Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang bản sắc riêng ở thành phố mang tên Bác

08/06/2023 07:53

Theo dõi trên

Hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ và giải pháp” diễn ra ngày 6/6, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức.

vna-236346747-1686185602.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm xác định rõ nội dung trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, góp phần xây dựng không gian được toàn diện, sâu sắc.

Tại Hội thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Theo bà Phạm Phương Thảo, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố có những kết quả đáng ghi nhận nhưng các công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác. Vì vậy, thời gian tới, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài, tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Về giải pháp, bà Phạm Phương Thảo cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thành quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh (nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Hồ Chí Minh; xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; Bến Nhà Rồng; địa chỉ số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 là Di tích lịch sử quốc gia - nơi ở của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước…).

Thành phố cần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học là không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, khu vực, có sự độc đáo, đặc sắc riêng so với các địa phương khác bởi nếu rập khuôn, máy móc, đi theo một lối mòn sẽ dẫn đến sự nhàm chán.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân cho rằng, ngoài xây dựng các thiết chế văn hóa mới, Thành phố cần chú trọng đến thiết chế văn hóa truyền thống. Bên cạnh di tích Bác đã từng đến, cần lưu ý các di sản ở đô thị thành phố, chính những di sản này làm nên đặc trưng văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, có khái niệm mới, nội hàm rộng, vì vậy cần lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa... từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, từ tư tưởng đến thống nhất trong hành động. Từ đó, phát động toàn dân tích cực tham gia nhiệm vụ ở từng địa phương, đơn vị, từng bước hoàn thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Thành phố tập trung bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thiết chế văn hóa gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố...

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang bản sắc riêng ở thành phố mang tên Bác" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.