Xã nghèo Châu Tiến vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội

04/01/2017 09:55

Theo dõi trên

Với đặc thù là xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, do đó, những năm qua cán bộ và nhân dân xã Châu Tiến (Quỳ Hợp, Nghệ An) luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Xã nghèo vươn lên phát triển kinh tế



Con đường xuống thị trấn Quỳ Hợp xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của địa phương - Ảnh: P.V


Chúng tôi về thăm xã Châu Tiến (Quỳ Hợp, Nghệ An) vào những ngày đầu xuân, trong bảng lảng sương mai, những ngôi nhà nhỏ dần hiện lên sau núi đồi bạt ngàn xanh tốt, những con đường ngoằn nghoèo đất đá dẫn chúng tôi về với trung tâm xã.

Mặc dù bận rộn với những công việc cuối năm nhưng Chủ tịch UBND xã, ông Hoàng Quang Tiệp đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Vừa ngồi xuống, ông liền vội vàng hỏi “các nhà báo đi lại có vất vả lắm không”. Câu hỏi ấy làm cho bản thân chúng tôi cảm thấy được tiếp thêm nghị lực sau chặng đường dài về với xã. Đi cùng với câu hỏi là cái thở dài thật mạnh, ông Tiệp trải lòng: “Xã Châu Tiến còn nhiều khó khăn lắm, đường sá đi lại khó khăn, địa bàn chủ yếu là đồi núi, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy nhiên, người dân ở đây được cái là siêng năng, cần cù, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng tình với những chủ trương mà xã triển khai”.

Ông Tiệp cho hay, trước những khó khăn đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà xã thực hiện là chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, mở các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến khích áp dụng khoa học vào sản xuất.

Theo đó, năm 2016, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn là 83.950.759 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2015. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 865,85 tấn, tăng 1% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,416 triệu đồng. Đây là con số khá “khiêm tốn” so với một số địa phương, nhưng với đặc thù là xã miền núi 135 thì để đạt được kết quả như thế này là điều đáng ghi nhận.

Với thế mạnh là xã nông nghiệp, thời gian qua địa phương đã tăng diện tích trồng cây lúa, ngô, khoai, sắn. Trong năm, tổng diện tích gieo trồng 225,84 ha, diện tích lúa nước là 138,84 ha. Kết hợp với trồng trọt là phát triển lĩnh vực chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Để kết quả không chỉ dừng lại ở đó, năm tới, địa phương sẽ thực hiện tốt các chương trình dự án trọng điểm, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7 – 8%. Tiếp tục chỉ đạo, vận động bà con nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, áp dụng các kỹ thuật, giống mới vào thâm canh tăng năng suất. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển chăn nuôi mô hình gia đình đảm bảo ATVSTP, chú trọng phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi. Phát triển trồng rừng kinh tế chất lượng và hiệu quả cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, nếu chỉ dựa vào nội lực thì rất khó thực hiện, vì vậy, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo”, ông Tiệp chia sẻ.

Càng nghèo càng phải đầu tư cho giáo dục




Những ngôi nhà tạm bợ của người dân Châu Tiến - Ảnh: P.V


Để vào trụ sở làm việc của xã chúng tôi có đi qua vài điểm trường, điều ngạc nhiên ở đây, những ngôi nhà mà người dân đang ở cũng chỉ là tạm bợ, đường sá mà bà con đi lại hàng ngày vẫn là con đường đất, thế nhưng, Trường học ở đây lại được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với dãy nhà 2 tầng.
 
Trao đổi với chúng tôi về công tác giáo dục, ông Tiệp hăng say nói về thành tích trong suốt một năm học vừa qua “năm học 2015 – 2016, toàn xã có 548 học sinh các cấp. Trong đó: Mầm non có 156 cháu; Trường tiểu học có 214 em; Trường THCS có 142 em; Trường THPT có 36 em. Hiện nay, Trường mầm non, Trường tiểu học đều đã đạt chuẩn. Chất lượng dạy và học của các trường ngày càng được nâng cao rõ rệt, không có hiện tượng học sinh bỏ học như trước đây.




Trường học được đầu tư xây dựng khang trang - Ảnh: P.V


Ông Tiệp khẳng định: “Càng nghèo càng phải đầu tư cho giáo dục. Tuy là xã 135 rất khó khăn trong phát triển kinh tế, song, xã vẫn luôn dành trọn tâm huyết cho công tác giáo dục. Chúng tôi luôn dành sự quan tâm, động viên thầy và trò các Trường trên địa bàn xã, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ các giáo viên trong công tác dạy học”.

Với những tồn tại từ khách quan và chủ quan ngăn cản bước đường phát triển sự nghiệp giáo dục của xã nghèo nơi đây, Châu Tiến vẫn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, những “tấm lòng vàng”... để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của các trường trên địa bàn nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đạt Chuẩn.

Thuận Yến

Bạn đang đọc bài viết "Xã nghèo Châu Tiến vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.