Việc có tới 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cũng đang đặt ra cho công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, chống xuống cấp di tích nhiều “gánh nặng”. Bởi, theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) thì “phần lớn các di tích đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp, mai một”. Cũng theo thống kê của ngành thì hiện có 472 di tích rất cần được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhưng chưa triển khai, trong đó có cả Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, các di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, hang Con Moong và các di tích phụ cận. Đây là những di tích không chỉ cần nguồn kinh phí lớn, mà quá trình bảo tồn cũng đặt ra những yêu cầu hết sức khắt khe cả về lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ, khảo cổ... Trong khi, kinh phí luôn là “điểm nghẽn” lớn nhất trong công tác này. Đồng thời, tăng kinh phí cũng là kiến nghị được các địa phương đề cập nhiều nhất. Lý giải về điều này, khi làm việc với đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: Hiện, chỉ những di tích cấp quốc gia đặc biệt trở lên thì Bộ VHTT&DL mới cấp kinh phí, còn di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thì do địa phương huy động từ các nguồn hợp pháp để thực hiện.
Vốn hạn hẹp, định mức hỗ trợ thấp, đầu tư lại dàn trải đã khiến việc trùng tu ở không ít di tích kéo dài, kém hiệu quả, cụ thể như lăng miếu Triệu Tường, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Lý Thường Kiệt (Hà Trung). Bên cạnh đó, cũng có những di tích được phân bổ vốn, nhưng việc sử dụng sai mục đích (thay vì tôn tạo di tích thì vốn lại được dùng để xây tường rào, cổng vào), điển hình như đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Xương), đền và bia ký Trịnh Khả (Vĩnh Lộc)... Đó là chưa kể đến những sai phạm trong quá trình trùng tu, tôn tạo đã biến dạng, sai lạc giá trị nguyên gốc của di tích, mà có thể kể ra rất nhiều ví dụ như chùa Hàn Sơn (Nga Sơn), chùa Đông Nam (Thọ Xuân), đền Độc Cước, chùa Khải Nam (thị xã Sầm Sơn)...
Thiếu vốn đầu tư khiến cho công tác xã hội hóa vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa trở thành “lối thoát” cho không ít di tích. Tuy nhiên, thường chỉ những di tích gắn với tôn giáo, tín ngưỡng mới “hút” được vốn xã hội hóa. Trong khi các di tích khảo cổ, lịch sử, cách mạng, dù được giới nghiên cứu, chuyên môn đánh giá cao về giá trị, song người dân lại khá thờ ơ, lạnh nhạt. Thêm vào đó, việc quản lý các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý và chính quyền nhiều địa phương. Bởi, công tác thu chi ở nhiều di tích còn lỏng lẻo, chưa công khai, minh bạch; việc tiếp nhận đồ thờ, tượng thờ, linh vật chưa được cơ quan chuyên môn, cấp có thẩm quyền cho phép đang diễn ra khá phổ biến; do không nắm vững Luật Di sản, Luật Xây dựng, lại thiếu năng lực chuyên môn nên quá trình tu bổ đã làm biến dạng di tích.
Toàn tỉnh hiện có 804 di tích đã được xếp hạng các cấp và theo như nhận xét của lãnh đạo ngành VHTT&DL, thì Thanh Hóa là một trong những địa phương có tốc độ xếp hạng di tích nhanh nhất. Tuy nhiên, thực trạng hệ thống di tích đã được cấp bằng công nhận từ trước đến nay ra sao thì vẫn chưa được rà soát, thống kê để có đánh giá đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác bảo tồn. Thêm vào đó, việc xếp hạng nhanh, nhiều nhưng việc quản lý chưa tương xứng, cánh tay của ngành chức năng và chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa vươn tới từng di tích. Thậm chí, có nhiều di tích, danh thắng phải dùng “cảm quan” để đánh giá và khuyến cáo bảo tồn, chứ không phải bằng các tiêu chí định lượng cụ thể.
Trong thực tế, việc trùng tu, tôn tạo di tích ở tỉnh ta chủ yếu là chống xuống cấp và bảo tồn di tích, còn việc phát huy giá trị di tích vẫn rất hạn chế. Trong khi chờ hậu thế có cách ứng xử sao cho thỏa đáng và phù hợp, thì nhiều di tích đã là phế tích hoặc đang trên đường trở thành phế tích.
(Theo Báo Thanh Hóa)