Sau 4 năm thực hiện đề án, những nỗ lực của cơ quan chuyên môn cùng với sự đồng lòng của các nghệ nhân, tài tử và khán giả mộ điệu đã góp phần thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
Phát triển số lượng và chất lượng
Hòa quyện vào dòng chảy di sản văn hóa của dân tộc nói chung, Nam Bộ nói riêng, giai đoạn từ năm 1930 - 1960, tỉnh đã hình thành nhiều nhóm ĐCTT và nhiều tài tử ca, tài tử đờn đương thời được giới mộ điệu mến mộ. Giai đoạn từ năm 1960 - 1986, phong trào ĐCTT tiếp tục được trao truyền và phát huy.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Lời - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tỉnh, người có nhiều thâm niên trong hoạt động ĐCTT, ngay từ những năm 1986, phong trào ĐCTT đã bắt đầu phát triển mạnh và hình thành đội, nhóm. Trong đó, Nhà Văn hóa tỉnh có 1 CLB với khoảng 20 nghệ nhân, các huyện, thị (nay là TP. Bến Tre) có các đội nhóm riêng lẻ. Đến năm 1996, các huyện, thành phố đã chính thức thành lập CLB ĐCTT. Trong những thập niên gần đây, hàng tháng, quý có sinh hoạt và giao lưu giữa các CLB huyện, thành phố do CLB ĐCTT tỉnh đảm trách, với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa huyện (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh) huyện, thành phố và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Qua đó cho thấy, nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh đã có chiều dài phát triển và ngày càng gia tăng về số lượng cũng như từng bước nâng lên về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 204 đội, nhóm, CLB ĐCTT với hơn 2,7 ngàn tài tử tham gia hoạt động thường xuyên. Trong đó, có 1 CLB ĐCTT cấp tỉnh và 9 CLB cấp huyện, thành phố duy trì tổ chức sinh hoạt.
Ngành chức năng, các ban, ngành tỉnh và các huyện, thành phố đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy ĐCTT; duy trì hoạt động ĐCTT tại các điểm du lịch; tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, giao lưu. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động hội thi đã chuyển đổi hình thức online phù hợp tình hình. Tỉnh có 2 tài tử được vinh danh là “Nghệ nhân ưu tú”.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh là đơn vị đã có nhiều hoạt động tiêu biểu góp phần tích cực thực hiện hiệu quả đề án nêu trên. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh chia sẻ: Đơn vị đã tổ chức và phối hợp tổ chức một số hoạt động tiêu biểu. Cụ thể, tổ chức và tham gia các hội thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có một số hoạt động ĐCTT vào dịp Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh 1-7 hàng năm. Bên cạnh đó, còn tổ chức Hội thảo “ĐCTT tỉnh đồng hành cùng âm nhạc cổ truyền Nam Bộ” thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân tham gia. Đặc biệt, trung tâm tổ chức và phối hợp tổ chức trên 50 cuộc truyền dạy các bài bản tài tử, bài bản cải lương tại các trường học, truyền dạy trong khuôn khổ các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi…
Bảo tồn và phát huy
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Bàn nhận định: Công tác triển khai đề án có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, tài tử và khán giả mộ điệu. Hệ thống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở làm tốt công tác tham mưu, quản lý và tổ chức phong trào. Hoạt động truyền nghề được thực hiện qua phương thức truyền dạy trực tiếp, các lớp tập huấn, video trên mạng đã góp phần đưa loại hình này phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Thông qua các liên hoan, hội thi, giao lưu đã kịp thời phát hiện những giọng ca hay, ngón đờn điêu luyện để bổ sung vào lực lượng nòng cốt cho phong trào ĐCTT tại địa phương. Hoạt động ĐCTT tại các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những sản phẩm phục vụ khách khi đến tham quan.
Mặc dù vậy, hoạt động nghệ thuật ĐCTT còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, số lượng và chất lượng người thực hành ĐCTT có tăng lên, độ tuổi người tham gia cũng trẻ hóa nhưng tiềm năng số lượng tài tử nổi trội, đảm bảo các tiêu chuẩn để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” chưa nhiều. Việc lưu truyền tinh hoa nghệ thuật 20 bài bản tổ ít nhiều thiếu tính nguyên bản. Các CLB ĐCTT ở cơ sở còn thiếu tính ổn định…
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Bàn, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT sẽ được Sở VHTT&DL và các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới với nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, chú trọng công tác ươm mầm, phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tài năng để tạo nguồn nhân lực kế thừa. Nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ ĐCTT ngày càng phong phú, đa dạng, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động các đội, nhóm ĐCTT cơ sở. Đồng thời, tiếp tục gắn hoạt động ĐCTT với các điểm du lịch và hoạt động lễ hội, tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT tại các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn. Rà soát, tăng cường quản lý và bảo tồn loại hình nhạc lễ truyền thống theo quy định.
“Để việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT đạt hiệu quả, cần có sự cộng lực tích cực của các ngành, các cấp và tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, tài tử và khán giả mộ điệu”, Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Bàn nhấn mạnh.
Sở VHTT&DL vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Bàn, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Trần Thị Kiều Tôn và Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, một số sở, ngành tỉnh và các nghệ nhân đờn ca tài tử tham dự./.