Bạc Liêu thời để nhớ

22/10/2015 15:10

Theo dõi trên

Mới hồi nào, nhắc đến Bạc Liêu thường nghĩ đến cánh đồng Nọc Nạng đau thương, đến vị công tử ăn chơi… Bây giờ, di tích cũ còn đó nhưng đã có thêm bao hình ảnh hiện đại để nhớ: Nhà máy điện gió đầu tiên ở ĐBSCL, khu biển nhân tạo và Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ hiếm hoi của cả nước…



 Phối cảnh khách sạn đờn kìm

 
Sáng 10-2-2015 nắng đẹp. Còn 9 ngày nữa mới sang năm Ất Mùi nhưng tại phường 7 (thành phố Bạc Liêu) không khí đã rộn ràng “vui như tết” khi nhiều gia đình dọn vào nhà mới. Dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được thực hiện vào loại nhanh nhất ĐBSCL, giao nhà cho người mua. Mỗi căn có diện tích 70m2, xây một và hai tầng, giá trên dưới 400 triệu đồng/ căn. Chung niềm vui khó tả, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc ấy là ông Võ Văn Dũng trực tiếp trao chìa khóa tượng trưng cho những hộ đầu tiên.
 
Ấm nhà riêng - chung

 
Bây giờ, những người nhận nhà dạo đó vẫn rạng ngời hạnh phúc. Mấy người nhận chìa khóa tượng trưng là các anh chị công tác ở Nhà khách Tỉnh ủy: Võ Thị Diệc, Võ Thị Duyến, Trần Thị Giáng Hương, Út Nhỏ, Nhân, Thu. Chị Diệc tâm sự, chị làm kế toán ở nhà khách, chồng là sĩ quan công an nghỉ hưu, mấy chục năm ở nhà tập thể nên “căn nhà riêng là mơ ước”. Niềm vui càng đầy đặn khi họ từ nơi xa về Bạc Liêu công tác, chị Diệc và Duyến là chị em ruột từ Quảng Bình, chị Hương từ Nghệ An.
 
Dự án nhà ở xã hội đầu tiên của Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Tràng An có tổng cộng 426 căn hộ. Cùng với 2 dự án nhà ở xã hội kế tiếp của Công ty Thiên Long và Hoàng Phát, nay cả ngàn gia đình thu nhập thấp đã có nhà mới.
 
Cũng ấm áp căn nhà riêng nhưng ở khía cạnh khác có chị Phan Thị Ngọc Loan với chồng con ở ấp Thông Lưu, xã Châu Hưng A (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Anh chị không có đất sản xuất, làm mướn quanh năm nên chỉ có căn nhà lá nhỏ rách nát. Chợt một ngày giữa năm 2014, anh chị ngỡ ngàng được đón tiếp đoàn cán bộ ở Văn phòng Tỉnh ủy. Các cán bộ hỏi han, biết anh chị đang muốn có đàn gà để chị Loan ở nhà chăm con gái 2 tuổi và nuôi gà, tăng thêm thu nhập. Ngay sau đó, anh chị có 300 con gà, do cán bộ và nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy góp tiền, mua tặng. Cũng từ đó, căn nhà của anh chị thường có cán bộ trên tỉnh về thăm hỏi, ngày càng ấm lành.
 
Năm qua, Văn phòng Tỉnh ủy giúp đỡ 6 hộ nghèo ở các xã. Còn cả tỉnh có 7.796 hộ nghèo được 69 cơ quan cấp tỉnh, 386 cơ quan cấp huyện, 64 đơn vị xã và 15 doanh nghiệp giúp đỡ, tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng. Nhiều hộ nay đã thoát nghèo.
 
