Bảo tồn và phát triển văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá

30/07/2016 16:48

Theo dõi trên

Quá trình toàn cầu hoá diễn ra tại các khu vực và trên phạm vi toàn thế giới, song mặt trái của quá trình này là làm cho con người kém an toàn hơn, tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và độc lập, tự chủ của các quốc gia. Chính vì vậy công tác bảo tồn và phát triển văn hoá cần được ưu tiên, chú trọng trong giai đoạn hiện nay.

Văn hoá Việt Nam trong xu thế toàn cầu

Không phải từ những năm 80 của thế kỷ XX mới diễn ra xu hướng toàn cầu hóa. Thực chất, toàn cầu hóa manh nha ra đời từ những hoạt động tiếp xúc, giao lưu đầu tiên giữa một quốc gia với nhiều quốc gia và giữa nhiều quốc gia với nhau trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trước thế kỷ XV, các cuộc tiếp xúc và giao lưu diễn ra giữa phương Đông và phương Tây chủ yếu thông qua con đường tơ lụa trên đất liền. Người Trung Hoa từ thời cổ đại đã dành thế chủ động trong việc di chuyển sang phương Tây để cung cấp vải lụa, gấm vóc, sa nhiễu. Mặt khác, nhà buôn lớn của các quốc gia ở phương Tây cũng mang tiền, vàng đến Trung hoa để trao đổi, mua bán hàng hóa kiếm lời. Sau thế kỷ XV, do nhu cầu mở rộng thị trường, người phương Tây đã dành thế chủ động khi tìm ra con đường thông thương trên biển sau các cuộc phát kiến địa lý. Nam A, đặc biệt An Độ là thị trường giàu có các mặt hàng đặc sản, cao cấp như tiêu, quế, trầm hương, lụa tơ tằm, ngà voi...cung cấp cho các nhà buôn phương Tây. Hoạt động thương mại tự do này đã giúp hàng hóa được trao đổi và mua bán để làm phong phú các sản phẩm tiêu dùng, vượt ra khỏi thói quen sinh hoạt của cộng đồng phương Tây và phương Đông.




Bảo tồn văn hóa dân tộc là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng các dân tộc.

Có thể thấy, các thay đổi trong xã hội tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân có góc độ kinh tế, chính trị, văn hóa... diễn ra liên tục trong lịch sử. Tùy từng thể chế chính trị của các quốc gia mà quá trình này có thể mạnh, yếu, gián đoạn nhưng chưa từng bị đứt gãy. Sự ra đời của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). vào giữa và cuối thế kỷ XX đã thúc đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Một mặt nó nhanh chóng xã hội hóa lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao cho các quốc gia; góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi phải tiến hành cải cách sâu rộng để nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Mặt khác, toàn cầu hóa làm trầm trọng thêm sự bất công xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu -nghèo, làm cho mọi mặt của cuộc sống con ngưòi kém an toàn, tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ của các quốc gia.

Bản sắc văn hoá và những phương thức bảo tồn

Xét về mặt từ ngữ, “bảo tồn” là một từ Hán - Việt kép gồm hai từ “bảo” và tồn” được hiểu là hoạt động bảo vệ, gìn giữ sự tồn tại, sự sống còn. Với nghĩa này, “bảo tồn văn hóa” được hiểu là hoạt động nhằm đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài và ổn định của văn hóa. Bảo tồn có thể diễn ra theo hai dạng hoạt động: ngẫu nhiên - tự phát và chủ động.

Trong lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc, vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, con người buộc phải sáng tạo ra các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phù hợp với môi trưòng sống và thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Các giá trị đó không phải là bất biến mà nó thay đổi theo các chuẩn mực của xã hội đương đại. Giai đoạn sau sẽ tự chọn lọc, kế thừa tinh hoa của giai đoạn trước và tiếp tục sáng tạo. Đây chính là hoạt động bảo tồn một cách ngẫu nhiên - tự phát trên cơ sở lợi ích tồn tại. Bản chất của hoạt động bảo tồn này là đảm bảo lưu giữ một vài giá trị văn hóa cơ bản và cần thiết đi kèm với những sáng tạo mới để tạo ra sự phát triển.




Phố cổ Hội An trước những phương thức bảo tồn.

Dạng hoạt động bảo tồn chủ động là hoạt động được xác định động cơ rõ ràng và bị chi phối bởi ý thức dân tộc của các cá nhân và cộng đồng người. Có thể chủ động bảo tồn tổng thể hay nguyên vẹn một giá trị văn hóa có thể chủ động chỉ bảo tồn những giá trị nào phù hợp với xã hội đương đại.

Trong xã hội thuần nông, trọng tĩnh, hoạt động bảo tồn theo hai cách trên dường như dễ dàng hơn rất nhiều so với xã hội công nghiệp năng động.

Phát triển văn hoá trong xu thế toàn cầu

Toàn cầu hóa góp phần tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế cho các quốc gia, đa phương hóa các mối quan hệ chính trị và đa dạng hóa văn hóa nhưng không đảm bảo cho sự tồn tại bền vững của một quốc gia, dân tộc, đặc biệt về phương diện văn hóa. Toàn cầu hóa là xu hướng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới đang mang lại các lợi ích nhất định cho các nước nghèo và lạc hậu nên nó chính là cơ hội để các nước, trong đó có Việt Nam phát triển ở một mức độ nào đó, đặc biệt là về kinh tế. Toàn cầu hóa cũng giúp các quốc gia, dân tộc được tiếp xúc, giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên, nếu quá trình toàn cầu hóa diễn ra quá mạnh, nguy cơ bị hòa tan, bị đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là điều tất yếu và đó là cái giá phải trả cho sự phát triển.




Xoè Thái.

Bảo tồn và phát triển không phải là hai hoạt động đơn lẻ hoặc đối lập mà song hành tồn tại. Bảo tồn là phương thức đảm bảo cho một quốc gia, dân tộc phát triển ổn định, bền vững và khác biệt so với các quốc gia khác. Mỗi quốc gia sẽ phải xây dựng chiến lược phát triển, đồng thời lựa chọn phương án bảo tồn các giá trị văn hóa một cách hiệu quả, biến mọi hoạt động bảo tồn chủ động của quốc gia và của chuyên gia thành hoạt động bảo tồn ngẫu nhiên - tự phát của các cá nhân và cộng đồng. Chỉ như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc mới được gìn giữ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

(Theo Làng Việt)

Ths. Lê Thị Kim Loan
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát triển văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.