27 công trình Pháp tại TP. Huế: Mơ hồ và sai lầm học thuật

05/06/2018 10:29

Theo dõi trên

Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thì địa bàn TP. Huế hiện có 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng quyết định này vẫn khá mơ hồ và chậm chạp trong việc xác định công trình tiêu biểu cho Huế.



Trường Quốc Học - Huế, công trình Pháp tiêu biểu

“Điểm danh” 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu

Ngày 30/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Quyết định số 1152/QĐ-UBND công bố các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế. 

Theo đó, địa bàn TP. Huế có 11 công trình các cơ quan nhà nước quản lý gồm: Cơ quan Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, Dãy lớp học A&B Trường Đại học Khoa học Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival, Sân vận động tự do. 16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức gồm: Ga Huế, Khách sạn Sài Gòn Morin, Nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, Khách sạn Le Domaine de Cocodo, Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, Tu Viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, Nhà thờ Phanxico, Nhà Nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô).   

Việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế nhằm tạo cơ sở định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật.
 


Bia Quốc Học - Huế một công trình trong số 27 công trình được công nhận đã thay đổi so với nguyên mẫu ban đầu về màu sơn và kiến trúc (Ảnh chụp tại thời điểm trùng tu)

Quyết định mơ hồ, không có ý nghĩa thực tiễn

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký quyết định nói trên là điều tất yếu nhằm có biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các công trình này. Tuy nhiên, những công trình trong quyết định nói trên chỉ là phần nổi cho những công trình kiến trúc Pháp trên đất Huế, chưa thể đại diện hết cho TP. Huế.

Ông Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho biết, việc ký quyết định trên là cần thiết. Tuy vậy, phải nghiêm túc về mặt học thuật, khảo cứu các công trình không nên tùy tiện “gắn mác” công trình tiêu biểu cho 27 hạng mục kiến trúc nói trên.

Ông Hoa nói rằng, việc UBND tỉnh ký quyết định nói trên là tùy hứng, không dựa trên cơ sở nghiên cứu, nhầm lẫn và mơ hồ về mặt học thuật. Ông Hoa dẫn chứng về mặt học thuật rằng, nhà thờ Phủ Cam được người Pháp xây dựng lần đầu vào đầu thế kỷ XX do cha Lý làm Tổng Giám mục. Năm 1960, nhà thờ Phủ Cam bị phá bỏ và xây dựng lại do linh mục Ngô Đình Thục chủ trì khởi công.

Do các biến cố lịch sử nên mãi đến năm 2000 nhà thờ này mới hoàn thành nhân dịp 200 năm thành lập giáo phận Huế. Vì vậy nói công trình này tiêu biểu cho kiến  trúc Pháp là không hợp lý.

Sự mơ hồ về mặt học thuật khiến tên các công trình bị nhầm lẫn, đơn cử là nhà thơ Dòng Chúa cứu thế (đường Nguyễn Huệ) đã được ông Hoa nhắc đến. Nhà nghiên cứu này cho rằng, nhà thờ nói trên vốn có tên: Nhà thờ Đức mẹ hằng cứu giúp. Phía sau nhà thờ có một dãy nhà hai tầng, dãy nhà này mới được gọi là Dòng Chúa cứu thế.

“Nhầm lẫn đó là rất buồn cười, chứng tỏ người tham mưu không am hiểu về Huế. Quyết định này rất mơ hồ và không có ý nghĩa thực tiễn”, ông Hoa nói.

Hiện tại, trong số những công trình đã được công nhận có những công trình không giống với nguyên bản. Như, khách sạn Sài Gòn Moring vốn chỉ có 2 tầng nhưng sau này đã xây lại thành 4 tầng trên nền móng cũ. Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vọng (bia Quốc Học) đã thay đổi màu sơn và họa tiết với nguyên bản vốn có.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện VH - NT Việt Nam tại Huế cho rằng, tên gọi công trình Pháp tiêu biểu là cách gọi chưa đúng. Tiến sĩ Hằng cho rằng nên để cách gọi là công trình mang phong cách thuộc địa (hay còn có thể gọi là công trình kiến trúc kiểu Pháp).

Theo ông Hằng, quyết định của tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành hơi muộn. Vấn đề cần được xem xét ở đất đó là còn công trình nào còn sót hay không? Sau khi được công nhận thì biện pháp bảo vê là gì?
 
Đình Duy

Bạn đang đọc bài viết "27 công trình Pháp tại TP. Huế: Mơ hồ và sai lầm học thuật" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.