Bạc Liêu còn có sự ấm áp khi chung lưng đấu cật xây dựng nông thôn mới, điển hình ở huyện Phước Long đã đạt chuẩn nông thôn mới của ĐBSCL. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), ông Trần Ngọc Ẩn, cười rạng rỡ nói, cán bộ xã cùng “lăn lộn” với dân nên mấy năm liền rất đoàn kết. Chánh văn phòng kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đào Thanh Phong, phụ trách một đội lao động gồm cán bộ và nhân viên ở huyện xuống các xã làm đường, cho hay: “Bây giờ đến đâu, gặp bà con cũng vui như về nhà”. Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long Lâm Thành Sáo tâm sự: “Khi mở ra các công trình lo cho dân, lãnh đạo tỉnh thường về kiểm tra nên dân nhớ tên, biết mặt tụi tui hết cả. Chúng tôi thấy được động viên, ấm áp nhiều lắm”.
 
Có tấm lòng
 
Giữa năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Đức Thắng và bà Nguyễn Thị Đông Hà đầy lo lắng. Họ từ xa về đầu tư hơn 200 tỷ đồng nâng cấp chợ Trung tâm Bạc Liêu nhưng khi hoàn thành thì bị một số tiểu thương ngăn cản khai trương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Dũng cho biết, UBND tỉnh đã cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Chiến trực tiếp giải quyết vụ việc. Ông Chiến nói, tỉnh tập trung nhiều nỗ lực để hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư với các tiểu thương nhằm thúc đẩy phát triển. Do đụng chạm lợi ích của hai bên nhưng dù vậy, nhà đầu tư và các tiểu thương lại cần có nhau. Cho nên, chính quyền có trách nhiệm đồng hành để giúp tháo gỡ, đạt được ổn thỏa mới thôi. Nhờ đó, vụ việc đi vào ổn định.
 
Có một chân lý giản dị: Phát triển là thay đổi. Mọi cuộc sinh nở đều phải trải qua những cơn vật vã, đôi lúc đau đớn. Nên hàng loạt công trình nâng tầm Bạc Liêu thoát khỏi lạc hậu là kết quả của sự hợp lực kiên trì đổi thay, cả trong tư duy. Để đạt được, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nguyễn Minh Chánh giải thích ngắn gọn: “Phải có tấm lòng”. Trước kia có doanh nghiệp đến đặt vấn đề đầu tư nhưng lãnh đạo tỉnh không dám nhận, còn mấy năm gần đây, lãnh đạo tỉnh chủ động đi mời gọi đầu tư.
 
Ông Ngô Xuân Pha, chủ khu biển nhân tạo ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), nói theo cách nhà đầu tư: “Lãnh đạo có hướng mở rõ ràng thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền ra”. Khu biển nhân tạo của ông Pha từng diễn ra rất thành công cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2014 (khu vực phía Nam). Cơ duyên nào đưa nhà đầu tư quê Nam Định, bán nhiều tài sản ở TPHCM, đem hàng ngàn tỷ đồng về đầu tư ở vùng đất xa xôi này?
 
Giọng khàn, cười sắc nét, ông Pha kể gần chục năm trước, một chuyến du ngoạn theo bản tính ưa mạo hiểm đưa ông đến huyện Hồng Dân hẻo lánh của tỉnh Bạc Liêu, gặp Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Út (sau này là Bí thư Huyện ủy). Ông Pha được đón tiếp chân tình và ông Út nhờ… xây khu thương mại nơi “khỉ ho cò gáy”. Thấy lãnh đạo địa phương nhiệt thành, ông làm và thành công. Nhân duyên khi đã kết nối sẽ không dừng lại, ông Pha tiếp tục gặp Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng, mở ra Khu Du lịch sinh thái Nhà Mát có biển nhân tạo. Ông Pha nhớ lại, lúc đó con đường ra bờ biển Nhà Mát giống như mọi nẻo đường giao thông ở Bạc Liêu, đều trắc trở. Khó khăn tới mức vì đầu tư nơi này mà vợ chồng ông lục đục. “Còn bây giờ đường đã thông suốt, vợ chồng tôi hòa thuận vui vẻ và đứa con trai đầu đi học nước ngoài về, cũng xuống đây làm việc”, ông Pha cười tươi.
 
