Bến Tre:Thêm ba di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

31/07/2015 14:30

Theo dõi trên

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre vừa công nhận 03 di tích: đình Vang Quới (xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại); di tích Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri); di tích đình An Thới (xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Vang Quới tọa lạc tại xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại. Đình Vang Quới là di tích kiến trúc nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Đình có bề dày lịch sử trên 160 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, đình còn lưu giữ liễn áp cột, liễn đối, hoành phi, bao lam có giá trị nghệ thuật cao. Do đó, đình Vang Quới xứng đáng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Vào thời vua Minh Mạng, người dân ở Đàng ngoài đã di cư vào trong lập nghiệp. Khi đến vùng đất mới, họ tiến hành khai hoang lập nghiệp. Bên cạnh đó, họ tiến hành xây cất đình làng để làm chỗ dựa tâm linh, cầu bình an, thuận lợi trên vùng đất mới. Đình Vang Quới không được ghi chép lại thời gian chính thức được kiến tạo chỉ biết đình được xây dựng trước năm 1952, vì đình được sắc phong của vua Tự Đức vào ngày 29 tháng 11 năm 1852.

Theo các cụ trong vùng kể lại, đình Vang Quới lúc đầu chỉ được xây cất đơn sơ bằng vật liệu tre, lá đơn sơ. Năm 1852, người có công với đình như Tiền hiền Võ Văn Thi, Hậu hiền Phạm Văn Vang cùng đoàn tùy tùng gồm 04 người đi ngựa đến kinh đô Huế dâng sớ xin vua Tự Đức phong thần cho đình Vang Quới. Ngày 24 tháng 11 năm 1852 âm lịch, đoàn đến Ngọ Môn Quan. Đến sáng hôm sau (tức ngày 25 tháng 11 năm 1852 âm lịch), đoàn dâng sớ yết kiến lên vua. Bốn ngày sau đó (tức ngày 29 tháng 11 năm 1852 âm lịch), đoàn được vua Tự Đức triệu kiến. Sau khi dâng sớ trình bày mọi việc, vua Tự Đức sắc phong đình thần Vang Quới bằng sắc thần. Năm 1916, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, ven bờ sông Cửa Đại bị sạt lở. Đình phải về ấp Vinh Hội trên phần đất của Chánh bồi Cao Văn Báu biếu cho đình 8.500m2 đất. Đình được xây dựng bằng cột cây, vách ván theo kiểu thượng lầu hạ hiên theo mẫu đình làng Nam bộ thời đó. Đến Năm 1935, đình xây Vang Quới bao gồm các hạng mục: đình chính, miếu Thần nông, nhà Vỏ ca, nhà Võ qui, Thảo bạc, Tiền vãng, Nhà trù và Nhà khách. Năm 1945, đình bị chiến tranh tàn phá nặng nề chỉ còn lại ngôi Đình chính, hai mặt dựng của nhà Võ ca và thảo bạc. Năm 1948, ông Phạm Lương Thìn và ông Bùi Duy Hinh đóng góp xây dựng toàn bộ ngôi đình và xây thêm nhà việc để tề xã làm công sở. Năm 1960, giải tán tề xã nên phá hủy nhà việc, tháo dỡ ngôi tiền vãng. Năm 1997, xây dựng lại nhà khách. Năm 1999, thành lập hoa viên và hòn dã sơn. Năm 2001, xây dựng mới từng rào bảo vệ đình. Năm 2002, xây dựng mới cổng đình, ngôi thảo bạc và ngôi Tiên sư. Năm 2003, sửa chữa phần mái ngôi đình chính.

Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa là vùng đất trũng, rộng lớn có diện tích ban đầu khoảng 153 ha với địa thế, địa hình, hiểm trở, được chọn làm căn cứ địa cách mạng của xã Phú Lễ và các xã lân cận trong huyện Ba Tri. Vùng đất này được hình thành do phù sa bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Xưa kia Lạc Địa là vùng đất rộng lớn, hoang vu, nước sâu, có nhiều cá sấu, rắn rít, chim cò, chồn...trú ngụ. Theo các cụ cao niên ở Phú Lễ cho biết, ông bà của họ đã vào đây khai phá từ rất lâu. Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa là nơi trú chân thường xuyên của cán bộ cách mạng không chỉ của xã Phú Lễ mà còn cán bộ của các xã lân cận như: Phú Ngãi, Phước Tuy, Bình Tây, Mỹ Nhơn... Bộ đội tỉnh, đặc công huyện cũng thường xuyên qua lại hoạt động ở đây. Từ khi có Đảng ở Ba Tri (1930), Lạc Địa đã trở thành khu căn cứ cách mạng. Thời chín năm kháng Pháp, một số đảng viên cộng sản đã xây dựng căn cứ ở bưng Lạc Địa để từ đó bung ra hoạt động ở Ba Tri.

