Xã văn hóa và xã nông thôn mới Thạnh An

13/09/2016 14:38

Theo dõi trên

Thạnh An là 1 trong 3 xã của huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thuộc vùng phía Bắc sông Cái Sắn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư xây dựng giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng cơ sở khá lớn.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học… cần nhiều kinh phí trong khi vốn đầu tư từ ngân sách chưa đáp ứng đủ... Với bộn bề những khó khăn, song, ngày 1-9, xã Thạnh An long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã văn hóa và xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (NTM). Đây là kết quả của quá trình Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh An chung sức, phấn đấu xây dựng trong suốt thời gian qua.

Chuyển biến mới...




Đường trục chính dẫn vào UBND xã Thạnh An.

Ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết: Đời sống của người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn, sức đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn có hạn. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân xem xây dựng NTM là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước nên chưa mạnh dạn cùng với chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí NTM… Bắt tay vào xây dựng NTM, xã Thạnh An chỉ đạt 6/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Tuy nhiên, "được sự quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của lãnh đạo TP Cần Thơ và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh đã tạo chuyển biến mới về chất trong thực hiện xây dựng xã văn hóa, xã NTM ở Thạnh An. Trong đó, đề án xây dựng NTM được xác lập, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại của địa phương, tạo ra bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ và nhân dân. Điều kiện về đất đai, khí hậu, hệ thống giao thông thủy lợi có nhiều thuận lợi, đặc biệt là nhân dân có truyền thống đoàn kết, hiếu học và cần cù lao động, sản xuất, biết tích lũy và làm giàu chính đáng…"- ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết.

Từ 2011 đến nay, xã Thạnh An huy động hơn 420,3 tỉ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn trung ương và vốn thành phố 215 tỉ đồng; vốn huyện 117 tỉ đồng; vốn xã 3,2 tỉ đồng và vốn dân đóng góp trên 85 tỉ đồng. Đường trục chính trên địa bàn xã đã được nhựa hóa đạt 100%, xe ôtô đến được trung tâm xã; đường trục ấp được cứng hóa và xây dựng đường bê tông liên ấp đạt 98,6%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín đảm bảo 100% cho các vùng sản xuất nông nghiệp, phục vụ tốt việc tưới tiêu cho sản xuất lúa 3 vụ/năm và vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa đường thủy. Thạnh An cũng xây dựng được 5 cánh đồng lớn tại ấp E1, F1, F2, G2, H2 với tổng diện tích 1.556,5 ha; thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm năm 2015 được 881 hộ, đầu năm 2016 được 934 hộ. Thời gian qua, nhờ thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tăng vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân (hiện thu nhập bình quân đầu người là 34,5 triệu đồng/người/năm). Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trong xã là 6,18% và hộ cận nghèo chiếm 2,9% thì đến nay các tỷ lệ này đều giảm và còn ở mức 4,12% và 1,7%.

Tạo đà cho phát triển

Tiền thân là tổ liên kết bơm nước với 8 thành viên của ấp H2, ngày 24-4-2016, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình chính thức ra mắt với 20 xã viên. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX, cho biết: Tổ hợp tác thành lập vào năm 2011, phục vụ nhu cầu bơm, rút nước cho diện tích trồng lúa vụ 3. Sau gần 5 năm hoạt động, nhờ làm ăn có hiệu quả nên nhiều nông dân ủng hộ tổ hợp tác tiến tới thành lập HTX. Hiện nay, ngoài tổng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, trạm bơm điện, trị giá hơn 4 tỉ đồng, HTX cũng có hơn 2 tỉ đồng để kinh doanh thức ăn chăn nuôi. "Vào tổ hợp tác, hình thành và sản xuất trong cánh đồng lớn; đặc biệt từ khi xã Thạnh An bắt đầu xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn dần thay đổi. Đường sá khang trang, sản xuất không chịu cảnh bấp bênh, thương lái ép giá như trước… nên người dân chúng tôi rất phấn khởi. Đây chắc chắn sẽ là khởi điểm tốt để người dân chúng tôi phát triển và ổn định cuộc sống"- ông Nguyễn Cao Khải nói.

Ngày 1-9, xã Thạnh An đón nhận danh hiệu "xã văn hóa" và "xã đạt chuẩn quốc gia về NTM". Đây là kết quả của những nỗ lực và chung sức, chung lòng của hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Bài học kinh nghiệm của quá trình xây dựng xã văn hóa, NTM, theo ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, chia sẻ: Phải nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân và điều kiện cụ thể của địa phương, tạo mối quan hệ hữu cơ gắn bó "ý Đảng - lòng dân" với ý thức trách nhiệm cao. Xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị, công tác trọng tâm, thường xuyên, đột xuất và tìm ra khâu đột phá. Quá trình xây dựng đề án, kế hoạch phải biết gắn trước mắt với lâu dài, xem đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở phải luôn coi trọng công tác kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân điển hình…", ông Lê Văn Sỹ chia sẻ.

Xác định đạt danh hiệu xã văn hóa và xã NTM chưa là đích đến cuối cùng, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể xã Thạnh An tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 và những năm tiếp theo. Theo ông Lê Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Thạnh An: Xã tiếp tục tăng cường và phát huy tốt hơn nữa tinh thần đoàn kết, quyết tâm trong hệ thống chính trị, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng trong nội bộ và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM nhằm phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của người dân trong tự giác, tự nguyện, tự quản. Song song đó, xã thường xuyên rà soát các thiết chế văn hóa, các tiêu chí NTM đạt chưa cao, chưa bền vững... để ngày càng hoàn thiện và tiến tới đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn Văn hóa NTM.

(Theo Báo Cần Thơ)

HÀ TRIỀU
Bạn đang đọc bài viết "Xã văn hóa và xã nông thôn mới Thạnh An" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.