Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ VH-TT-DL, cùng 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.
Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, năm 2024, toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy - Chuyên nghiệp - Tinh thông - Hiện đại - Đoàn kết - Kỷ cương - Tăng tốc về đích”. Các lĩnh vực VH-TT-DL đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.
Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” bước đầu kiến tạo không gian phát triển. Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035… Hoàn thiện thể chế pháp luật về di sản văn hóa có chuyển biến rõ rệt, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ, khó khăn vướng mắc và hướng tới chuyển hóa tài sản văn hóa thành nguồn lực phát triển, nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.
Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
TPHCM phát triển công nghiệp văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhằm khẳng định thương hiệu các ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố.
Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các mô hình phát triển, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển. Thành phố đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất để xây dựng các phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu diễn, trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa...
Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố. Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với phát triển kinh tế của thành phố (GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%, hiện tại mức tăng trưởng đã vượt lên con số trên 5%).
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Thành phố đang xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh vào đầu năm sau. Việc phấn đấu gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mang đến cho TPHCM nhiều lợi thế vượt trội, giúp nâng cao vị thế của Thành phố trên trường quốc tế và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM cần tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư các phim trường, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa...
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố; nghiên cứu cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù của TPHCM nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa...
Ngành phải bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn ngành VH-TT-DL trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, cần phải nỗ lực đạt kết quả cao hơn mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tăng trưởng GDP khoảng 8%, các bộ, ngành, địa phương đều phải theo tinh thần này, trong đó có ngành VH-TT-DL.
Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mà trước hết là tạo đột phá về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VH-TT-DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm;
Huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu; tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH-TT-DL.
“Phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc; phát triển ngành thể thao để nâng cao thể lực, sức khỏe người dân, trong đó phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, nhưng thể thao thành tích cao phải theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá, là ngành mũi nhọn, gắn với văn hóa, thể dục thể thao... Ngành phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị.