Á Nam Trần Tuấn Khải: Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi

27/05/2019 15:38

Theo dõi trên

Hồi nhỏ sống ở thành phố Nam Định, những lúc nhàn rỗi tôi thường ra bến đò Tân Đệ, xem cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, nhìn cánh buồm trắng lờ đờ trôi về chân trời dấy lên trong lòng bao mơ mộng phiêu lưu. Ở bến đò, một người hát xẩm kéo nhị, gân cổ hát bài “thập ân”. Đang chán tai vì cái âm điệu rền rĩ đơn điệu đó, bỗng tiếng đàn bầu thánh thót rung lên quyện với tiếng hát mộc mạc thiết tha:

Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu
 
Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh
 
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh
 
Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương
 

Đó là một cuộc chia ly như tất cả những cuộc chia ly từ nghìn thuở trên đất nước Việt Nam, có người phụ nữ giữ khăn trầu, cầm một miếng trầu đưa cho người nam, nhưng ở đây đã có dấu vết của thời cơ khí hiện đại, báo hiệu chia ly không còn là tiếng ngựa hí, tiếng nhạc reo, tiếng nước róc rách và tiếng gió phần phật… mà là tiếng còi tàu tu tu như hồi chuông nghiệt ngã của số phận, cắt đứt tình duyên đôi lứa.
 
Anh Khoá ơi! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu
 
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây
 
Trông anh, em chẳng nỡ rời tay
 
Nỗi riêng em dặn câu này anh chớ có quên
 
Anh Khoá ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền
 
Anh em ta phận kém duyên hèn mới phải long đong
 
Một mình anh nay Bắc lại mai Đông
 
Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya
 
Anh Khoá ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề
 
Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong
 
Tính toan sao cho phỉ chí tang bồng
 
Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên…
 
Người làm bài “Tiễn chân anh Khoá xuống tàu” thì tôi không lạ, đó là nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, người làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định. Thân sinh Á Nam, cụ Cử nhân Trần Văn Hoán là chỗ thanh khí với Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Trần Tế Xương. Điều tôi băn khoăn: Anh Khoá này là ai mà hoài bão chí khí lớn lao muốn làm sao cho “phỉ chí tang bồng”.
 
Đến năm 1984, đọc chú thích cuốn “Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải” (NXB Văn học) thông qua lời tác giả kể về xuất xứ bài thơ, tôi được biết: “Khoảng năm hai mươi tuổi, tác giả thường giao du với các nhà chí sĩ, những bậc lão thành, cũng như những người thiếu tráng, ngày đêm mài miệt ngâm vịnh văn chương, nghiên cứu các học thuyết đông tây kim cổ. Lúc đó trong đám anh em, có nhiều người vì mang lòng phẫn uất với bọn thực dân Pháp, trốn tránh đi ra nước ngoài để tìm phương kế cứu giang sơn Tổ quốc. Trong thời gian đó, tác giả cũng đã có phen lần ra tận biên thuỳ ở miền Móng Cái, mong lân la sang bên Trung Quốc để tìm kiếm bạn đồng tâm.
 
Chẳng may công chuyện không thành, đành buồn bã quay về. Sau đó, còn có nhiều phen lần theo các đường khác để đi (như vào Trung Kỳ, Nam Kỳ) song cũng đều thất vọng”. Tuy vậy, trong đám bạn bè cùng chí hướng của ông, những người gặp được cơ hội len lỏi ra nước ngoài cũng không phải là ít. Vì thế, trong lúc tiễn đưa bạn hữu, tác giả đã chan chứa cảm xúc, viết ra bài hát trên để tả tấm lòng tha thiết của mình. Bài hát rất phổ biến trong Nam, ngoài Bắc hồi đó.
 
