100 năm Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang

30/01/2018 08:35

Theo dõi trên

Trong đại gia đình sân khấu và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời và hôm nay, ở tuổi 100, ông đang hiện diện như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc.

Chỉ tính từ hơn 30 năm gần đây, từ những năm trên 70 tuổi đến nay, nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình: “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” và  “Thanh gươm hát bội”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà  mẹ  làng  Sen” “Tên sát  nhân và  nhà  tu hành “, “Đời tôi trong nghệ thuật”...
 


Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang
 
Có thể nói trong đội ngũ nghiên cứu và sáng tác tuồng thì Mịch Quang là một trong những người đã có nhiều thành tựu to lớn nhất nên được trong giới suy tôn là bậc thầy. GS.NSND Trần Bảng gọi Mịch Quang là một “lão tướng Tuồng” không chỉ bởi tài đức đầy sức chính phục của ông mà còn là vì Mịch Quang luôn là người luôn xông pha đi đầu, tích cực và triệt để nhất trong trận chiến không khoan nhượng bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống dân tộc, bắt đầu từ nghệ thuật tuồng.
 
Sở dĩ Mịch Quang thành công trong nghiên cứu và sáng tác tuồng là ông đã sớm có một nền tảng tri thức bền vững, đó là kiến thức văn hoá, sân khấu âm nhạc đông Tây sâu rộng và hiểu biết về tuồng ngay trên cái nôi tuồng Bình Định. Từ tuổi thiếu niên, Mịch Quang đã đắm mình trên đất tuồng Tuy Phước - quê hương của hai nhà soạn tuồng vĩ đại Nguyễn Diêu và Đào Tấn, một miền quê mà ngày xưa ở xã nào, thôn nào cũng diễn tuồng. Cho đến bây giờ đội tuồng xã Phước An vẫn diễn tuồng truyền thống hay hơn cả các đoàn tuồng chuyên nghiệp.
 
Bắt đầu sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của Mịch Quang không phải là diễn tuồng mà hát tân nhạc do yêu cầu phục vụ bộ đội nhân dân trong kháng chiến chống Pháp vì thời kỳ này nghệ thuật tuồng ở Nam Trung bộ bị cấm do ngộ nhận đây là sản phẩm của giai cấp phong kiến. Khi làm trưởng ban văn hoá Trung đoàn chủ lực 94, ông là một giọng ca tân nhạc rất được hâm mộ ở vùng kháng chiến Bình Định. Thời làm công chức ở Sài Gòn, Mịch Quang rất thích xem cải lương, đờn ca tài tử và theo học bài bản các bậc thầy của hai bộ môn âm nhạc phương Nam này, vì thế mà ông am hiểu khá sâu âm nhạc cải lương.
 
Cụ thể là nhờ có vốn kiến thức âm nhạc hiện đại và sự hiểu biết cải lương mà sau này Mịch Quang vào với tuồng càng dễ dàng, vì tuồng là nghệ thuật ca kịch dân tộc, lấy âm nhạc làm chủ đạo. Dĩ nhiên nhạc tuồng có khác với tân nhạc nhưng biết tân nhạc thì càng dễ dàng trong việc tìm hiểu âm nhạc tuồng. Mối liên hệ hữu cơ giữa các vùng miền trong âm nhạc dân tộc Việt Nam rất lâu đời và bền vững. Mịch Quang luôn luôn nắm chắc quy luật liên quan, liên kết này mà nghiên cứu và phát huy suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.
 
Một điểm khác có tính quyết định cho thành công trong nghiên cứu tuồng của Mịch Quang là môi trường nghệ thuật, tức là Ban nghiên cứu tuồng, nơi tập trung rất nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng như Phạm Phú Tiết, Hoàng Châu Ký, Hồ Dắc Bích, Hồ Lãng... Và những nghệ sĩ tuồng Liên khu 5 cự phách như Nguyễn Nho Tuý, Nguyễn Lai, Phạm Chương, Văn Phước Khôi, Ngô Thị Liễu, Minh Đức, Đinh Quả, Võ Sỹ Thừa... Ở đây ông xem nhiều, trao đổi, tranh luận nhiều nên mọi vấn đề lý luận về tuồng ngày càng sáng ra. Trong nghiên cứu, Mịch Quang không bao giờ chịu thụ động, theo nhận định một chiều, mà ông luôn nêu vấn đề, lật ngược vấn đề để có cái mà tranh luận, vì có tranh luận đôi khi nảy lửa, mới sáng vấn đề, mới tìm thấy chân lý.
 
