Bảo tồn "kho báu" đất Mường

18/11/2016 08:36

Theo dõi trên

Nói đến "kho báu" văn hóa của đất Mường, trước hết phải nói đến cồng chiêng, bởi đó là biểu trưng cho hồn cốt dân tộc Mường. Tiếng hát kết hợp với nhịp cồng chiêng tạo nên những âm hưởng ngọt ngào, ngợi ca quê hương xứ sở, tình làng nghĩa xóm, "gọi dậy" cả đất trời xứ Mường. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nghệ thuật cồng chiêng đang có biểu hiện mai một và nếu không sớm có biện pháp bảo tồn, phát huy, nguồn tài sản quý giá này của người Mường bao đời cũng sẽ có nguy cơ đi theo những nghệ nhân cao tuổi tâm huyết với nghệ thuật cồng chiêng về bên kia núi…



Mệ Bạch Thị Bảy (trái) trò chuyện với các bạn trẻ ở đất Mường Yên Trung.

Người "níu hồn" cồng chiêng!

Nói đến văn hóa cồng chiêng trên đất Mường Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình của huyện Thạch Thất không thể không nhắc đến nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn. Vóc dáng nhỏ bé, thoạt nhìn ít ai nghĩ người phụ nữ Mường này lại là một chuyên gia hàng đầu về cồng chiêng Mường ở Hà Nội. Trong căn nhà đơn sơ nằm khiêm tốn dưới chân dãy núi Vua Bà ở bản Mường Đồng Dâu (xã Tiến Xuân), bà Thìn treo trang trọng nhiều phần thưởng và những món quà kỷ niệm được tặng trong những lần đi diễn. Cho chúng tôi chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng, bà xúc động giới thiệu: “Cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt chúng tôi. Càng tập càng say…”. Bà Thìn là người duy nhất còn lưu giữ được bộ chiêng 12 chiếc của đồng bào Mường ở Thạch Thất: “Chiêng cổ đánh mới âm vang, trầm hùng, âm thanh chiêng mới không bằng”.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn sinh năm 1952, từ nhỏ bà đã được sống trong không gian cồng chiêng. Năm lên 8 tuổi đi giúp việc cho một gia đình giàu có trong làng, sau đó bà được đi học và may mắn hơn là được tiếp cận với những chiếc chiêng Mường cổ, nguyên bản. Từ đây niềm đam mê và năng khiếu về biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng của bà bắt đầu bộc lộ. Năm 1973, bà trúng tuyển khóa đào tạo đạo diễn sân khấu, là lứa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay.

Với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cùng với việc được đào tạo bài bản, bà Thìn đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sân khấu quần chúng, cho tiếng cồng chiêng của dân tộc Mường. Trong nhiều năm tham gia công tác tại UBND xã Tiến Xuân, bà Thìn đã dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng trong xã, trong huyện. Điều đặc biệt là bà có thể vừa sáng tác, làm đạo diễn và kiêm luôn cả diễn viên đứng trên sân khấu. Ở vai trò nào bà cũng được khán giả yêu mến.

“Yêu nhau đã quá thì hành, đã đẳn (chặt đứt) thì vác cả cần lẫn cây” - lời bài hát “Bông trắng bông vàng” trong nghệ thuật cồng chiêng của người Mường Tiến Xuân phản ánh đầy đủ nhất về mối lương duyên của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn với nghệ thuật cồng chiêng. Bà say sưa kể: “Người Mường coi chiêng là linh khí, là công cụ để kết nối giữa con người đời thực với thần linh, với núi rừng. Từ xa xưa đến bây giờ, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn là linh hồn của người Mường, không gì có thể thay thế được”. Năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để người dân sử dụng với mục đích khôi phục lại nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Không ai khác, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã được lựa chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn chiêng, cồng tới người dân trong các bản Mường. Đến nay đã có 22 đội chiêng được thành lập ở các xã người Mường của huyện Thạch Thất với gần 300 người được truyền dạy những kiến thức, lối chơi, điệu hát, điệu múa của nghệ thuật cồng chiêng cổ.