Tập thơ đầu có in bài “Tiễn chân anh Khoá xuống tàu”, tuy đã nguỵ trang như lấy nhan đề “Duyên nợ phù sinh”, phụ đề chữ Hán “Kim sinh luỵ”, bài thơ mở đầu “Hồn luỵ”, ký tên “Luỵ Giả”, cho giống với những cuốn sách đang lưu hành; nhưng dụng ý của Á Nam mượn thơ văn để khích động lòng yêu nước, gây chí tự lập, nghĩa hợp quần đã được người đương thời nhận ra. Nguyễn Văn Vĩnh đứng trên lập trường thân Pháp, viết một bài trên tạp chí Annam Nouveau, dùng giọng úp mở quanh co, kết tội Trần Tuấn Khải quá thiên về tinh thần quốc gia mà quên nói đến tình cảm thông thường của con người. Tuy cũng ra làm quan với Pháp, nhưng Cử nhân Tuần phủ Thái Bình Trần Mỹ còn có đôi chút tâm huyết với đất nước, khi “Duyên nợ phù sinh” ra đời năm 1921, Trần Mỹ cảm đề:
 
Xem qua một tập Kim sinh
 
Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương
 
Nhớ ai vơ vẩn đêm trường
 
Sầu ai trăm mối tơ vương bên mình!…
 
 
Tạp chí Nam Phong (Tháng 5.1921) viết: “Đã lâu nay, các văn thông được mấy quyển hay, nay mới lại được đọc tập “Duyên nợ Phù sinh” của ông Trần Tuấn Khải này thật là văn chương có giá trị… Nhiều bài hát thật là hay, như bài “Tiễn chân anh Khoá xuống tàu” và thứ nhất là bài “Gánh nước đêm” lời giản dị mà ý tứ sâu xa biết bao nhiêu… Cả tập thơ chỉ được một bài này, cũng đáng khen, huống còn nhiều bài hay nữa”.
 
Hoàng Ngọc Phách viết trong báo Trung Bắc Tân văn số 1282: “Tự bảo mình rằng lúc thơ phú tàn canh, mà còn có thơ này, lời lẽ thanh thoát, ý tứ dồi dào, cảm hoài những việc vẩn vơ mà cao thượng”… “Có người bảo văn ông có nhiều vẻ buồn, ký giả cũng tưởng như vậy”… “Nếu vì quốc văn, vì luân lý, vì hai vai thân thế, một gánh giang san, cuộc văn chương dẫu đến khi tàn, mà ngọn bút quan hoài biết bao giờ cho ráo mực” mà ông buồn, thì cái buồn ấy cũng có vẻ cao thượng”. Tú tài Nam Định Nguyễn Xuân Xứng viết: “Quyển “Duyên nợ Phù sinh”… văn chương mực thước, lời lẽ thâm trầm, chẳng khác chi một mảnh gương soi suốt nhân tình thế thái, so với bốn chữ nhan đề quả là thích hợp…
 
Một quyển văn thư mấy đoạn tình
 
Kiếp người dan díu nợ phù sinh
 
Non sông dấu cũ văn chương mới
 
Mưa gió năm châu luống giật mình”
 
Những lời khen ngợi trên đây còn mang tính chất bóng gió, nhưng đến Thiếu Sơn trong “Phê bình và cảo luận” (1933) đã nói rõ ràng hơn: “Ông Khải thường hay cảm về thời thế, mà nặng lòng với đất nước non sông, nên ông thường hay ngâm vịnh về lịch sử để dựa theo mà khóc cảnh tang thương…
 
Coi lịch sử gương kia còn tỏ
 
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
 
Giang san này vẫn giang san
 
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
 
Vì ai? Độc giả cũng dư biết vì ai. Song lịch sử đã đầy những sự vẻ vang quá khứ, mà hiện nay trông lại, chỉ thấy rặt những cảnh thảm mục thương tâm, thì những nhà chí sĩ lo đời, há được bình an toạ thị?
 
Bởi vậy mà anh Khoá mới lên tiếng hô hào, rắp mong được nhiều người hưởng ứng.
 
Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” (1941) cũng viết: “Có lẽ ông (Trần Tuấn Khải) là một thi sĩ mà cách đây không lâu các bài ca đã được nhiều người hát nhất. Ở Bắc kỳ, hai bài “Anh Khoá” của ông, trong xóm bình khang, các đào nương lại thường hay hát lắm. Hai bài “Anh Khoá” phổ thông đến nỗi người ta đã lấy cả vào đĩa hát ở miệng những tay danh ca bậc nhất.