Một sự kiện đáng nhớ nhất là vào ngày 19 tháng 5 năm 1947, dựa vào căn cứ Lạc Địa, bộ đội của đồng chí Đồng Văn Cống xuất quân chặn đánh giặc Pháp và tay sai tại đoạn từ Cồn Qui đến Phú Ngãi. Trận đánh này chỉ kéo dài khoảng 11 phút mà bộ đội ta diệt được 6 xe quân sự, làm chết và bị thương trên 30 tên địch, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, tiền bạc và quân trang, quân dụng.

Để bảo đảm tính bí mật và hoạt động lâu dài, cán bộ phải đào hầm để trú ẩn. Hầm bí mật này được gọi là hầm cá trê. Đây là một loại hầm được thiết kế đặc biệt, thích hợp với vùng Lạc Địa. Miệng hầm được đào ở dưới mép nước nơi bờ đìa cao, mọc những cây trâm bầu lớn. Mặt nước những khẩu đìa này có bông súng, lau sậy hoặc năng lác mọc um tùm. Những khẩu đìa này nước phải sâu để không lộ miệng hầm kể cả vào mùa khô. Miệng hầm được đào cách mặt nước khoảng 1 mét, đào sâu vào trong khoảng 1 mét, sau đó đào ăn lên. Hầm này có chiều cao khoảng 0,6m, vừa đủ người ngồi. Chiều rộng thì tùy theo số lượng người trú ẩn và sinh hoạt trong đó. Phía trên đỉnh hầm có những lỗ thông hơi để bảo đảm sinh hoạt trong nhiều ngày. Việc đào hầm cũng rất gian truân và nguy hiểm. Nhiều người thay phiên nhau để đào hầm: người “cút” (lặn) xuống nước để đào hầm, người chuyền đất ra ngoài, người mang đất đi đổ nơi rất xa đề phòng địch phát hiện ra hầm. Thường thì mỗi người một hầm nhưng tùy bộ phận mà có trú ẩn hay sinh hoạt liên tục trong hầm hay không. Bộ phận quân sự sống gần đường lớn nên phải trú ẩn thường xuyên trong hầm, vũ khí luôn mang bên mình, tư trang thì được cất dấu ở nơi khác. Bộ phận này không nấu ăn được mà phải nhờ cơ sở trong dân tiếp tế. Việc tiếp tế này có khi hàng ngày cũng có khi hai, ba ngày mới có, tùy tình hình yên hay động. Thế nên bộ phận này có khi phải ăn rau trừ cơm. Rau ở đây rất nhiều, vô cùng đa dạng và phong phú như: rau muống, rau bồ ngót, bông súng, rau mơ. Cá thì nhiều vô kể có con nặng hàng chục ký nhưng cũng không dám bắt ăn vì sợ lộ. Bộ phận đu kích thì ít khi ở hầm mà thường là sống trên cạn, nơi cây cối rậm rạp để thuận lợi cho việc bảo vệ căn cứ và gác đường. Bộ phận quân sự thì làm nhiệm vụ chống càn, đánh giặc với vũ khí được trang bị là súng Cacbin, Thomson,.. Bộ phận chính trị thì thực hiện nhiệm vụ móc nối với cơ sở, bảo đảm cho đường dây luôn  thông suốt.

