Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

24/03/2017 07:54

Theo dõi trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.



Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Vua Lý Thánh Tông) để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, đồng thời mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu với vai trò là trường học dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý trong triều đình. Năm 1253, Vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có học lực xuất sắc. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử. Năm 1370, sau khi ông mất, Vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 1785, Vua Lê Hiển Tông đổi Quốc Tử Giám thành nhà Thái học. Đến đầu thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tại Huế, nhà Thái học đổi thành nhà Khải Thánh.

Từ bên ngoài nhìn vào, toàn bộ khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bao quanh 4 phía bởi một khung tường xây bằng những viên gạch vồ cỡ lớn – loại vật liệu kiến trúc phổ biến thời Hậu Lê, tạo nên một không gian cổ kính, trang nghiêm, đầy hoài niệm. Bên trong khung tường, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những tán cây cổ thụ khiến cho nơi đây mang một cảnh sắc hoàn toàn khác biệt với bên ngoài, tạo sự thu hút đặc biệt đối với du khách.

Phía trước Văn Miếu, ở bên kia đường Quốc Tử Giám, có một hồ nước khá rộng, gọi là Hồ Văn. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình - “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.

Tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, khu nội tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chia làm 5 khu vực, ngăn cách bởi những bức tường ngang xây gạch vồ cổ kính.


Hoàng Diên

Nguồn: chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.