Những ông chủ cánh đồng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ở Bạc Liêu, cho năng suất trên dưới 200 tấn/ha/năm, cũng đều quê quán từ nơi khác đến. Ông chủ Tập đoàn Việt-Úc quê ở tỉnh Cà Mau, ông chủ Công ty TNHH MTV Hải Nguyên quê tỉnh Quảng Ngãi. Còn ông chủ Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh là Lê Anh Xuân quê xa nhất, ở tỉnh Thanh Hóa. Ông Xuân vô Bạc Liêu năm 2001, ban đầu thuê mấy đám đất nuôi tôm, nay có hơn 15ha. Sản phẩm vi sinh sử dụng trong nuôi tôm theo công nghệ sinh học do ông Xuân nghiên cứu sản xuất và làm luôn luận án thạc sĩ. Hiện ông Xuân phát triển lên 3 sản phẩm vi sinh mới, đồng thời hoàn thành luận án tiến sĩ.
 
Khách sạn đờn kìm

 
Nhà máy điện gió Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) thiết kế 62 trụ, khởi công ngày 9-9-2010, nay đã hoàn thành 32 trụ. Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Huy Thái cho biết, 29 trụ đã phát điện hòa lưới quốc gia. Vùng bờ biển Bạc Liêu không có năng lượng gió lớn nhất ĐBSCL nhưng mọc lên nhà máy điện gió đầu tiên ĐBSCL và cũng là nhà máy điện gió trên thềm lục địa đầu tiên cả nước. Kế bên có khu nuôi tôm sú của ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh “vua tôm sú” vì thường đạt kết quả cao.
 
“Vua tôm sú” dáng thấp đậm, khuôn mặt phúc hậu, nói cười xởi lởi, chạy xe máy đưa khách đi thăm cây xoài 300 năm ở ấp Biển Tây B, phường Nhà Mát. Cây xoài cổ thụ vươn tán rộng, được giữ gìn nên trái nhỏ mà sai. Mùa xoài chín, khách du lịch đến khá đông để nếm hương vị trái cây lâu đời, rất lạ ở vùng đất trẻ.
 
Nhận ra một Bạc Liêu hiện đại hôm nay liền mạch cội nguồn sâu thẳm, quá khứ và hiện tại xoắn xít ở mỗi góc quê, hình ảnh, con người, tư duy. Bước lên Đài nguyệt cầm ở Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, những bậc thang được đánh số 2, 4, 8 và gấp đôi lên tới 64, ấy là sự phát triển bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông Võ Văn Dũng khẳng định: “Phát triển văn hóa ngang bằng với kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững”.
 
Ông Ngô Xuân Pha chỉ mảnh đất đã đóng cọc trước khu biển nhân tạo, giới thiệu chuẩn bị khởi công xây dựng khách sạn hình dáng cây đờn kìm, tiêu chuẩn 5 sao. Khách sạn cao 39 tầng, gồm con thuyền 9 tầng và cây đờn 30 tầng, tổng cộng cao 129m. Ông bày tỏ ý tưởng đậm chất thơ, hồi trước cụ Cao Văn Lầu ôm cây đờn kìm sáng tác nên bản nhạc bất hủ cho Bạc Liêu, mai này du khách đến Bạc Liêu sẽ vào cây đờn kìm nghỉ dưỡng để tâm hồn lắng lại cân bằng, hạnh phúc. Chợt ông dừng cơn say sưa thơ mộng, nói một câu da diết như sóng vỗ bờ: “Bạc Liêu đã đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, mong đường hướng tương lai tiếp tục mở cho đầu tư phát triển, bằng hoặc hơn thời đáng nhớ mấy năm qua”.
 
Theo SGGP Online

Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu thời để nhớ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.