Trong giới nghiên cứu sân khấu và nghệ thuật dân tộc ở nước ta, Mịch Quang là người có nhiều phát hiện phát minh được đánh giá cao. Chính ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát huy danh nhân Đào Tấn. Trong khi người ta cố lãng quên Đào Tấn với lý do đây là một ông quan tổng đốc, một thượng thư của triều Nguyễn, một triều đình còn bị coi là phản động, thì từ những năm 1960 Mịch Quang đã không ngần ngại tôn vinh Đào Tấn trên cả hai phương diện chính trị, nghệ thuật, khẳng định Đào Tấn là một con người khổng lồ trong ngành tuồng nói riêng và sân khấu, văn học dân tộc nói chung. Sau này, Mịch Quang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Đào Tấn nên được coi là nhà “Đào Tấn học” hàng đầu.
 
Trong lúc trong giới nghiên cứu tuồng chưa tìm ra nhiều định nghĩa về nghệ thuật biểu diễn tuồng, thì Mịch Quang nêu ra lý thuyết “Tự sự kịch tính trữ tình” và “hiện thực tả ý”  từ cuối những năm 1960. Lúc đó tôi đang là nghiên cứu sinh ở Romania, phải gửi thư về nhờ ông giải thích và ông đã trả lời cho tôi bằng một bức thư dài với những lý giải sâu sắc giúp tôi hiểu thêm về đặc trưng nghệ thuật tuồng để trình bày với các nhà học thuật châu Âu. Sau đó, cuối những năm 1980, nhà nghiên cứu Mịch Quang lại nêu lên lý thuyết “Cấu trúc động mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam” đầy sức thuyết phục. Các giáo sư âm nhạc Mỹ: GS-TS Miller, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã đưa lý thuyết này của Mịch Quang thành một thư mục quan trọng của bộ môn dân tộc nhạc học để giảng dạy ở Trường Đại học Kent, bang Ohio và nhiều trường Đại học khác ở Mỹ. Lý thuyết này của Mịch Quang cũng được GSTS Trần Văn Khê rất tâm đắc giới thiệu tại nhiều diễn dàn dân tộc nhạc học thế giới như một chìa khóa để tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam và phương Đông.
 
Từ năm 1963, Mịch Quang đã cho công bố công trình “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” với nhiều phát kiến giá trị, Đến năm 1987, ông hoàn thành tiếp công trình “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” đi sâu vào phân tích những đặc trưng nghệ thuật tuồng về mặt hình thức. Công trình này được giới nghiên cứu sân khấu đánh giá rất cao. Cả hai công trình này dù đã tái bản vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của những ngưòi làm tuồng và hâm mộ tuồng. Năm 1995, ông cho xuất bản công trình “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”. Như Giáo sư Trần Bảng đánh giá, đây là công trình dũng cảm đi sâu vào một trong những trung tâm bão tố của ca kịch truyền thống dân tộc với sự uyên bác hiếm thấy và những lý giải khoa học chinh phục đáng kinh ngạc. Đầu năm 2000, ông cho xuất bản công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”. Đây là một bước đột phá nhiều ý nghĩa của Mịch Quang khi ông là người đầu tiên tổng kết và phân tích rất thấu đáo cơ sở triết học hình thành nên những đặc tính thẩm mỹ độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đến công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, Mịch Quang lại bước đầu nêu ra những phạm trù riêng biệt, độc đáo của Mỹ học truyền thống dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, cái nhu”.
 
Ngoài 5 công trình nghiên cứu quan trọng, Mịch Quang còn có hàng trăm tiểu luận giá trị khác đăng trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước từ những năm 1960 đến đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21
 
Với những thành tựu trên, có thể nói, Mịch Quang là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền móng của sân khấu học, nghệ thuật học, mỹ học dân tộc bằng các công trình khoa học đầy sáng tạo của mình.
 
Cho đến nay, nhiều phát hiện và tổng kết về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã đi vào đời sóng nghệ thuật dân tộc, trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc như “hiện thực tả ý”, phương pháp mô hình hoá”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch kính trữ tình”, “cấu trúc động mở”…, rất nhiều người đã sử dụng nó hàng chục năm nay mà không biết đó là chính là những luận điểm do Mịch Quang phát hiện tổng kết.
 
Mịch Quang không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu mà còn có nhiều sáng tác kịch bản thành công như “Má Tám’, “Hộp truyền đơn”, “Phất cờ nương tử”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Trần Hưng Đạo”, “Nõi lòng bà mẹ”... đặc biệt vở tuồng “Thanh gươm hát bội” của ông do tôi dàn dựng cho Nhà hất Tuồng Khánh Hòa đã được tặng huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 1990 và là vở tuồng có sức sống lâu bền trong công chúng miền Trung qua nhiều thập kỷ. Vở  “Vua Hùng kén rể” với chủ đề lựa chọn người thực tài, thiện tâm để giao trong trách, cũng là một sáng tác rất có giá trị, được rất nhiều đoàn Cải lương, Tuồng,`Múa rối cả nước dàn dựng những năm 1970, 1980. Kịch bản kịch thơ của sáng tác này từng được dàn dựng trên sân khấu truyền thanh của Đài Phát thanh Tiếng nói VN và được phát đi phát lại trong nhiều năm. Ngoài ra ông còn có một vở khác về Đào Tấn là “Giấc mộng hồ hoa” và “Bà mẹ làng Sen” viết về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông cũng là người thành công đầu tiên về đề tài hiện đại ở Nhà hát tuồng Việt Nam với vở tuồng “Má Tám”, mở lối cho nhà hát này tiếp tục thành công về đề tài hiện đại từ những những năm 60, 70 của thế kỷ 20 cho đến nay.
 
