Sau khi nhận được kế hoạch chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, chính quyền xã Cổ Đạm đã kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phối hợp với các hội, đoàn thể tiến hành rà soát và lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ban chỉ đạo đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo tháng, quý, năm. Cụ thể hóa các nội dung gắn với từng tiêu chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Xã tập trung làm công tác định hướng tư tưởng, tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức từ lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp dân thông qua xóm, chi bộ, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi...
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đến tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Khi nhận thức của nhân dân về cách thức thực hiện và nội dung ý nghĩa, mục đích của quá trình xây dựng nông thôn mới dần được nâng lên và đi vào nề nếp, xã chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước để cho nhân dân học tập, làm theo. Nhân dân đồng thuận và nhiệt tình tham gia vào chương trình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như góp tiền, hiến đất, hiến tài sản…
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình bộ mặt xã đã thay đổi trên mọi mặt. Sản xuất phát triển, thu nhập người dân được nâng lên. Xã đã chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao. Đến nay trên địa bàn có 2 HTX, 3 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó mà kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp giảm tỷ trọng còn 39%, CN – TTCN - XD tăng lên 11%, TMDC du lịch tăng lên 6,5%, các loại hình khác 43,5%. Thu nhập bình quân đầu người 20.2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 15,3%. 83% dân cư đã có nhà ở kiên cố, 93% lao động có việc làm thường xuyên.
Cùng với đó, thiết chế xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được củng cố lớn. Xã đã nhựa hóa được trục đường liên xã dài 0,35km, bê tông hóa được 9,332/12,24km đường trục thôn, liên thôn, bê tông hóa được 18,122/25,529km đường nội thôn, bê tông 1,65km đường nội đồng. Về thủy lợi đã kiên cố hóa được 8,447/19,329km tuyến kênh mương chính, 6,262/10,882km tuyến kênh mương nhánh. Hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật, 99% hộ dân sử dụng điện an toàn.
Văn hóa xã hội cũng có những chuyển biến tích cực, giáo dục, y tế đều được nâng cao về chất lượng. Xã đã phổ cập THCS, tỷ lệ tốt nghiệp THCS, bổ túc học nghề đạt 98%, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 72% dân số đóng thẻ bảo hiểm, 3/12 thôn đạt văn hóa, 81% gia đình đạt gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chiếm 95%, các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chí môi trường, đã thành lập được HTX môi trường tiến hành thu gom rác. Chính trị ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Trong thời gian tới xã chú trọng huy động các nguồn lực để làm đường giao thông nông thôn. 6 tháng đầu năm, toàn xã đã làm được 4,056km đường bê tông giao thông ngõ xóm với tổng nguồn vốn thực hiện gần 2,7 tỷ. Để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới việc huy động nguồn lực là rất quan trọng, xã đã thực hiện biện pháp xã hội hóa các nguồn vốn và xác định người dân là chủ thể của các hoạt động. Tuy nhiên mức sống của người dân nhìn chung chưa cao, nên việc vận động đóng góp từ người dân gặp khó khăn, việc huy động từ các doanh nghiệp, con em đi làm ăn xa cũng còn hạn chế. Vì thế, xã mong muốn các cấp hoàn thiện cơ chế chính sách trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cơ chế lồng ghép các nguồn vốn như: vốn 106, vốn kiên cố hóa kênh mương, trường học, trạm y tế, nước sạch. Đồng thời với đó xã cũng mong muốn được tạo điều kiện để đấu giá đất ở vùng đã được quy hoạch lấy ngân sách xây dựng nông thôn mới.
Với những cách làm hay, sáng tạo, sự đoàn kết trong hệ thống chính tri, sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, và sự giúp sức của các cấp các ngành, tin rằng xã sẽ về đích nông thôn mới đúng lộ trình, kế hoạch để ra.