Những việc ấy đủ chứng ra rằng hai bài “Anh Khoá” đã hợp với tính tình của nhiều người, người học thức cũng như người ít học. mà không cứ hai bài “Anh Khoá”, những thi ca của Trần Tuấn Khải hầu hết đều nhẹ nhàng, dễ hiểu, đều có tính cách phổ thông như thế cả”.
 
Trong sách không thấy nói đến việc bài “Anh Khoá” sở dĩ được hưởng ứng nhiệt liệt vì nó đáp ứng đúng tình cảm yêu nước của quần chúng. Nhưng sau này, khi đọc hồi ký “Những năm tháng ấy” (1987), được Vũ Ngọc Phan cho biết: “Bài Anh Khoá của Trần Tuấn Khải xẩm họ hát ơi ới khắp nơi thì không sao, nhưng đưa vào sách (Nhà văn hiện đại – HA) thì bị xoá liền”, chúng ta mới hiểu đoạn nói về nội dung yêu nước của “Anh Khoá” đã bị kiểm duyệt thực dân xoá bỏ.
 
Hiện tượng “Anh Khoá” nói lên một biến chuyển kỳ lạ và đặc biệt của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20, đó là sự xâm nhập mạnh mẽ của văn học dân gian vào văn học viết. Ý thức hệ nho sĩ phong kiến đã đến lúc tàn, không đủ sức gây dựng một luồng văn thơ có sinh khí và sức vang dội nữa.
 
Nếu Á Nam chỉ làm những bài thơ hoài cổ như “Chơi thành Cổ Loa”, “Chơi núi Sài Sơn”, “Chơi thuyền Hồ Gươm”… thì ông cũng chỉ góp thêm vào tiếng thở dài của một thế hệ từ Nguyễn Khuyến cho đến Chu Mạnh Trinh… hay nếu chỉ làm những bài thơ châm biếm trào phúng như “Lên chợ Giời”, “Trách đồng bạc”, “Vịnh ông Hộ Pháp”… thì ông cũng chỉ góp thêm vào tiếng cười mỉa mai cay độc của nhà nho thất thế như Từ Diễn Đồng, Trần Tế Xương…
 
Sau khi Á Nam làm một số bài phong dao và câu hát vặt mang hơi thở lành mạnh, trong trẻo của dân gian, quần chúng nhân dân đã nhận ra người thi sĩ chân chính của mình, hà hơi tiếp sức cho ông, nâng thơ ông tới đỉnh cao, truyền bá thơ ông rộng rãi, choàng cho ông vòng nguyệt quế “ca sĩ của lớp người tấn công lên trời”. Trước sự ủng hộ và suy tôn nhiệt liệt của đông đảo quần chúng, giới văn học bác học đương thời không thể không dành cho ông một vị trí xứng đáng trong nền văn học.
 
Bài “Anh Khoá” đã thổi một luồng gió trong lành, khoẻ khoắn vào không khí văn học già nua lúc bấy giờ, khiến nó tiếp cận hơn với văn mạch dân tộc, nguồn gốc dân ca, chất trữ tình của nó là chất lãng mạn tích cực khác xa với chất lãng mạn tiêu cực ẻo lẻ, bạc nhược tràn ngập văn đàn thời ấy … Á Nam không coi đời toàn là bể thảm như Đoàn Như Khuê mà xác định mình là người ở giời Nam bể Á (do đó mới lấy hiệu là Á Nam). Trong bài “Hồn luỵ” ông viết:
 
Giời Nam bể Á bao la
 
Nực cười vơ vẩn là ta với mình
 
Ham chi duyên nợ phù sinh?
 
Ngàn thu luống để vương tình nước non
 
Cái sầu này không phải là cái sầu vơ vẩn, vô cớ như Tản Đà “sầu không có mối, chém sao cho đứt, sầu không có khối, đập sao cho tan”, cũng không phải là sầu vì “duyên nợ phù sinh” như Tương Phố “Tình thu ai để duyên em bẽ bàng”, mà cái sầu có nguồn gốc rõ rệt “ngàn thu luống để vương tình nước non”.
 
Tần số xuất hiện những chữ nước non, giang san, sơn hà, đất Việt, Hồng Lạc, biển Á, giời Nam, Nam Việt, Tổ quốc… chiếm đa số tuyệt đối, áp đảo trong văn bản của Á Nam, văn có non song mới có hồn, là nguồn thơ chủ yếu hầu như duy nhất của Á Nam thậm chí bài thơ khóc vợ “Non trách nước” (1932) cũng vẫn ngụ ý nói đến đất nước. Thiếu Sơn đã nhận xét: “Thơ ông Hiếu thì ngộ nghĩnh mà thần tình, còn thơ ông Khải thì trang nghiêm mà thống thiết”.
 
Sau loạt bài “Tiễn chân anh Khoá xuống tàu”, “Gửi thư cho anh Khoá”, “Mong anh Khoá”… Á Nam đã viết những bài có hàm ý kêu gọi đồng bào sớm tỉnh cơn mê giấc mộng, đoàn kết lại đứng lên chống Pháp như trong bài “Gọi đàn”:
 
Đời như nước mặt bể khơi
 
Người như chiếc lá ngược xuôi giữa dòng
 
Xiết bao sóng gió hãi hùng,
 
Chân sào tay lái ai cùng với ta?
 
Đừng theo con nhạn mới sa,
 
Thấy con sóng bạc tưởng là mồi ngon.
 
Lênh đênh bay lộn chập chờn
 
Biết bao hy vọng theo nguồn nước xuôi!
 
Kiền khôn một giấc mộng dài
 
Mộng trong giấc mộng, vui cười được bao?
 
Ngàn mê bến giác bên nào
 
Thương nhau xin bắt lái vào cùng nhau
 
Lòng này hẹn với cao sâu
 
Trái tim vẫn chứa lưng bầu máu xưa
 
Trăm năm mấy hội tình cờ,
 
Trên thuyền tri kỷ còn ta còn mình.
 
Giang hồ muôn trượng thênh thênh,
 
Sá chi những giống lênh đênh bọt bèo
 
Tấm thân từng trải đã nhiều
 
Bao nhiêu nguy hiểm, bấy nhiêu anh hùng.
 
Nguồn trong dòng nước càng trong,
 
Xin đừng cuộn đục cho lòng thêm thương.
 
Mấy phen qua vượt trùng dương,
 
Can trường mới biết can trường này đây.
 
Dầu sao bài này vẫn mang tính chất bóng gió, như bến giác có thể hiểu là giác ngộ cách mạng, nhưng đến những bài sau có nội dung yêu nước, cụ thể, mãnh liệt hơn, như “Văn tế Đức Trần Hưng Đạo” (in trong tập thơ “Với sơn hà 1” (1936) với lời kêu gọi hùng hồn: Hai mấy triệu nào con nào cháu, mài tim gan trông nếp cũ cùng theo, muôn nghìn năm nào gái nào trai, luyện vây cánh sấn đường mây thẳng trỏ, nghe như “Văn tế Phan Châu Trinh” của Phan Bội Châu. Trong bài “Hai chữ nước nhà” mượn lời Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi, nhà thơ viết:
 
Lời cha dặn khắc xương để dạ,
 
Mấy gian lao con chớ sai nguyền;
 
Tuốt gươm thề với sương thiên,
 
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu.
 
Gan tráng sĩ vững sau như trước,
 
Chí nam nhi lấy nước làm nhà,
 
Tấm thân sẻ với sơn hà,
 
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công.
 
Hơi văn bi hùng chẳng khác gì những bài ca của phong trào Việt Nam Quang Phục Hội thời bấy giờ. Bên cạnh sự hưởng ứng của quần chúng, còn có tác động của tình thế cách mạng sôi sục đương thời.
 
Chúng ta phải thông cảm, khi chưa rõ phong trào tân nhạc ra đời, các nhà thơ phải làm những bài ca cách mạng cho quần chúng hát. Những bài ca của Á Nam khiến tôi liên tưởng đến Béranger (1780 – 1857), những bài hát chính trị của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của các điệu dân ca, ca ngợi quần chúng.
 
Nếu Béranger hai lần bị tù vì chính kiến trong các bài hát, thì hai cuốn “Bút quan hoài” và “Hồn tự lập” của Á Nam đã bị thực dân tịch thu, cấm tàng trữ, lưu hành trong toàn quốc, và khi in cuốn “Sách chơi xuân năm Nhâm Thân” (1932) trong có 10 bài thơ mượn lời bà Trưng Trắc nhủ em là Trưng Nhị khi nổi quân đánh đuổi Tô Định, ông bị bắt giam vào Hoả Lò Hà Nội.
 
