“Yao” tiếng thơ của người Dao chân chất đôn hậu

06/12/2021 13:01

Theo dõi trên

Nhà thơ Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Yên Bái, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chàng trai Dao ấy lớn lên “giấu tuổi thơ trong ngực núi, bú mớm mỗi ngày để được đi xa”, bao kí ức làng quê cứ chảy trong huyết quản của đôi chân phạt lối... Yao là tập thơ thứ ba của anh sau người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô San (Tập thơ, 2013) và Bình nguyên đỏ (Trường ca, 2016).

yao-1638711594.jpg
“Yao” tiếng thơ của người Dao chân chất đôn hậu

Yao là tiếng thơ của người Dao chân chất đôn hậu. Đọc Yao chúng ta thấy dáng dấp một đời sống văn hoá bản địa, mộc mạc và lạ lẫm đầy cuốn hút:

”...Người Dao mình

Ăn xôi ngủ sắc

Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà

Trai thì cấp sắc

Cho bảng văn dài mấy mét thêu áo người

Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay

Ăn trăm năm bồ hóng trên vách...”  (Người Dao)

Đọc Yao để thấy đời sống khốn khó giàu ý chí của một tộc người ở miền hoang vu sơn cước giữa núi non ngàn mây:

“... Những phận người núi thẳm rừng thiêng

Học cách của loài kiến để bò lên dốc

Ba nhà thôi thành bản thành làng...”  (Ngày tôi lớn lên)

Đọc Yao không thấy những ngợi ca hay tô điểm quá khứ, mà thấy sự thật thà chất phát đượm hồn núi non thôn bản với máng nước, bếp lửa, tiếng chuột rúc, thầy mo, ma rừng, củ ấu... mà thấy tình cảm nồng nàn của “thóc mầm đang ngủ” và “bông áo đỏ dồn dịp đường thôn”:

“... Gọi chúng ta vào trú ẩn

Gọi chúng ta vào đêm loang

Môi ngọt câu Páo dung

Người miên viễn vỗ vai nhau mà hát...” (Miên viễn)

Đọc Yao để tò mò về những góc khuất nội tâm đầy ắp, mang cá tính của một chàng trai của núi rừng luôn đau đáu về nguồn cội tổ tông với những kí ức cứ bùng lên như lửa:

“... Chúng ta ngàn năm mặc áo mỏng

Mơ giấc mơ của Tổ tiên

Thức giấc của muôn thú” (Thượng cổ)

....

“Trời Lĩnh Nam ngàn năm mây gọi

Những căn nhà nắng đỏ

Hun vàng dấu mây trôi...” (Mạch rồng)

Giọng thơ Lý Hữu Lương tách riêng ra khỏi dòng thơ trẻ hiện nay và cất tiếng nói mộc mạc của dân tộc mình, không pha trộn hoà lẫn. Anh không viết những câu thơ có độ dài lung bung đầy nhịp điệu, không dùng những ngôn từ theo cách thông dụng trong văn chương hiện đại miền xuôi, không mang cái tứ thâm sâu khó hiểu của mưa nắng chuyện đời... Có phải đó là tính cách người Dao? Mỗi bài thơ đều có giọng thơ như kể chuyện, đôi khi ngây thơ như kiểu nói của người miền núi:

”... Lên núi Bàn Mai mùa này

Những trai gái buồn hơn đêm đen

Sáo cũng ngủ rồi

Páo dung cũng ngủ rồi

Không ai gọi ai thưa nữa đâu...” (Lên Bàn Mai mùa này)

Cảm xúc thẩm mỹ không dễ dàng tạo ra bằng cố tình tô vẽ, qua lớp màu của ngôn từ không che được “cái phô” thường gặp... và Lý Hữu Lương có đủ bản lĩnh để không bị cuốn vào dòng chảy như vậy. Những câu thơ như nói mà vẫn rất thơ và đầy tính gợi, lặng lẽ như những con thuyền trôi xuôi vào cảm thức người đọc:

“... Mẹ lội ra đồng

Châu chấu đá vào tay

Mẹ và châu chấu gom miếng ăn trong lồng ngực

Lúa mẩy và căng...” (Chim di trú cuối cùng)

Vậy đó, Yao như một bức tranh thuỷ mặc, mang cái hồn xưa hồn nay của một tộc người:

NGƯỜI DAO

Người Dao mình

Ăn xôi ngũ sắc

Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà

Trai lớn thì cấp sắc

Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người

Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay

Ăn trăm năm bồ hóng trên vách

Người Dao mình

Không biết giận cái nhỏ

Không tham nghĩ cái lớn

Thương sức mình núi chật

Mà nghĩa tình thủy chung

Người Dao mình

Bằng đầu gối bò trên đá

Bằng cái đầu đi trên núi

Người Dao không biết đường

Mài cho sắc rựa rìu mở lối

Mấy trăm năm

Người Dao mình

Những hồn đựng quả bầu khô trên vai

Lầm lũi dáng người

Trôi trôi như lá vàng mái nóc…

(LHL)

TÔI VIẾT CHO DÂN TỘC TÔI

Tôi viết cho dân tộc tôi

Cho những phận người cỏ dại

Cho những “kìm miền”

Chao cõi ngày buồn như mặt đá

Ngủ trăm năm trên núi không người

Tôi tìm một dấu chân

Tôi thấy một vòng hoa

Tôi tìm một dấu chân

Tôi thấy một thiên di

Đêm hiền từ như dòng nước mắt?

Tóc xanh vàng bằng mái cọ

Lễ cấp sắc cứ gọi đêm sâu

Tổ tiên ở đâu? Đêm đầu núi

Thở để mây trôi

Cười để buồn đi hết

Tên ta trong bụi lau

Hồn ta nơi vạt nứa

Cố hương chỗ ta nằm

Dân tộc tôi đi

Trên những con đường rừng

Có màu lá

Màu mây

Màu nước mắt

Và máu

Tôi viết cho dân tộc tôi

Không ngợi ca những dáng váy

Tôi thương những lưng cong

Người luồn rừng đều cong cong

Tôi viết cho dân tộc tôi

Con cháu Bàn Hồ, dao quắm và đùm muối

Giắt trên mái lá

Đã vàng bao truyền thuyết

Thần linh ngụ trong tim và đôi chân

Thần linh đi bốn phương tám đất

Trong bao hồn bơ vơ…

Tôi viết cho dân tộc tôi

Những người nhóm lửa ngoài kia

Còn những đôi mắt sáng trên làn da sạm

Trong bao hồn bơ vơ…

Lê Hào
Bạn đang đọc bài viết "“Yao” tiếng thơ của người Dao chân chất đôn hậu" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.