Bí ẩn quần thể cây di sản vừa được vinh danh ở Nghệ An

13/12/2016 09:26

Theo dõi trên

Vừa qua, quần thể 56 cây sa mu dầu và 5 cây săng vì thuộc rừng ở Nghệ An đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam. Đây là những loài cây rừng quý, gắn liền với đời sống và tâm linh của cộng đồng người dân bản địa.


Quần thể cây săng vì thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Cây sa mu dầu, tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata. Họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Tên địa phương (tiếng Thái) thường gọi là cây lông lênh.

Sa mu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ chạy dọc biên giới Việt Lào. Ở Nghệ An, sa mu dầu xuất hiện ở địa bàn 3 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ (Quế Phong) nơi có độ cao so với mặt nước biển từ 1.200 m đến 1.800 m. Số lượng quần thể sa mu dầu phân bố tại đây bước đầu có thể chia thành 7 khu vực với số lượng lên đến hàng nghìn cây.

Trong các khu vực rừng sa mu dầu ấy, nổi lên 56 cây vừa được vinh danh cây Di sản Việt Nam. Cụ thể: Khu vực suối Huồi Chạm, khoảnh 4, 5 tiểu khu 60 xã Hạnh Dịch có 36 cây; Khu vực suối Huồi Có Khướng, khoảnh 19, tiểu khu 59 xã Hạnh Dịch có 18 cây; 3 Khu vực suối Huồi Hạp, khoảnh 2, tiểu khu 61 xã Hạnh Dịch có 2 cây. Trong tổng số 56 cây, cây có đường kính lớn nhất là 3,7m, đường kính bình quân chung là 2,01m; chiều cao vút ngọn của những cây cao nhất là 60m, thấp nhất là 40m, chiều cao vút ngọn bình quân chung của 56 cây là 46,25m.



Cây sa mu dầu trong quần thể rừng sa mu ở Quế Phong.

Về hình thái, sa mu dầu là cây gỗ to, thường xanh, có thể cao đến hơn 50 m, đường kính thân đến hơn 3m. Đặc biệt có những cá thể có đường kính lên đến hơn 5,0m, tán hình tháp. Lá mọc xoắn ốc rất dày đặc, có gốc vặn do đó xếp ít nhiều thành 2 dãy, hình dải, dài 2 - 3cm, rộng 0,25cm, thót thành mũi tù, không cứng ở đầu, hơi có răng cưa ở hai mép lá và có 2 dải lỗ khí chủ yếu ở mặt dưới.

Gỗ của cây sa mu dầu thuộc nhóm I, có vân thớ đẹp, dễ chế biến gia công, có thớ gỗ dọc. Đặc biệt gỗ loại cây này có khả năng chịu nắng mưa rất tốt, gỗ toát ra một mùi thơm dìu dịu, có tính năng xua đuổi ruồi muỗi, làm mỹ phẩm, nước hoa.



Cây sa mu dầu thường phân bố ở độ cao từ 1400m đến 1800m - Ảnh: Nhật Lân

Sa mu dầu là loài cây gắn liền với đời sống đồng bào miền núi và là nét văn hóa của người dân vùng cao. Đối với đời sống người dân nơi đây đồng bào người Mông, Thái sử dụng gỗ loài sa mu dầu vào việc làm mái nhà, ván thưng nhà, làm hàng rào, đóng đồ gia dụng. Trong quan niệm của đồng bào dân tộc vùng cao, gỗ của loài cây này còn là một biểu tượng tâm linh, diệt trừ tà ký, chữa bệnh, giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo

Về văn hóa các đồng bào người Mông tại xã Tri Lễ và người Thái tại xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Thông Thụ vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa gắn liền với loài cây sa mu dầu thông qua việc lưu giữ và duy trì các nếp nhà sàn, nhà đất với đặc điểm mái lợp Sa mu dầu như khu vực 8 bản người Mông ở Tri Lễ (Quế Phong), các bản thái cổ như Na Xái, Hủa Mương thuộc xã Hạnh Dịch, bản Pục, bản Méo của xã Nậm Giải.



1 trong 5 cây phay sừng được công nhận là cây di sản Việt Nam tại Nghệ An.

Ngoài quần thể sa mu dầu, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt còn có quần thể cây săng vì cũng vừa được vinh danh là cây di sản.

Săng vì còn có tên khác là Phay sừng, Chờ pháy có tên khoa học là: Duabanga grandiflora (Roxb. ex DC.) Walp. Họ Bần (Sonneratiaceae). Ở Pù Hoạt, quần thể Phay sừng tập trung với số lượng tại khoảnh 9, tiểu khu 59 thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch, phân bố trong diện tích 20 ha, độ cao phân bố nơi đây có độ cao tuyệt đối so với mặt nước biển là 850m.

Đây là loài cây gỗ lớn, cao trên 30m, có những cây tới 50 - 60 m, đường kính có thể lớn hơn 2,0m, gốc cây có bạnh vè, thân thẳng, tròn, chiều cao dưới cành 20 - 25m. Vỏ nhẵn màu xám hồng hay xám trắng. Cành phân ngang, đầu cành rủ xuống, cành non có cạnh...



Cây săng vì có thể cao tới hơn 50m.

Cây thuộc gỗ nhóm 6 tuy nhiên vì tính chất gỗ dễ da công, có nhiều tính năng. Là loài cây gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào miền Tây xứ Nghệ trong cuộc sống thường ngày cũng như trong tâm linh, săng vì từ lâu được người dân săn lùng riết ráo. Đặc biệt, loài gỗ này được người dân vùng đồng bào dân tộc xem là loài cây quý, dùng để đóng quan tài tốt nhất với câu truyền miệng ‘nhất săng vì, nhì gỗ lội’.

Việc những loài cây gỗ quý, hiếm này được công nhận là cây di sản không chỉ là niềm tự hào của Nghệ An, của huyện Quế Phong và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt mà cũng là niềm vui chung của cộng đồng người dân bản địa. Được biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức bảo vệ, bảo tồn nguồn gien những loài cây quý hiếm này.

(Theo Báo Nghệ An) 

Hồ Phương
Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn quần thể cây di sản vừa được vinh danh ở Nghệ An" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.