Cuốn “Hồn tự lập” tập II (1928) do Á Nam viết bằng văn xuôi, nội dung thuật chuyện ba nhà nữ cách mạng Nga, do Nhà in Nữ lưu thư quán, Gò Công, xuất bản. Bài thơ đề đầu cuốn sách như sau:
 
Lò vũ trụ đêm mù hiu hắt,
 
Cảnh muôn loài say giấc ngổn ngang.
 
Tiếng đâu kêu réo kinh hoàng
 
Nghe ra hùng tráng bi thương đến điều?
 
Mặt biển nọ nước reo chính khí
 
Đỉnh non kia mây hé tự do.
 
Ngọn đèn nhân loại khêu to,
 
Những ai soi rạng cơ đồ bấy nay?
 
Mở lịch sử đông tây coi thử,
 
Kìa anh hùng hiệp nữ là ai?
 
Mấy phen động đất kinh giời,
 
Máu hồng lai láng muôn đời còn in.
 
Lầu cố quốc khêu đèn tự lập
 
Chén hô quần mong nhấp cùng ai?
 
Phấn son ai cũng kiếp người,
 
Tình non nước, nghĩa giống nòi, sao đây?
 
Chúng ta thấy lời hô hào yêu nước của Á Nam không mang ý thức hệ sĩ phu phong kiến mà đã mang ý thức cách mạng tư sản dân quyền, nhiều câu trong bài “Hai chữ nước nhà” rất giống với những câu trong bài La Marseillaise của Rouget de Lisle (1792).
 
Thí dụ câu: Chí nam nhi lấy nước làm nhà, tấm thân sẻ với sơn hà, Tượng đồng bia đá hoạ là cam công, gợi người ta nhớ đến câu Allons, enfants de la patrie, Le jour de gloire est arrivé, được người Việt Nam trước đây dịch theo nguyên điệu là: “Này người dân con quê hương ai đó hỡi, Bia đá danh đề, đến lúc rồi kìa”, và câu: Nữa mai mốt giết xong thù nghịch, Mũi long tuyền lau sạch máu tanh, gợi nhớ câu: Aux armes, citoyens! Formez vos bataillons! Marchons! Marchons! Qu’un sang impur abreuve nos sillons! được dịch là “Khí giới chúng ta cầm mau! Quyết chí dấy quân cùng nhau! Đi mau! Đi mau! Sao cho luống cày, máu nhơ nhớp, tưới dồi dào!”
 
Còn bài đề cuốn “Hồn tự lập II” thì lại phảng phất giọng văn của Lương Khải Siêu, người cha tinh thần của Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc. Trong cuốn “Hồn tự lập I” (1927), Á Nam nêu tấm gương đấu tranh của nhà yêu nước Ấn Độ Gandhi, chống thực dân Anh. Chủ nghĩa yêu nước của Á Nam đã thấm nhuần tinh thần dân chủ và quốc tế. Á Nam không những đã đọc tân thư của Trung Quốc mà còn đọc cả sách chữ Pháp, ông đã dịch nhiều bài thơ của Alfred de Musset, Victor Hugo… sang tiếng Việt.
 
Á Nam còn dịch những tiểu thuyết Trung Quốc ca ngợi những anh hùng khởi nghĩa nông dân như Thuỷ Hử, Hồng Tú Toàn… Bài đề từ bản dịch Thuỷ Hử (1925) mang đầy khí phách hào hùng:
 
Tai mắt tim gan đứng cõi đời,
 
Không duyên cũng nợ núi sông chơi
 
Còn vầng máu đỏ, còn nhân loại,
 
Đâu lẽ khoanh tay chịu mặc Trời?
 
Mở gương thiên cổ mà coi,
 
Anh hùng liệt nữ những ai đó mà?
 
Đòi phen gió táp mưa sa,
 
Cỏ cây ai chuyển, sơn hà ai xoay?
 
