Xã Quảng Tiên: Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới

11/08/2014 14:46

Theo dõi trên

Là xã được chọn làm điểm trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 3 năm thực hiện, đến nay xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. Thời gian qua Quảng Tiên luôn được đánh giá cao về phong trào, tính đột phá mũi nhọn, ý thức đồng thuận cao của cán bộ và nhân dân.

Tuy kết quả thực hiện các tiêu chí của xã đạt ở mức trung bình so với 8 xã được chọn làm điểm. Để tìm hiểu về những kết quả đạt được, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm, phóng viên phuongnam.net.vn đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Đức Luấn - Chủ tịch UBND xã.

PV: Ông có thể cho biết vài nét cơ bản về những kết quả đạt được trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới của xã sau 3 năm thực hiện?

- Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, ngoài việc thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Đảng bộ xã đã đề ra Nghị quyết chuyên đề số 05/NQ - BCH ngày 26/09/2011 về đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Từ đó, cấp ủy Đảng, chi bộ cơ sở và đảng viên có ý thức gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, xã đã thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới...

Sau 3 năm thực hiện, ngoài việc đã hoàn thành 13/19 tiêu chí, cái được lớn hơn đó là việc đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ý thức được vai trò nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nông thôn mới và tích cực tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn xã có nhiều khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được nâng lên rõ rệt. 

Trong 3 năm đã làm được 2,67 km đường cấp phối, 3,5 km đường bê tông, 1,3 km mương bê tông. Xã cũng hoàn thành một số công trình khác như hội trường, phòng làm việc 2 tầng của xã, khuôn viên và cổng chào phục vụ tuyên truyền, trường học 2 tầng mầm non, chợ, trường Him Lam. Tổng trị giá 337 tỷ đồng. 

Là xã thuần nông, xã xác định ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà xã đã phát triển vùng sản xuất giống, phát triển rau màu. Đến nay, các loại rau cao cấp đã phát triển khá rộng trên địa bàn xã, xuất hiện một số mô hình chăn nuôi: bò lai sin, 5 mô hình nuôi gà tập trung, 4 mô hình bò gia trại, 6 mô hình kinh tế vườn đồi. Từng bước, xã đã thu hút cơ giới vào sản xuất phục vụ khâu vận chuyển, thu hoạch và làm đất, nhiều mô hình mộc áp dụng công nghệ sản xuất cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến thời điểm này giảm xuống còn 9,8%, thu nhập 14 triệu/người/năm.

PV: Để đạt được những kết quả đó, theo ông nguyên nhân quan trọng nhất là gì?

- Có nhiều nguyên nhân để xã đạt được kết quả trên. Trước hết là sự quan tâm của các cấp các ngành, đầu tư vốn, kỹ thuật chỉ đạo xã tận tình. Sau đó, là sự nỗ lực, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân xã. Đội ngũ lãnh đạo xã, ban chỉ đạo chương trình không quản ngại khó khăn, năng động tìm ra hướng đi phù hợp cho xã. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành của xã, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân. Đây chính là mẫu chốt, là điểm đột phá của xã khi xây dựng nông thôn mới. 

Xã xác định “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” mọi việc đều phải lấy dân làm gốc. Do đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ xã đến khu dân cư, làm cho bà con hiểu về lợi ích, về quyền và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, mọi chủ trương đều được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ. Như phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được đưa về các khu dân cư, nhân dân được thảo luận, quyết định về mức vận động đóng góp mỗi khẩu về cách vận động, đối tượng vận động, về phương thức thi công... Từ đó, người dân hiểu được vai trò, vị trí của mình và tích cực tham gia. Người dân tham gia vào mọi khâu, từ góp ý kiến quy hoạch, lên kế hoạch, đến thực hiện. Trong làm đường giao thông, làm các công trình người dân không ngần ngại góp ngày công, hiến đất, hiến tài sản. 

Trong 3 năm dân đã hiến 15.659m2 đất, và hiến tài sản ước tính 1,5 tỷ đồng trong đó hàng rào kiên cố 365m, hàng rào tạm 4780m, cây cối hoa màu, công trình phụ... Có nhiều gia đình tiêu biểu như gia đình ông Tiếp, ông Hoàng Việt ở Trường Thọ, ông Bảo, ông Đức, ông Thoàn, ông Sỹ, ông Châu, ông Hạnh, bà Xuân ở Long Trung, ông Quả, ông Hoài, chị Mai ở Tiên Phan và nhiều hộ gia đình khác.

Với sự thống nhất, đoàn kết cao, các hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi tổ chức đoàn thể đảm nhận một phần việc. Trên cơ sở nghị quyết chung, cấp ủy ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị. UBND xã xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết, đề xuất các giải pháp để thực hiện. MTTQ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động thành viên trong khối mặt trận và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới thông qua việc phát động các phong trào thi đua yêu nước; Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên tích tụ ruộng đất; làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa; Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên, thanh niên có nhiều việc làm tích cực; Hội LHPN ngoài việc tuyên truyền, hội đảm nhận thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường; Hội Cựu chiến binh được cấp ủy phân công vận động hội viên đảm nhận vai trò xung phong gương mẫu; Hội Người Cao tuổi có nhiệm vụ vận động con cháu chung tay xây dựng nông thôn mới.

PV: Xã đã có những cách làm cụ thể như thế nào thưa ông?

- Để có được bộ mặt nông thôn khang trang, quy cũ từ đường giao thông đến các công trình phúc lợi, chỉnh trang khu dân cư, đồng ruộng… thì quy hoạch là công việc hết sức quan trọng. Trên cơ sở thực tế, Ban chỉ đạo NTM của xã phối hợp với cơ quan tư vấn đã xây dựng quy hoạch tổng thể. Công tác quy hoạch ở Quảng Tiên được bàn bạc dân chủ, công khai đến tận người dân, đồng thời, tiếp thu góp ý xây dựng của các đoàn thể và nhân dân. Đồng thời xã xác định xây dựng nông thôn mới nhà nước và nhân dân cùng làm, xã quyết tâm huy động nội lực, tự lực cánh sinh chứ không ỉ lại trông chờ một mình vào nhà nước. Từ tinh thần đó, xã cố gắng huy động sức dân, huy động các nguồn khác để xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó xã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia một cách triệt để, phát huy dân chủ, tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát kiểm tra thực hiệm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cần có một lộ trình khoa học và hợp lý, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ.

PV: Mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng rõ ràng đối với xã Quảng Tiên vẫn còn nhiều việc phải làm trong xây dựng nông thôn mới. Vậy xin ông cho biết  một số nội dung, nhiệm vụ trong thời gian tới?

- Trong thời gian tới xã quyết tâm hoàn thành các tiêu chí còn lại theo đúng lộ trình kế hoạch. Muốn vậy cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển sản xuất và một số nội dung khác liên quan. Để hoàn thành chương trình đúng thời hạn xã mong muốn cấp trên hỗ trợ kinh phí theo nguyên tắc cơ chế được nêu trong Quyết định 800/QĐ - TTg và Quyết định 695/QĐ - TTg cho các xã làm điểm trong đó có Quảng Tiên. Cùng với đó xã cũng mong muốn tiếp tục có các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt trong xã, thôn về xây dựng nông thôn mới.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Phan Hoàng (Thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết "Xã Quảng Tiên: Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.