Vực dậy phong trào sáng tác nhạc tài tử

17/07/2018 16:29

Theo dõi trên

Tại các hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, nhiều ý kiến cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân, tác giả trẻ học tập, tham gia sáng tác nhạc tài tử.

Đây là một trong những giải pháp căn cơ làm lan tỏa tình yêu, vực dậy phong trào sáng tác ĐCTT trong cộng đồng, góp phần thực hiện cam kết với UNESCO về tiếp tục làm cho âm nhạc tài tử xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Việt Nam và nhân loại.

Sau Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, mỗi tỉnh, thành phố Nam bộ đều xây dựng và ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT. Sự ra đời của đề án đã góp phần giúp phong trào ĐCTT phát triển rầm rộ, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân phương Nam. Tuy nhiên, kết quả bước đầu này không duy trì được lâu dài do nhiều nguyên nhân, dẫn đến thực trạng nghệ thuật ĐCTT đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT đã được “mổ xẻ”, trong đó có việc tổ chức hướng dẫn, thực hành sáng tác lời mới cho bài bản tài tử. Mặc dù là tỉnh có phong trào phát triển mạnh, nhưng Bạc Liêu lại khan hiếm đội ngũ sáng tác loại hình âm nhạc truyền thống này.

 
Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh trao chứng nhận cho học viên hoàn thành lớp sáng tác lời mới bài bản tài tử, vọng cổ. Ảnh: H.T.

Thời gian gần đây, Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp nhằm vực dậy phong trào sáng tác nhạc tài tử. Điển hình là Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mở 4 lớp dạy sáng tác  bài ca vọng cổ, lời mới bài bản tài tử Nam bộ. Ngoài đối tượng là nghệ nhân, tài tử các câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh, lớp học còn thu hút nhiều thành phần tham gia như: cán bộ văn hóa cơ sở, công chức, viên chức, giáo viên, sinh viên. Tại đây, các học viên được truyền đạt kiến thức về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật ĐCTT; hướng dẫn tìm chất liệu và cảm hứng sáng tác, cách dùng từ, chia nhịp, sử dụng các điệu thức của 20 bản Tổ ĐCTT…

Kết quả đáng mừng là sau lớp học, niềm đam mê bộ môn ĐCTT ngày càng lớn dần trong các học viên; chất lượng hoạt động nghệ thuật tại các câu lạc bộ cơ sở, các cơ quan, trường học cũng khởi sắc. Quan trọng hơn, nhiều học viên đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sáng tác. Đơn cử là trường hợp của bạn Trần Thanh Thoảng - một tác giả trẻ mới tập tành sáng tác nhưng đã có “tài sản” đáng nể với gần 10 bài ca vọng cổ (trong đó có sử dụng điệu thức của các bài bản tài tử). Tiêu biểu là bản vọng cổ “Vĩnh Hưng quê mình” nhịp 32 được VTV Cần Thơ chọn phát trong chương trình Tiếng tơ đồng. “Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng từ nhỏ tôi đã rất thích nghe ca tài tử, vọng cổ. Tại lớp dạy sáng tác do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, tôi được thầy cô nhiệt tình truyền dạy kiến thức, kỹ năng cùng với những trải nghiệm thực tế của bản thân nên đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào để sáng tác”, Thanh Thoảng chia sẻ.

Tại các cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản Tổ nhạc tài tử Nam bộ, vọng cổ, chặp cải lương trong khu vực, Bạc Liêu luôn là địa phương đoạt nhiều giải thưởng cao nhưng chỉ tập trung vào một vài gương mặt quen thuộc. Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh là một trong số ít tác giả Bạc Liêu gặt hái nhiều thành tích ở sân chơi sáng tác dòng nhạc tài tử. Làm công tác quản lý và biểu diễn nghệ thuật, ông luôn trăn trở tìm giải pháp để truyền dạy tay nghề cho những nghệ nhân, tác giả trẻ có đam mê sáng tác.

Ông Vưu Long Vĩ cho biết: “Bạc Liêu không thiếu những tài năng về âm nhạc, nhưng trình độ, khả năng sáng tác nhạc tài tử còn yếu. Để viết được tác phẩm hay không dễ, nó đòi hỏi tác giả phải thật sự đam mê, tìm đề tài từ sự trăn trở với cuộc sống, chịu khó nghiên cứu học thuật, trau dồi vốn từ, kế thừa cái hay của người đi trước nhưng cũng tìm cho mình một phong cách riêng… Với mong muốn vực dậy phong trào sáng tác, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tổ chức nhiều lớp dạy sáng tác lời mới bài bản tài tử, vọng cổ và chặp cải lương để tình yêu nghệ thuật dân tộc lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng; thường xuyên quảng bá, giới thiệu các sáng tác mới để góp phần cùng với tỉnh nhà đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT tương xứng với giá trị và vị thế vốn có”.

Hữu Thọ
Theo Báo Bạc Liêu

Bạn đang đọc bài viết "Vực dậy phong trào sáng tác nhạc tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.