra. Cuối cùng vua Trần Anh Tông đã cử Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Vân (Đặng Thiệu) sang Chiêm Thành phúng điếu tang lễ rồi tìm cách cướp Huyền Trân về Đại Việt. Tuân lệnh, tướng võ Trần Khắc Chung đã đưa 5000 quân sĩ, lương thảo và một số thuyền lớn vượt biển.

Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư" ghi rõ khi tới kinh đô Vijaya, tướng võ Trần Khắc Chung liền làm theo lời của vua Trần Anh Tông đã căn dặn trước khi vào phương Nam. “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn về ở ven trời, đón sinh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu. Người Chăm nghe theo”.  Lợi dụng quân lính gác sơ sài, khi làm lễ xong ở bờ biển Thị Nài (Quy Nhơn), theo mưu kế đã định sẵn, tướng Trần Khắc Chung đã dong thuyền nhẹ đưa công chúa lên thuyền lớn, rồi căng buồng ra Bắc. Thấy vậy, quân Chiêm thành đuổi theo, được quân Việt phục binh tiêu diệt. Đoàn thuyền đưa công chúa hồi Bắc, từ Bình Đinh ra Thăng Hoa, vào Cửa Đại rồi theo sông Cổ Cò. Đến đây, đoàn quân giải cứu công chúa đi bằng đường bộ đến Xuân Sơn Hoa (Nam Ô) thì dừng lại tìm cách vượt Hải Vân Quan. 

Khi biết công chúa huyền Trân cùng đoàn quân Trần Khắc Chung đang dừng chân ở đó, quân Chiêm Thành liền kéo quân ra, bao vây tứ phía. Cuộc chiến giữa quân Việt và quân Chăm giao tranh khốc liệt mấy ngày liền. Lúc này, vị tướng “tiền quân oai”  tuân lệnh tướng Trần Khắc Chung đã chỉ huy 200 quân lính chốn chặn hậu để công chúa từ mõm Hạc (núi ghềnh Nam Ô ngày nay) xuống thuyền nhẹ ra đến thuyền lớn đợi ở ngoài khơi,giong thuyền theo gió thuận đưa về cố quốc. Còn quân sĩ ở lại anh dũng chiến đấu đến khi cái thuyền của công chúa cùng Trần Khắc Chung khuất xa sau dãy núi. Vì cuộc chiến không cân sức nên  vị tướng quân chỉ huy và toán quân đánh chặn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đó. Sau đó, nhân dân hỗn cư Chàm - Việt nơi đây đã chôn cất tử tế vị tướng dưới chân Tháp Chàm Trà Bì (tháp chàm Xuân Dương), bên bờ nam cửa sông Cu Đê thời bấy giờ.

Cảm tạ trước công ơn khai công mở bờ cõi, người dân làng Nam Ô đã lập nên ngôi miếu thờ các vị tiền hiên. Ông Xuất cho biết: Cứ đến ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm tại đình làng Nam Ô lại tổ chức cúng tế “lễ Tiền hiền”, trong bài văn tế có viết: “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình”. Các cụ phỏng dịch: “Mây sấm xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, lòng chồn nhớ nước, vẫn kiên gan chờ nuốt kình ngư”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Dùng người “ghi chép sử” của làng Nam Ô cho biết: Câu chuyện tương truyền ở làng phù hợp với hoàn cảnh các vị tướng đã có đã hy sinh cho sứ mệnh cao cả nhưng tiếc rằng công lao của các vị tướng không được ghi chép trong lịch sử. 
 
Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn về ngôi mộ “tiền hiền triệu cơ” ở làng Nam Ô" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.