Trong lời chú Thuỷ Hử, cũng có những câu thơ khêu gợi lòng yêu nước, như:
 
Làm trai sướng nhất ba điều:
 
Một là thân thế riêng chiều tự do,
 
Hai là giết hết quân thù,
 
Đem gan nghĩa hiệp đền bù núi sông
 
Á Nam còn viết bộ tiểu thuyết “Thiên thai lão hiệp” (1934 – 1935) lợi dụng phong trào kiếm hiệp thời ấy mà đưa ra những nhân vật dị kỳ, cổ quái nhằm hấp dẫn độc giả, nhưng cốt ý là để cổ xuý cách mạng.
 
Sau khi thực dân Pháp bắt giam tác giả và cấm lưu hành tác phẩm của Á Nam, không nhà xuất bản nào dám in sách của ông nữa. Lúc toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946 nổ ra ở Hà Nội, ông mang được một rương đựng đầy bản thảo thơ văn cùng gia đình đi tản cư ba bốn chỗ, sau mới về ngụ ở làng Sơn Lộ, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, thì rủi bị giặc Pháp tới nơi đốt phá tan tành không còn sót được một mảnh chữ nào. Mãi sau này ông mới nhớ lại được một số bài đưa in trong cuốn “Với sơn hà” tập II (1949).
 
Lúc còn ở Bắc, ông đã theo kháng chiến ở Vân Đình Chợ Đại một thời gian. Nhưng kỳ diệu thay sức sống bất khuất của thành phố Sài Gòn, chính ở đây, Á Nam đã tìm được chỗ đứng xứng đáng trong cuộc chiến của nhân dân thành phố chống đế quốc Mỹ và tay sai. Ông đã tiếp xúc với nhiều hội đoàn dân chủ nhất là phong trào Tự quyết và thường đến họp với tổ chức này từ năm 1964.
 
Năm 1966, Trần Tuấn Khải được bầu làm Chủ tịch danh dự của Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc cùng với giáo sư Dương Minh Thới. Lời phát biểu mạnh mẽ của ông trong lễ ra mắt ngay trước “Hạ viện” Sài gòn, được mọi người hết sức hoan nghênh.
 
Năm 1967, Trần Tuấn Khải được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ Văn hoá. Năm 1972, có lần ông được đưa vào vùng giải phóng Long An họp hội nghị suốt một ngày.
 
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968) Trần Tuấn Khải làm việc dịch thuật cổ văn ở phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá, nhưng ông đã dùng phòng làm việc của ông ở thư viện Quốc gia làm nơi gặp gỡ của anh em công tác thành. Những năm 68 – 70, cán bộ chỉ đạo hoạt động nội thành bao giờ cũng nêu tên ông đầu tiên trên các bản kiến nghị đấu tranh như phong trào chống văn hoá nô dịch của Mỹ nguỵ, phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân sinh và dân chủ. Sau 30.4.1975, Trần Tuấn Khải làm cố vấn Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Khi hai nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận từ miền Bắc vào Nam, đến nhà thăm Á Nam, hôm ấy cụ còn yếu mệt, đang nằm giường bệnh, nghe anh Huy Cận cười hỏi: “Nay anh Khoá đã về, bà Khoá đã hả lòng chưa?”, thì cụ Á Nam bất giác tươi tỉnh, sau khi tiễn bạn ra về, cụ đã viết ngay bài “Mừng anh Khoá về” (1975)
 
Mấy tháng trước khi qua đời ngày 7.3.1983, cụ đã làm bài thơ “Tám mươi tám tuổi tự vịnh” (1982), như sau:
 
Ta nghĩ mình ta cũng nực cười,
 
Sống trong thanh bạch vẫn yên vui.
 
Lấy câu trung nghĩa khuyên con cháu,
 
Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi
 
Nghĩa cả giang sơn ghi đáy dạ,
 
Chuyện đời danh lợi gác ngoài tai
 
Tám mươi tám tuổi xuân còn mãi,
 
Còn vững lòng son chẳng đổi dời.
 
Trần Tuấn Khải đã thể hiện trọng vẹn đúng như tâm nguyện của cụ buổi đầu: “Góp cùng kim cổ lưng bầu huyết, Gửi với sơn hà một áng văn”.
 
Hoài Anh/VHVN

Bạn đang đọc bài viết "Á Nam Trần Tuấn Khải: Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.