Mịch Quang có được những thành công trên cả hai lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác, ngoài năng khiếu bẩm sinh và môi trường nghệ thuật, còn nhờ tinh thần khiêm tốn học tập không ngừng. Dù đã được coi là bậc thầy, là “lão tướng”, được các tên tuổi như GS-TS Trần Văn Khê, GS Trần Bảng, GS Hoàng Châu Ký, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, GSVS Hồ Sĩ Vịnh, PGS Tất Thắng... kính nể, suy tôn, nhưng Mịch Quang vẫn kiên trì học tập trên sách báo, học ngay ở các cuộc toạ đàm, hội thảo, thậm chí ông còn bày ra những cuộc tranh luận tay đôi, tay ba để mà học, mà làm rõ những vấn đề học thuật. Ông tự phong cho mình danh hiệu “lão học sinh” trong một bài thơ làm xúc động lòng người:
 
Tám mươi lăm tuổi tự ta phong
 
Hàm lão học sinh có được không
 
Học mãi học hoài còn thấy dốt
 
Viết rồi viết nữa vẫn chưa xong...
 
(Khai bút xuân Tân Tỵ)
 
100 năm, tròn một thế kỷ, Mịch Quang sống ngay thẳng giản dị, lấy chữ tâm làm trọng, không màng danh lợi, lặng lẽ, bền bĩ làm việc một cách kiên định theo lời dạy của Bác Hồ trong một dịp Bác vào thăm khu Văn công Mai Dịch và trò chuyện với các nhà nghiên cứu sân khấu dân tộc: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm, các cháu rán nghiên cứu. Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buột khiến ta không thấy hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”.
 
Thời gian đã giúp chúng ta đánh giá đúng hơn tầm vóc của nhà nghiên cứu, soan giả Mịch Quang. Theo chúng tôi, Mịch Quang là một trong những người học trò trung thành và xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nghệ thuật dân tộc. Chính việc kiên trì theo đuổi học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt hơn 60 năm qua, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, đã đạt được những thành tựu sáng tạo đáng tự hào, góp phần quan trọng xây dựng nền móng vững chắc của nghệ thuật học dân tộc, trở thành một lão tướng uy phong và rất được yêu mến, tin cậy, một cây đại thụ toả bóng xanh mát trên con đường trường chinh bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc của nhiều thế hệ người Việt Nam. Ông rất xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng nghiệp dành cho ông: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2016…
 
Nhân dịp ông đại thọ 100 tuổi và vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm NCBT và PHVHDT, nơi Mịch Quang là thành viên sáng lập, tổ chức hội thảo khoa học về ông. Chỉ sau một thời gian ngắn thông báo, đã có 24 bàn tham luận rất tâm huyết công phu gửi tới Ban Tổ chức hội thảo. Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin cám ơn tấm lòng của tất cả quý vị đối với nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Vì tình hình sức khỏe không tốt, Mịch Quang không thể có mặt tại Hội thảo với chúng ta hôm nay nhưng tôi tin rằng với các tham luận này, hội thảo chúng ta vừa tôn vinh xứng đáng cuộc đời và sự nghiệp của nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang, vừa tìm được những bài học thiết thực, quý báu cho sự nghiệp xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hôm nay.
 
Nhân hội thảo “100 năm nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang” tôi xin kính tặng ông vài vần thơ nôm na sau:
 
Chúc mừng lão tướng Mịch Quang
 
Một trăm tuổi thọ trong làng văn nhân
 
Được trao giải thưởng Hồ Chí Minh
 
Vinh dự bậc nhất nước mình hiếm ai
 
Ông thật là một người tài
 
Đắm say ngọn bút miệt mài trang văn
 
Gieo hạt vàng vào trong dân
 
Đất nhà chẳng thiết, lợi danh chẳng màng
 
          “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
 
Gian nan là nợ anh hùng phải vay”
 
Câu tuồng ý nghĩa thật hay
 
Thể hiện tâm huyết tháng ngày vượt qua
 
Tên ông như một bài ca
 
Mịch Quang rực sáng trong gia đình tuồng
 
Học cụ Đào chí quật cường
 
Mài gươm Hát bội chém phường gian manh
 
Theo lời dạy Hồ Chí Minh
 
Không để văn hóa nước mình nhạt phai
 
“Lo phai gốc Việt bao dàn nhạc
 
Lo đậm màu Âu những khúc ca”
 
Mong ông sống mãi bên ta…
 
Hà Nội, 27/1/2018
GS Hoàng Chương

Bạn đang đọc bài viết "100 năm Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.