Vùng đất có nhiều danh thắng và nền văn hóa đặc sắc đã tạo cho An Giang sức hút hấp dẫn

30/08/2021 13:57

Theo dõi trên

An Giang còn có nhiều công trình kiến trúc, món ăn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục hoặc công nhận thuộc top các món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, như: chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới), cá linh kho mía, tung lò mò, đậu nành rau…

dilac3-1630306472.jpg

1. Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi cao nhất ở Châu Á

Tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê-tông cốt thép, trong khuôn viên tượng Phật rộng 2,2ha. Thời gian thi công tượng từ tháng 3-2004 đến tháng 12-2005, với lượng nhân công thường xuyên khoảng 60 người. Điều đặc biệt là khi đứng ở vị trí nào ở các vồ, đỉnh của núi Cấm đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười bao dung, hoan hỷ. Chân đế bệ tượng làm bằng đá lung linh gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh mang ý nghĩa là một khối kim cương.

Ngày 29-5-2013, tượng Phật Di Lặc được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao quyết định công nhận “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á”.

tuongba-1630306528.jpg
h1-1630306555.jpg

2. Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam và tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) là di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của An Giang và cả khu vực phía Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Miếu Bà hình thành sau năm 1824 bằng tre lá đơn sơ. Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội Quý tế cho nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu.

Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông, với bố cục kiểu chữ   “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Với lịch sử phát triển và bề thế hiện có, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi miếu lớn nhất Việt Nam vào ngày 25-5-2008.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cho rằng tượng Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi nghĩ ngợi, quý phái vương giả. Chất liệu bằng đá  “son”, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. Nền văn hóa Óc Eo ở An Giang được khai quật, sưu tầm nhiều hiện vật cổ nên không loại trừ tượng Bà Chúa Xứ núi Sam cũng thuộc nền văn minh này.

Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được đặt trên bệ cao trong miếu, 2 bên là 2 con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng là một linga bằng đá đặt trên hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Ngay lối vào chánh điện có đôi câu đối thể hiện sự linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân. Cùng với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, tượng Bà cũng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam.

cautre1-1630306576.jpg

3. “Rừng tràm Trà Sư – rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam vào mùa nước nổi”; “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”

Ngày 15-1-2020, rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh  Biên) chính thức đón nhận 2 kỷ lục từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam là “Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi” và “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam”.

Rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983. Từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng được lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm, nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

Rừng tràm Trà Sư là khu rừng có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại ĐBSCL, bởi sự đa dạng về các loài động vật với 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và nhiều loài cá khác nhau. Năm 2003, UBND tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường.

Đặc biệt, “Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” đã trở thành điểm nhấn độc đáo của rừng tràm Trà Sư được du khách yêu thích, với tên gọi “Cầu tre vạn bước”. Cầu có tổng chiều dài trên 10km, kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, được Tập đoàn Sao Mai chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài gần 4km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-2020. Đối với giai đoạn 2, có chiều dài khoảng 6km, sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai và hoàn thành để đưa vào phục vụ du khách.

anh2-1630306607.jpg

4. Làng nghề nổi tiếng ở Việt Nam

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) thuộc “Tốp 20” làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang có từ lâu và đa số các sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ trong gia đình. Ngày nay, sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở Châu Giang đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng ở các thành phố lớn trong nước yêu thích. Làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang thường cho ra các sản phẩm thủ công, như: xà-rông, áo, khăn choàng, nón, túi xách… từ chất liệu tơ, sợi. Điểm nổi bật từ sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang là được nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên giúp cho màu sắc rất đẹp và bền, với các hoa văn từ truyền thống đến hiện đại được thể hiện rõ nét và khéo léo.

Các sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở Châu Giang từng có một thời rất thịnh vượng, nhưng do biến động của thị trường nên nghề truyền thống này đang chuyển dịch theo hướng sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch. Tuy nhiên, với bề dày truyền thống và cách thể hiện độc đáo đã khẳng định, thổ cẩm của người Chăm ở Châu Giang là niềm tự hào của An Giang về góc độ văn hóa.

Ngoài những kỷ lục trên, An Giang còn có nhiều công trình kiến trúc, món ăn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục hoặc công nhận thuộc top các món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, như: chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới), cá linh kho mía, tung lò mò, đậu nành rau… Tất cả đều là những mảnh ghép thú vị, tạo nên bức tranh tổng thể độc đáo và đầy thu hút của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.

Theo Báo An Giang
Bạn đang đọc bài viết "Vùng đất có nhiều danh thắng và nền văn hóa đặc sắc đã tạo cho An Giang sức hút hấp dẫn" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.