Những năm qua, huyện đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. Đặc biệt tại xã Phúc Thành, nơi đóng chân của Đền Đức Hoàng thì công tác này thường xuyên được Đảng ủy, UBND và bà con quan tâm.
Với bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng, Phúc Thành đã có nhiều người con ra đi tìm đường cứu nước và thành danh qua các thời kỳ. Phát huy truyền thống đó chính quyền và nhân dân Phúc Thành đã không ngừng ra sức thi đua lao động sản xuất để đưa nền kinh tế ngày một phát triển và có thêm điều kiện tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó Đền Đức Hoàng (còn có tên chữ là Hoàng Long Tự) tọa lạc ở xóm Hồng Phong thôn Diệu Ốc.
Đền được lập ra để thờ ông Hoàng Tá Thôn một vị tướng đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII của dân tộc. Đây là công trình kiến trúc cổ có kiến trúc vôi vữa độc đáo, nằm ở một vị trí cảnh quan đẹp, địa thế độc đáo, quy mô đồ sộ, trang trí công phu và mang tính chất lịch sử. Đền có nghệ thuật kiến trúc cao, ngoài ra đây còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong xã và vùng lân cận nên hàng năm đã thu hút nhiều du khách thập phương và bà con trong huyện tới tham quan.
Ý thức được giá trị của hệ thống di tích lịch sử văn hóa mà địa phương đang sở hữu, thời gian qua, xã Phúc Thành đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý di tích xã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh chăm sóc, bảo vệ khu vực di tích tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tổ chức các đợt sinh hoạt ngoại khóa thăm quan tìm hiểu di tích, qua đó giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống yêu nước trong thế hệ trẻ.
Để giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa đền Đức Hoàng nói riêng, di sản văn hóa nói chung được lâu dài, đưa lễ hội truyền thống trở thành nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh và nề nếp với phương châm “gạn đục, khơi trong”, kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục hạn chế, tồn tại thì Đảng ủy, chính quyền, các cơ quan ban ngành đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa.
Nhìn chung lãnh đạo và nhân dân Phúc Thành đã làm tốt công tác trùng tu, bảo vệ di tích tạo nên một môi trường trong lành, bao quanh đền bởi rừng cây và hồ sen. Tuy nhiên để Đền Đức Hoàng thực sự trở thành địa chỉ đỏ trong đời sống sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong và ngoài huyện thì cần tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn huyện, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc tu bổ tôn tạo di tích và lễ hội ở địa phương. Gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để nhân dân vừa tham gia tổ chức lễ hội, vừa quản lý lễ hội. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thông tin - thể thao, các trò chơi, trò diễn phù hợp với đặc trưng của lễ hội.