Vai trò của báo chí, truyền thông
Nhận thức sâu sắc về vai trò, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm đối với đời sống tinh thần của nhân dân, trong thời gian qua, báo chí truyền thông đã có nhiều bài viết, tin tức truyền tải thông tin về quan điểm, chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong quá trình tồn tại, trải qua thời gian, di sản văn hóa này có nguy cơ bị mai một. Do đó, để nhân dân, trước hết là nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh và nhân dân cả nước, xa hơn nữa là bạn bè quốc tế biết đến giá trị, tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật văn hóa này góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển thì công tác tuyên truyền, quảng bá vô cùng quan trọng. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã có những bài viết về di sản văn hóa này.
Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm đến công chúng, nhiều bài báo đã có sự phản biện đối với công việc bảo tồn phát huy di sản này. Qua đó góp phần làm trong sạch hơn môi trường quản lý di sản, cụ thể là di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm, phát huy mặt tích cực, hạn chế những yếu kém, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc sai trái trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm.
Thực tế nhiều bài báo đã chủ động đưa ra những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân; giúp các cơ quan chức năng có thêm kiến thức, tư liệu, giải pháp thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm.
Một số giải pháp
Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để báo chí tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan cho báo chí những vấn đề, vụ việc liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời tuyên truyền, định hướng.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí tuyên truyền giá trị văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm nội dung còn nghèo nàn, thiếu tính hấp dẫn, chưa thu hút bạn đọc, hầu hết ở dạng bài đưa tin về các hoạt động bảo tồn giá trị di sản của cơ quan chức năng, nhân dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh; phải thường xuyên đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe hình thành nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với di sản dân ca Ví, Giặm.
Đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá về di sản dân ca Ví, Giặm kết hợp với du lịch trên báo chí nhằm giới thiệu với người dân ở mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế về loại hình nghệ thuật truyền thống này cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đối với di sản văn hóa phi vật thể từ hoạt động du lịch. Thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản dân ca Ví, Giặm làm cho bạn bè quốc tế thấy được những đóng góp to lớn của nền văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập về văn hóa với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Báo chí phải tích cực trong việc phát hiện, tôn vinh những cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiều công lao lưu giữ, bảo tồn những làn điệu Ví, Giặm có nguy cơ mai một. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản dân ca Ví, Giặm, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp kinh phí bảo tồn, phát huy di sản quý báu này.
Với tính đặc thù riêng biệt khi viết về mảng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm đòi hỏi người làm báo không những có kiến thức chung về chuyên ngành báo chí mà còn phải có kiến thức về công tác bảo tồn cũng như tình yêu đối với dân ca Ví, Giặm.
Đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản về các di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản dân ca Ví, Giặm nói riêng.
Các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa - nghệ thuật chuyên ngành, các chuyên gia đầu ngành về văn hóa - nghệ thuật để tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên những kiến thức cơ bản về dân ca Ví, Giặm. Có như vậy, chất lượng bài viết mới có tính chiều sâu, tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc.
Di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm nói riêng là kết tinh giá trị lịch sử, tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam. Trải qua thời gian, với những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm đang có nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này là trách nhiệm của toàn nhân dân, trong đó có báo chí, truyền thông.
Hơn lúc nào hết, sự vào cuộc và phối hợp của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan tổ chức, cá nhân cũng như vai trò, trách nhiệm của báo chí truyền thông trở nên vô cùng cấp thiết đối với việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của báo chí và truyền thông trong công tác bảo tồn và phát huy di sản này, trong thời gian tới chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nội dung, hình thức, cơ chế và đội ngũ những người viết về mảng truyền thông giá trị di sản dân ca Ví, Giặm. Tinh hoa của văn hóa Việt Nam sẽ luôn được bảo tồn và phát huy để văn hóa xứng đáng là nền tảng tinh thần, là động lực mục tiêu phát triển xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, Tạp chí Lý luận chính trị số 11/2014.
2. NSƯT Nguyễn Ngọc Ái, Quá trình bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ từ CMT8 đến nay, Tạp chí Thế giới di sản, 2011.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ, Kỷ yếu hội thảo, Nxb Nghệ An, 2012.