Xì - căng - đan game show đều có kịch bản

17/05/2017 09:25

Theo dõi trên

Gây bức xúc trong dư luận nhưng không làm tổn hại đến chương trình là cách tốt nhất để câu người xem mà các nhà sản xuất game show luôn áp dụng.

Từ khóa "Hương Giang Idol" và "Trung Dân" trở thành tiêu điểm trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, trang tin và mạng xã hội suốt mấy ngày qua. Câu chuyện Hương Giang Idol bất kính với nghệ sĩ Trung Dân ở trường quay game show "Siêu sao đoán chữ" (Công ty Đông Tây Promotion sản xuất) chưa lên sóng truyền hình nhưng đủ sức làm nóng các diễn đàn, từ người trong giới đến người ngoài giới có dịp bày tỏ ý kiến với đủ cung bậc cảm xúc; thậm chí lên án, răn dạy đạo đức... Thế nhưng, trong các câu chuyện gây xì-căng-đan lâu nay đều có kịch bản.

Có nhiều điều để nghi ngờ

Bình tĩnh để nhìn nhận sự việc, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra câu chuyện Trung Dân - Hương Giang Idol có nhiều điều để nghi ngờ về ý đồ sắp đặt của nhà sản xuất game show, ê-kíp thực hiện. Thực hư câu chuyện Hương Giang Idol "hỗn hào" với nghệ sĩ Trung Dân như thế nào chỉ có những người có mặt trong buổi ghi hình tại phim trường mới biết nhưng truyền thông đổ xô nhau khai thác làm ầm lên khi nhìn thấy một dòng trạng thái cảm xúc của một ai đó không tên viết trên mạng xã hội Facebook kể lại sự việc. Như chạm đúng nỗi niềm của mình, nghệ sĩ Trung Dân cứ thế kể lại câu chuyện hậu trường này cho các báo bằng tâm trạng và lời lẽ hết sức bức xúc. Chuyện người trẻ hỗn láo với người lớn là khó chấp nhận, nhất là với người của công chúng thì lại càng không. Dư luận báo chí và công chúng vì vậy cứ đẩy sự việc đi quá xa, đến nỗi người trong cuộc mất khả năng kiểm soát. Cả Hương Giang Idol và Trung Dân đều ít nhiều bị tổn thương, nhất là nghệ sĩ Trung Dân, có người ủng hộ anh nhưng có người cho rằng một nghệ sĩ như anh không nên tham gia vào những game show mà đã biết chắc là ẩn chứa nhiều "rác rưởi" trong đó để rồi phải chịu tổn thương về danh dự, tinh thần.




Nghệ sĩ Trung Dân vai cận thần Komu, một vị trí chẳng xứng với tài nghệ của anh trong game show “Đại náo thành Takeshi” (Ảnh do chương trình cung cấp).

Truyền thông tiếp tay, công chúng ở thế bị động tiếp nhận thông tin một chiều nên dư luận dễ bị dẫn dắt một cách tinh vi. Đến nay, nghệ sĩ Trung Dân cũng đã giải tỏa được bức xức, ấm ức trong lòng. Hương Giang Idol sau nhiều ngày trì hoãn cũng thực hiện livestream trên trang cá nhân, giải thích sự việc và công khai xin lỗi chân thành nghệ sĩ Trung Dân bằng cả "danh dự và mạng sống" của mình, rằng vì lúc ấy quá mệt, cô không nghe rõ câu hỏi nên mới đưa ra câu trả lời như thế. Chuyện tới đó là hết, chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Đơn vị sản xuất cũng không can dự gì vì đó là câu chuyện hậu trường không lên sóng. Chỉ thấy cái tên game show là đang nổi như cồn.

Không phải ngẫu nhiên

Từ ngày lên sóng (3-4, trên kênh HTV7) đến nay, game show "Siêu sao đoán chữ" gần như chìm trong vô số game show đang phát sóng. Ai đã âm mưu tung câu chuyện này ra làm mồi trên Facebook cho truyền thông trong khi đây chỉ là một diễn biến ở trường quay mà thường ở trường quay thì các game show truyền hình có vô số tình huống tồi tệ hơn nhưng luôn được các nhà sản xuất che đậy khá kỹ, ngoại trừ những gì họ muốn tung ra công luận nhằm ý đồ PR.

Không phải ngẫu nhiên mà ca sĩ Hương Giang Idol nói Trung Dân "đút đầu vô cầu tiêu" khi được người dẫn chương trình đặt câu hỏi: "Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem nó hoạt động như thế nào. Có lần, ông ấy đút đầu vào… (ba chấm) và bị thương. Người chơi phải điền vào dấu ba chấm đó, xem ông ấy đút đầu vô máy gì".

