Bán sức trên phim trường

11/09/2015 09:36

Theo dõi trên

Trong thời buổi kinh phí làm phim eo hẹp, những người làm phim cật lực làm việc trong mọi điều kiện để đổi lấy số tiền thù lao bèo bọt

Không có gì cực khổ bằng việc làm phim ở những bối cảnh xa xôi, hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Khi đó, không chỉ có diễn viên mà toàn bộ ê-kíp làm phim, từ đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm, thư ký trường quay, nhân viên thiết kế cảnh quay, âm thanh, ánh sáng, hóa trang... đều phải “bán” sức để có được những thước phim ưng ý. Đôi khi xem một phân cảnh chỉ vài phút trên màn ảnh nhưng mấy ai biết cả đoàn phim mấy chục người đã phải làm việc cật lực, trần ai ở phim trường.

Vật lộn với địa hình, thời tiết

Đoàn phim “Mặn hơn muối” (đạo diễn Nhâm Minh Hiền) khởi quay vào những ngày nắng gắt của tháng 5. Bối cảnh căn nhà của diễn viên Ngọc Lan nằm trên một ngọn núi cao gần 30 m ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh em trong đoàn mồ hôi ướt đẫm, thở dốc khi phải vác máy quay, âm thanh, dàn đèn và nhiều đạo cụ cồng kềnh, to nặng, trong đó có 4 chiếc xe máy đưa từ chân núi lên điểm quay. Lên tới nơi, họ lập tức lao vào dựng bối cảnh, các bộ phận khác cũng chuẩn bị máy quay, ánh sáng. Quay được vài ngày, đoàn phim lại di chuyển ra ruộng muối Phan Rang, trầm mình trong cái nắng gió khắc nghiệt của miền biển. Có mặt trong đoàn phim là những gương mặt dày gió dạn sương vì phải đi ròng rã khắp các vùng miền xa xôi, hẻo lánh, địa hình hiểm trở.




Nhân viên máy quay là một trong những bộ phận làm việc cật lực trên phim trường Ảnh: TRẦN ĐĂNG THÁI

Đạo diễn Lương Đình Dũng chọn một đỉnh đồi cao thuộc xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang để quay phim “Cha cõng con” nên mỗi ngày ê-kíp phải mất cả giờ đi bộ. “Con đường mòn từ chân đồi lên tới đỉnh rất trơn trượt, anh em đoàn phim vừa vác dụng cụ vừa bám chặt chân xuống đất vì sợ không may té ngã thì có nước… đi luôn” - một quay phim cho biết. Anh em trong đoàn làm phim “Bí mật Tam giác vàng” nhớ lại ai nấy đều ớn tận cổ, vì bối cảnh phim trải dài từ Điện Biên (Việt Nam) đến khu Tam giác vàng - khu vực rừng núi hiểm trở giữa Lào - Thái Lan - Myanmar. Có bữa anh em phải vượt hơn 5 giờ đường đồi núi, hàng chục dốc cao chỉ để quay một cảnh.

Theo đạo diễn Xuân Cường, làm phim chiến tranh cũng vất vả không kém khi  bối cảnh quay lại ở nơi rừng thiêng nước độc. Đoàn phim “Đường xuyên rừng” phải đi bộ, vác dụng cụ tới bối cảnh quay vì xe không chở vào được. Anh Thành, nhân viên thiết kế, không ngại chỉ những vết thương cũ và mới trong người cũng là do những lần không may té ngã, trong lúc vác đèn lội bộ hàng giờ đến địa điểm quay phim chiến tranh. “Làm phim đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu là chuyện bình thường” - anh Thành nói.

Nắng gió, mưa bão cũng là nỗi ám ảnh không nhỏ đối với anh em đoàn phim đi quay ở vùng sâu, vùng xa, miền rừng núi. Diễn viên Ngọc Lan kể: “Lúc 12 giờ trưa, chúng tôi phải quay cảnh cào muối. Trời nắng gắt cộng với hơi nóng hầm hập từ ruộng muối bốc lên rát buốt cả chân tay, mặt mũi. Không ai mở mắt ra nổi nhưng cũng phải ráng”. Lúc quay cảnh cháy kho, gặp lúc trời gió to, đám cháy lan rộng, cả đoàn phải ngưng, chuyển sang dập lửa. Nhiều người trong ê-kíp đoàn phim “Dấu chân du mục” kể ban đầu không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt ở vùng hoang mạc Ninh Thuận nên người trong đoàn thay nhau lăn đùng ra ốm, diễn viên cũng ngất lên ngất xuống. Một anh quay phim nói vui: “Đến máy móc cũng hư hỏng, huống gì con người”.

