Xã Môn Sơn: Nỗ lực thoát nghèo!

03/02/2015 09:04

Theo dõi trên

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Môn Sơn đã không ngừng khắc phục khó khăn, luôn tự chủ, đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn để từng bước đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Môn Sơn phát triển nhanh, mạnh và bền vững…



Trụ sở làm việc của UBND xã - Ảnh: P.V

Xã Môn Sơn có 2.134 hộ, sinh sống tại 14 thôn bản, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92%. Địa hình phức tạp, giao thông khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; hoạt động giao thương, buôn bán vì thế cũng bị cản trở, hàng hóa nông sản sản xuất ra bị tư thương ép giá, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51.6%, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Để nâng cao thu nhập, Môn Sơn xác định phải đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Do có địa hình đồi núi, phân bố đồng đều, chất đất tốt nên bà con chú trọng mở rộng diện tích trồng cây lương thực, hoa màu. Cụ thể, lúa trồng đạt 581,4 ha, ngô trên 400 ha và gần 200 ha diện tích được trồng sắn, lạc, đậu và rau các loại. Đặc biệt ở Môn Sơn đã sản xuất cánh đồng mẫu lớn với 74 ha đạt năng suất cao 67 tạ/ha. Nhìn chung hoạt động trồng trọt trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng.

Phát triển chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh của xã, trong đó coi trâu, bò là con nuôi chủ lực với tổng đàn 4445 con (trong đó có 2951 con trâu, 1484 con bò), góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, công tác chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng được xã quan tâm chỉ đạo sát. Điều đáng ghi nhận ở xã vùng sâu này là bà con đã và đang phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại không những đem lại giá trị kinh tế cao mà con phát triển theo hướng bền vững, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu tại Bản Khe Ló, Nam Sơn, VRAC tại bản lãng Xiềng, Nam Sơn, Thái Hòa, vườn rau dinh dưỡng tại bản Cửa Rào…

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn, từ đó góp phần xóa nghèo bền vững bà con yên tâm bám bản để lao động sản xuất.

Đối với công tác giao thông thủy lợi, xã đã phối hợp với các ban ngành chỉ đạo bà con 14 bản tổ chức ra quân làm thủy lợi, tiến hành nạo vét kênh mương với tổng khối lượng 6.234 ngày công và 14.328m3. Cùng với phát quang hành lang an toàn giao thông. Đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và đi lại của bà con.
 


Dệt thổ cẩm - Ảnh: Internet

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, bà con dân tộc Môn Sơn đã biết tận dụng các tiềm năng trên địa bàn để phát triển ngành du lịch, quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương được nhiều du khách biết đến. Đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển các Công ty cổ phần xây dựng và HTX thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt trong năm 2014, xã đã phối hợp vớ Trung tâm khuyến nông mở được 15 lớp dạy nghề ngắn hạn thu hút 375 lượt người tham gia.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, đời sống xã hội của người dân cũng được xã chú trọng phát triển như thường xuyên duy trì và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, tổ chức các hội chợ để quảng bá các sản phẩm địa phương, cũng như để bà con giao lưu hàng hóa, kinh tế. Xã còn tổ chức tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, đối tượng chính sách và hộ nghèo nhân dịp các ngày lễ, tết; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đi học. 

Hiện nay Môn Sơn đã được đầu tư mạng lưới trường học tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập của các em trong độ tuổi đến trường. Vì vậy trong năm học qua trường đã có 4/6 trường đạt tiên tiến cấp tỉnh, 2 trường đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện và Trung tâm học tập cộng đồng xã đạt xuất sắc và xã đạt tiên tiến về giáo dục. Bằng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác, Môn Sơn đã tập trung xây dựng được nhiều công trình phúc lợi phục vụ đời sống, phát triển kinh tế của nhân dân.

Những thành quả mà Đảng bộ, nhân dân Môn Sơn đã đạt được trong năm 2014 xứng đáng được UBND tỉnh khen thưởng cho xã danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” trong năm. Tuy nhiên để kinh tế phát triển bền vững và bà con từng bước thoát nghèo thì Môn Sơn cần nhiều sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của cấp trên, nhất là đối với hai bản thuộc diện tái định cư là bản Tân Sơn và bản Cửa Rào để bà con yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã 

Bạn đang đọc bài viết "Xã Môn Sơn: Nỗ lực thoát nghèo!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.