Những “kho báu” trong dân

Chị Bùi Thị Chín, Đội trưởng đội cồng chiêng bản Mường Đồng Sổ (xã Yên Trung) giờ đây cũng trở thành một “nghệ sĩ nông dân” đích thực. Là một trong những học trò xuất sắc của nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, chị cho biết: “Từ khi được cô Thìn dạy bảo, chúng tôi đã biết đánh chiêng, đánh cồng, và hiểu về văn hóa truyền thống của quê mình”. Đội cồng chiêng Đồng Sổ có 30 người, đều là phụ nữ, người trẻ nhất đã 35 tuổi. Điều đáng trân trọng là bản Mường Đồng Sổ tự trang bị bộ chiêng 12 chiếc từ đóng góp của nhân dân. Kể từ khi có chiêng, nhiều người dân trong bản đã học nghiêm túc và hiểu biết khá đầy đủ về nét văn hóa đặc sắc của quê mình.

Anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ xã Yên Trung cho biết, toàn xã có 4 bộ cồng chiêng với hơn 100 thành viên tham gia các đội biểu diễn. Tuy nhiên, ngoài cồng chiêng, người Mường còn nhiều nét văn hóa cần được bảo tồn như trang phục, các điệu dân ca Mường… “Người lớn tuổi hiểu sâu về đất Mường giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu không có biện pháp bảo tồn thì chẳng mấy nữa sẽ không còn nguồn để khai thác” - anh Nam trăn trở. Anh dẫn chúng tôi đến thăm mệ Bạch Thị Bảy ở bản Mường Hội, nhà nằm sát con đường chính của bản, ngay bên cạnh là dãy núi Vua Bà lừng lững. Mệ Bảy đã sang tuổi 88 nhưng đôi mắt vẫn sáng, đôi chân còn nhanh nhẹn, đôi tay hoạt bát. Hôm chúng tôi đến nhà thăm, mệ bận bộ trang phục truyền thống ngồi thái rau, miệng bỏm bẻm nhai trầu, hàm răng đen nhánh. Mệ say sưa kể về những điệu đối, ví, thường rang, bỏ mẹng (hát nối), diễn tấu cồng chiêng của người Mường. Giọng nói lanh lảnh, xen lẫn những câu chuyện về trang phục, về lối sống, ẩm thực, nhà ở, thi thoảng mệ Bảy lại cất lên những câu ca cổ người Mường thường hát cho nhau nghe khi xưa: “Đến đây thì phải chơi đây; chẳng lập nên miếu thì phải xây nên chùa, cô ơi; đến đây thì phải chơi đây; để cho trúc mọc thành cây mới về”… Khi tôi hỏi, giờ còn có ai muốn nghe, muốn học lời ca, điệu múa của người Mường nữa hay không, khuôn mặt mệ Bảy thoáng buồn… Cô cháu gái Nguyễn Thị Huyền Yến là sinh viên năm thứ 2 Học viện Bưu chính viễn thông, ngồi cạnh bà nội, nói nhỏ nhẹ: “Cháu được bà kể cho nghe nhiều về điệu hát của quê mình, nhưng thế hệ chúng cháu ít người thuộc”. Huyền Yến cũng mong văn hóa truyền thống quê mình không bị mai một, em xin bố mẹ may cho một bộ trang phục người Mường nhưng cũng chỉ mặc vào dịp lễ Tết và khi có đám cưới hỏi.

Cuộc sống người Mường ở Thạch Thất bây giờ đã khác xưa. Nhiều phong tục truyền thống trong đó có vốn văn hóa dân gian như biểu diễn cồng chiêng đang dần bị mai một. Bài toán bảo tồn đã được các cấp chính quyền huyện Thạch Thất đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, điều quan trọng hơn cả vẫn là biện pháp cần làm để thể hiện sự trân trọng, tạo dựng không gian truyền dạy, thực hành những giá trị văn hóa truyền thống, phong phú, đặc sắc, nhân văn của đồng bào dân tộc Mường tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Tuân cho rằng, việc phát hiện và chăm lo cho những người đang là chủ thể văn hóa ở đất Mường là điều cần thiết và phải làm ngay lúc này. Ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, 3 xã của Thạch Thất có người Mường sinh sống là Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân với dân số hơn 18.000 nhân khẩu, trong đó người Mường chiếm khoảng 60%. Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chức năng xây dựng đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, giai đoạn 2016-2020. Đề án hướng tới bảo tồn hệ thống thiết chế văn hóa; nhà sàn và các vật dụng; trang phục truyền thống, ngôn ngữ, các lễ hội, điệu hát, điệu múa cồng chiêng, các môn thể thao của đồng bào dân tộc tại địa phương. Như vậy, qua đây, có thể hy vọng những làn điệu dân ca, tiếng cồng chiêng bản Mường sẽ được tiếp tục bảo tồn và không ngừng ngân vang.

(Theo Hà Nội Mới) 

Chí Kiên
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn "kho báu" đất Mường" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.