Qua nhiều chương trình truyền hình thực tế từng tham gia, không khó để thấy Hương Giang Idol thông minh. Cô hay bông đùa nhưng đủ khôn ngoan để không đưa ra đáp án ngoài sức tưởng tượng như thế nếu không phải là tuân theo kịch bản trong khi những người chơi khác đưa ra nhiều đáp án như đút đầu vô lò nướng, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng...?

Thực tế, game show "Siêu sao đoán chữ" có ngân hàng câu hỏi sử dụng trong chương trình gây sốc đến mức khó tin. Trong tập có sự tham gia của 2 diễn viên hài Thanh Vân và Anh Tú, câu hỏi đưa ra là: "Một tên cướp nhà băng lạ lùng nhất thế giới. Thay vì trùm vớ lên đầu thì hắn ta lại trùm... lên đầu". Các nghệ sĩ đều đưa ra đáp án khác nhau, tuy nhiên Tiết Cương lại ghi là "cái lờ". Cát Tường sau đó phải giải thích rằng đó là cái dùng để bắt tôm, bắt cá. Ở một tập khác, câu hỏi là "Đám trẻ dùng... như một tấm bia để phóng phi tiêu" thì nhạc sĩ Châu Đăng Khoa lẫn nghệ sĩ Cát Tường đều trả lời là... "cái mông"....

Game show thì phải thế

Người trong giới bình luận rằng : "Anh Trung Dân tham gia game show làm gì cho bọn nhỏ đùa cợt". Ông là diễn viên xuất sắc, là bậc đàn anh mang tính biểu tượng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo. Vậy nên, khi xảy ra sự việc, mọi người thấy tiếc cho ông.

Đúng như Hương Giang Idol nói "game show là vậy" nên dù có là nghệ sĩ Trung Dân hay bất kỳ ai khi tham gia cũng phải tuân thủ việc trở thành "nhân tố" tạo rating cao cho chương trình. Tham gia ghi hình nhiều tập cho chương trình, bản thân Hương Giang Idol hiểu cô phải "nhập vai" thế nào để thu hút người xem, ít nhất thỏa mãn nhà sản xuất. Điều khác biệt của "Siêu sao đoán chữ" là sử dụng luôn tên của các nghệ sĩ vào trong các câu hỏi của chương trình. Đối với các nghệ sĩ trẻ thì thoải mái, không sao nhưng với những bậc lão làng như nghệ sĩ Trung Dân, việc đưa tên mình vào câu hỏi đã là một điều không nên rồi, đằng này lại còn bị ghép vô một đáp án nghe là tức ói máu như của Hương Giang Idol thì việc nghệ sĩ bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

Còn nhớ chương trình "Bài hát yêu thích", đạo diễn Lê Hoàng được mời vào hội đồng bình luận cho nhà báo Trác Thúy Miêu "chặt, chém" tạo dư luận nhằm thu hút truyền thông và người xem. Gây bức xúc trong dư luận nhưng không làm tổn hại đến chương trình là cách tốt nhất để câu người xem mà các nhà sản xuất game show luôn áp dụng.

Nhiều nghệ sĩ "cạch" game show

Trong một lần giao lưu với khán giả, nghệ sĩ Hữu Châu cho biết anh không tham gia game show trên truyền hình vì nếu làm giám khảo, anh phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. "Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài, tôi làm sao dám dạy ai nữa" - nghệ sĩ Hữu Châu nói. Anh bảo rằng người chơi game show không diễn mà giỡn mặt với khán giả truyền hình. Đây hoàn toàn là sự thật khi không chỉ nghệ sĩ Hữu Châu mà phần lớn những người làm nghề đều thừa nhận, mọi thứ trong game show thường được viết sẵn và nếu ai chịu thỏa hiệp, người đó sẽ được nhà sản xuất chọn. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều nghệ sĩ danh tiếng sau một lần làm giám khảo hay tham gia game show, họ đều có lời thề không tham gia thêm một lần nào nữa bởi những điều trái khoáy mà họ từng trải nghiệm. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói: "Các game show, chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều có sẵn kịch bản. Nếu nhà sản xuất có thể viết lên được câu chuyện cảm động của thí sinh để thu hút công chúng thì việc viết lên kịch bản xì-căng-đan chẳng có gì là khó. Nếu ai đồng tình với kịch bản ấy thì tham gia còn không thì thôi. Tôi không thích mình bị sai khiến với những điều sai trái đó nên tôi đã rút khỏi cuộc chơi ấy".


Thùy Trang

Nguồn: nld.com.vn
Bạn đang đọc bài viết "Xì - căng - đan game show đều có kịch bản " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.