Phát biểu tại Lễ bế mạc, Nghệ nhân - Đồng thầy Trần Thị Hoà - Phó Ban tổ chức cho biết, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chương trình Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Ông Hoàng Mười đã thành công tốt đẹp. Chương trình có 30 tiết mục tham gia. Nhìn chung, giao lưu đã đạt được mục tiêu đề ra và quy tụ được nhiều nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan tham gia tích cực.
Giao lưu đã để lại ấn tượng sâu sắc nhằm học hỏi kinh nghiệm của các đoàn và tôn vinh được một di sản văn hoá đã được thế giới tôn vinh. Các đoàn đã thực hiện đúng nội dung của Ban tổ chức đề ra. Được sự uỷ quyền của Trưởng Ban tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên, UBND xã Hưng Thịnh, Ban quản lý Di tích đền Quan Hoàng Mười. Với sự thành công lần này, hy vọng trong thời gian tới Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Ông Hoàng Mười sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện - Phó Trưởng Ban tổ chức - Nghệ nhân - Đồng thầy Trần Thị Hoà khẳng định.
Giao lưu lần này thật sự để lại ấn tượng sâu sắc và nhằm học hỏi kinh nghiệm của các đoàn, tôn vinh được một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các đoàn đã thực hiện đúng nội quy của Ban tổ chức đề ra.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Nguyên - Phó Ban tổ chức Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Ông Hoàng Mười cho biết: Giao lưu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Ông Hoàng Mười do Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức là hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm Công ước bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003 - 2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đồng thời là dịp để các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân giao lưu, trực tiếp tham gia thực hành, giới thiệu những giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến với nhân dân, du khách thập phương.
Sau 2 ngày tổ chức, liên hoan để lại những kết quả tốt đẹp. Phần hát chầu văn được Ban tổ chức đánh giá cao. Phần trang phục được đầu tư công phu, bài bản hơn. Đông đảo nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng tham gia liên hoan. Cũng là dịp chúng ta chứng minh văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân và trong đời sống như thế nào. Có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ Mẫu sinh ra trong lòng dân tộc, được nhân dân, trong đó có các nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng có mặt ở đây nuôi dưỡng, bảo vệ và phát huy.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành, phát triển mạnh mẽ và có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có sự pha trộn tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập… Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần); trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí... Khi sống, họ là những người có tài, đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.
Với tính "cởi mở" của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.
Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng, được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng, nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Các giá đồng bao gồm: Hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thanh đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.