Năm 1967, địch muốn phá hủy bưng Lạc Địa nên rải thuốc hóa học (chất khai hoang) để tiêu diệt rừng, sau đó bắt dân vào phát quang cây và dùng xe tăng bao bọc vòng ngoài, siết chặt vòng vây. Bấy giờ, trong căn cứ có khoảng 60 cán bộ, du kích. Ban ngày, địch vào Lạc Địa lùng sục. Ban đêm, xe tăng địch rọi đèn pha vào căn cứ. Cuối cùng, lãnh đạo căn cứ Lạc Địa quyết định mở đường máu thoát ra ngoài. Lợi dụng đêm tối, du kích lần lượt bò ra ngoài. Trong lúc di chuyển, quân ta bị xe tăng địch pha đèn nhưng nhờ ngụy trang khéo nên không bị chúng phát hiện. Mấy ngày sau, địch càn vào căn cứ nhưng quân ta đã rút lui an toàn về vùng rạch Vọp (khu vực Mỹ Hòa, Mỹ Chánh, Châu Bình). Sau đó, địch nhiều lần dùng thuốc khai hoang để hủy diệt rừng Lạc Địa nhưng cây cối ở đây vẫn xanh tươi và lực lượng cách mạng vẫn bám trụ vững vàng ở vùng căn cứ này. Một số cán bộ chạy qua Giồng Bông, Châu Bình, hoặc Bình Đại ẩn náu, đến năm 1968 trở về bám xã tiếp tục hoạt động. Một số cán bộ ta vẫn bám trụ hoạt động, sống dưới hầm bí mật. Mặc dù trong thời điểm hết sức khó khăn, gay go, ác liệt này nhưng vẫn có những tấm gương quần chúng nhân dân với tinh thần cách mạng cao cả như Ba Màu, Sáu Xiếu,...là những người trực tiếp nuôi dấu cán bộ dưới hầm bí mật. Bất chấp sự đàn áp của kẻ thù, quần chúng nhân dân đấu tranh trực diện với địch; mang theo rau, củ, quả bị ảnh hưởng của thuốc khai hoang để đấu tranh với ngụy quân, ngụy quyền đòi bồi thường thiệt hại.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân dân Phú Lễ đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.980 tên địch (trong đó làm chết 450 tên, làm bị thương 330 tên, rã ngũ trên 600 tên), san bằng, bức hàng, bức rút 11 lượt đồn bót, thu nhiều súng, lựu đạn và quân trang, quân dụng các loại của quân địch. Về phía ta, toàn xã có 650 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh, 700 người bị thương, 142 ngôi nhà bị đốt cháy, 240 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bị bắt, tra tấn, tù đày rất nhiều gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị cướp, 1.100ha ruộng bị tàn phá vì thuốc khai hoang của giặc. Ngày 24 tháng 6 năm 2005, xã Phú Lễ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa là di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng.



Đình An Thới

Đình An Thới được xây dựng vào năm 1867 trên phần đất có diện tích 01 ha do ông Trương Văn Lấn hiến cúng. Kiến trúc ban đầu là khung sườn gỗ, vách gỗ và mái ngói âm dương với 3 gian: võ ca, võ qui và chính điện theo lối chữ nhất. Trong thời kỳ kháng chiến, đình An Thới được chọn là nơi để tổ chức các sự kiện cách mạng quan trọng của tỉnh và cả miền Nam. Nơi đây từng được chọn làm nơi tổ chức huấn luyện khóa y tá đầu tiên của Sở Y tế Nam bộ do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trực tiếp phụ trách và các học viên thuộc Khu 8 đều tập trung về đây học tập. Khóa học diễn ra trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 15/11/1947 và bế giảng ngày 15/5/1948. Từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1950, Sở Quân dân y Nam bộ đã chỉ đạo mở thêm hai khóa y tá cho khu 8 và cũng do chính bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách được tổ chức tại đình. Ngoài ra, năm 1947, Ty Công an Bến Tre đã 3 lần xét xử tội phạm chính trị đối với bọn do thám, gián điệp của địch. Sau đó, đình An thới cũng là nơi diễn ra Đại hội Phụ nữ toàn tỉnh do bà Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ chủ trì. Đình An thới là di tích thuộc loại hình lịch sử cách mạng gắn với tín ngưỡng dân gian.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Bến Tre có 16 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích cũng đang tham mưu cho các cơ quan cấp trên đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản văn hóa đưa đình Phú Ngãi vào danh mục di tích quốc gia về kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra, xem xét cho lập hồ sơ khoa học để trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hai di tích: di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 84-QĐ, ngày 27 tháng 4 năm 1990; di tích Đồng Khởi Bến Tre, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ, ngày 07 tháng 01 năm 1993.

(Theo vhttdlkv3.gov.vn)                           

Bạn đang đọc bài viết " Bến Tre:Thêm ba di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.