Bảo tồn, gìn giữ khặp Thái ở xứ Thanh

15/06/2022 20:07

Theo dõi trên

Nếu như người Mông có điệu múa khèn yểu điệu, người Mường có tiếng cồng chiêng vang vọng thì người Thái lại có khặp - loại hình trình diễn dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái xứ Thanh…

khap-thai-3-1655285898.png
Khặp Thái - hiểu đơn giản là thơ được thể hiện bằng âm nhạc

Theo các bậc cao niên người Thái ở Thường Xuân thì khặp (khắp) Thái - hiểu đơn giản là thơ được thể hiện bằng âm nhạc - một hình thức trình diễn thơ ca. Khặp dùng thanh nhạc làm hình thức biểu đạt nội dung thơ (câu thơ, bài thơ, truyện thơ), biến thơ trở thành một bài hát.

Lời khặp được diễn theo lối thơ tự do nên không bị bó buộc bởi âm luật, nhưng chú trọng các thanh trầm, chả thế lời khặp lúc nhẹ nhàng, da diết, lúc bổng, lúc trầm với những câu hát giàu hình ảnh của thiên nhiên như dòng sông, ngọn núi, cánh đồng; hình ảnh thân thuộc: Con chim, con cá, bông hoa đỏ nở khi trời nắng, bông hoa vàng nở khi mỗi sáng mai... Qua làn điệu khặp, không chỉ là sự thi vị ý thơ mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm, giãi bày điều khó nói với bạn bè hay người mình yêu; vừa nhẹ nhàng, ý nhị mà sâu sắc.

Cái hay của khặp Thái là làn điệu khặp giản dị gắn với đời sống hằng ngày. Ví dụ như khặp chôm pỉ mơ (hát mừng năm mới); khặp bào xảo (hát giao duyên); khặp chốm pợ (hát mừng dâu); khặp xư (ngâm thơ); khặp chôm hươn mơ (hát mừng nhà mới); khặp xường khưởi, ton pợ (hát tiễn rể, đón dâu); khặp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm); khặp à lơi lực (hát ru con),… Thế nhưng điểm nhấn của khặp chính là sự ứng tác - đối đáp giữa các bên. Và cùng một làn điệu khặp cũng có thể biểu hiện nhiều nội dung khác nhau.

Bên cạnh nội dung những bài khặp cổ được trao truyền thì các bên khi khặp cùng nhau còn có thể tự sáng tác, ứng tác cho phù hợp với hoàn cảnh, ngữ cảnh và chủ đề bàn luận. Bởi lẽ đó, người Thái khặp ở khắp nơi, khặp trong mọi hoàn cảnh, có những lúc khặp xuyên đêm vẫn chưa hết lời…

287911196-5105359562914197-6561959981166194557-n-1655286142.png
Nội dung chủ yếu của những làn điệu khặp Thái là thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Tuy nhiên, phần lớn nội dung lời hát diễn tả tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi, tự hào của người dân nơi đây gắn bó với quê hương, bản Mường. Hạnh phúc được sống trong bản Mường giàu đẹp, với cảnh núi sông, đồng ruộng, nương rẫy tốt tươi,...

Hiện nay, trong đời sống văn hóa của người Thái ở xứ Thanh còn lưu giữ khoảng hơn 100 bài khặp ở các thể loại. Không chỉ học theo những bài khặp có sẵn, một người yêu khặp là người có khả năng “tức cảnh sinh tình” trong mọi hoàn cảnh để mượn câu khặp thay lời muốn nói.

Tại Thanh Hóa, nhằm bảo tồn, gìn giữ khặp Thái, thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức các lớp truyền dạy cho các bạn trẻ, và lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa cũng đã góp phần tích cực vào câu chuyện gìn giữ loại hình văn hóa dân gian này.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, gìn giữ khặp Thái ở xứ Thanh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.