Đoàn phim “Cha cõng con” kể rằng họ gặp mưa lũ triền miên, nước suối chảy xiết, mọi người phải bám dây cáp lội qua suối, thậm chí di chuyển bằng bè. Lúc trời mưa, sấm sét nổi lên, cả đoàn núp trong lều, nơm nớp lo sợ vì xung quanh nhiều máy móc thiết bị dùng điện. Quay phim Trần Đăng Thái kể: “Có lần quay bối cảnh trong nhà nhưng toàn bộ máy quay, đèn đóm đặt ngoài trời. Vừa bắt đầu quay thì trời đổ mưa, cả đoàn thu dọn không kịp, máy quay bị ướt, hỏng hết”.

Trắng đêm trên trường quay

Có thức đêm cùng đoàn làm phim mới chứng kiến được hết những gian nan, vất vả, thấm hết nỗi nhọc nhằn của những người làm công việc này. Hơn 12 giờ ở phim trường của “Mặn hơn muối” tại Bà Rịa, không khí rất khẩn trương, ai cũng tất bật. Những cây đèn công suất lớn được bật lên, tất cả các bộ phận đã sẵn sàng, đạo diễn Nhâm Minh Hiền hô “diễn” là cảnh quay bắt đầu. Lúc thì ánh sáng không đủ, khi thì góc quay không đẹp, đạo diễn vốn khó tính và chăm chút nên buộc quay lại. Cứ thế, cả đoàn hì hục suốt cả đêm. Đêm đó cũng như mọi đêm, khi đoàn phim dọn dẹp phim trường cũng là lúc mặt trời mọc.

Quay đêm khiến tất cả các bộ phận trong đoàn vất vả, nhọc nhằn gấp trăm lần ban ngày. Anh Phụng, nhân viên ánh sáng, cho biết phải huy động nhiều đèn và canh ánh sáng cho khung hình rất kỹ lưỡng. Có phim anh phải mất 2, 3 giờ để làm ánh sáng mà vẫn chưa vừa ý đạo diễn. Anh Quang, nhân viên thiết kế, kể có lần giữa đêm phải leo lên cây gắn hàng chục trái giả vào để quay cảnh vườn bưởi. Hay có lúc 12 giờ đêm quay ở trong rừng, anh phải lội bộ gần 4 km đường rừng để đi tìm đạo cụ phát sinh. Khi quay trở lại đã 2 giờ sáng và đoàn phim phải quay cho đến lúc hừng đông.

Theo các diễn viên, làm phim bây giờ vất vả hơn ngày xưa vì tiến độ quay liên tục, phim nào cũng quay đêm từ 50%-70%. Lý do là bối cảnh trong kịch bản, quay đêm giả ngày, quay dồn hay chờ đợi diễn viên chạy sô tới trễ. Dễ dàng bắt gặp những tiếng ngáp ngắn, ngáp dài hay gương mặt mệt mỏi vì lả người khi quay đêm. Những con người nơi đây, ai cũng mang trong mình nhiều chứng bệnh nghề nghiệp như viêm xoang, thiếu máu, ho… Vốn đầu tư cho một tập phim truyền hình trong khoảng trên dưới 200 triệu đồng chia cho đủ thứ chi phí nên tiền thù lao cho đội ngũ nhân viên làm phim không đáng bao nhiêu nhưng phải cật lực làm việc trong mọi điều kiện để đổi lấy số tiền thù lao bèo bọt.

Cực nhất là quay cảnh mưa

Thông thường, các cảnh quay mưa trong phim đều là mưa nhân tạo. Đoàn phim phải mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Có những địa điểm quay không tìm ra nước sạch, đoàn phim buộc phải dùng nước ao, hồ, sông, suối… Diễn viên Ngọc Lan khi quay liên tục 4 phân đoạn có mưa trong “Mặn hơn muối” phải dầm mình và uống nước “muối”. Lý do là nước làm mưa bơm từ giếng nước biển làm muối. Lương Thế Thành cũng một phen hãi hùng khi phải tắm nước phân vịt vì nước mưa được lấy từ đầm nuôi vịt.

Kỳ tới: “Ăn bờ ngủ bụi”

Theo MINH NGA (nld.com.vn)

Bạn đang đọc bài viết " Bán sức trên phim trường " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.