Vụ Tranh chấp 1.725,7 m2 đất ở TX Thái Hoà (Nghệ An): Sự thật về lá đơn… gợi ý

25/07/2014 16:23

Theo dõi trên

Trong vụ tranh chấp thửa đất 294 với diện tích 1.725,7 m2, bà Hồ Thị Nga có nhắc đến lá đơn của bà Đậu Thị Huyền – cán bộ địa chính phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An) về việc bà này có “gợi ý” cho bà Nga muốn đòi lại quyền sử dụng thửa đất trên thì phải “chia đôi” một nửa cho bà Vi Thị Đạt - người con riêng của ông Vi Văn Tuân.

news-1406280228-1648886696.gif
Bà Hồ Thị Nga: "Đến thời điểm này, mọi câu trả lời bằng văn bản của các cấp vẫn không thuyết phục được tôi"

Lá đơn ủy quyền…

Theo đó, bà Nga phản ánh trong thời gian bà làm đơn đòi lại thửa đất 294 lên UBND phường Hòa Hiếu, bà Nga được bà Đậu Thị Huyền “hướng dẫn” cho bà làm đơn ủy quyền quyền đòi lại thửa đất. Điều khiến cho bà Nga cảm thấy “không ổn” trong lá đơn “gợi ý” đó có đoạn: “Tôi làm đơn này xin được trình bày một việc như sau: Bố mẹ tôi là Vi Văn Tuân và mẹ là Nguyễn Thị Bổn sinh được hai người con là Võ Thị Quy và chị gái là Vi Thị Đạt…”.

Theo quan điểm của bà Nga, việc kê khai tên bà Vi Thị Đạt vào danh sách người thừa kế thửa đất mà ông bà ngoại của mình để lại là không có cơ sở. Bởi bà Nga cho rằng, trước đó bà Vi Thị Đạt đã được vợ chồng ông Tuân và bà Bổn “chia một miếng đất” trong khu vườn mà ông Tuân và bà Bổn để lại, nên thửa đất 294 là phần đất thừa kế chính đáng của bà Quy (mẹ bà Nga).

Về việc lá đơn ủy quyền mà bà Huyền “gợi ý” cho bà Nga làm để đòi lại quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng bức xúc cho rằng: “Tôi cũng đã có nghe đến chuyện lá đơn đó. Việc thỏa thuận chia đôi thửa đất 294 là do bên HTX (ông Trung và bà Huyền) với bà Nga chứ tôi cũng không hề biết gì. Khi hay tin, tôi cũng đã có ý kiến phản ánh không đồng tình lên UBND phường Hòa Hiếu”.

Sự thật…

Về việc bà Nga “tố” bị “gợi ý”, bà Huyền đã thừa nhận có hướng dẫn cho bà Nga làm đơn ủy quyền đòi lại quyền sở hữu thửa đất 294 và lý giải rằng “vì bà Nga không biết làm đơn ủy quyền như thế nào nên tôi thấy dân khó khăn thì tôi giúp thôi - đó là trách nhiệm của những người như chúng tôi, chứ cũng không có ý gợi ý bà Nga muốn đòi lại đất thì phải chia đôi ra”.

Bà Huyền cũng khẳng định rằng hoàn toàn không có sự câu kết mập mờ nào trong chuyện đòi lại quyền sử dụng đất của bà Nga như bà Nga phản ánh và nói: “Bà Nga đang hiểu nhầm luận điểm mà lá đơn bà Huyền có vạch ra cái sườn để bà Nga giải quyết cho đúng luật”.

Theo thông tin mà phóng viên phuongnam.net.vn tìm hiểu được, trên thực tế, ông Tuân và bà Bổn trước khi đến với nhau cả hai đều trải qua một đời vợ và đều có con riêng. Bà Vi Thị Đạt là con riêng của ông Tuân, còn bà Võ Thị Quy là con riêng của bà Bổn. Ngay từ nhỏ, họ đã sống trong cùng một gia đình.

Vì vậy, căn cứ vào Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, việc đưa tên bà Vi Thị Đạt vào danh sách quyền thừa kế đất (là tài sản chung của hai vợ chồng ông Tuân - bà Bổn) thì vẫn tuân thủ đúng luật vì bà Đạt cũng là con của ông Vi Văn Tuân.

Tuy nhiên, trước những luận điểm nhập nhằng quanh vụ tranh chấp đất đai và đòi quyền sử dụng đất chính đáng giữa hai hộ gia đình bà Hồ Thị Nga và ông Nguyễn Ngọc Hòa, UBND phường Hòa Hiếu cũng như UBND TX. Thái Hòa cần phải vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc này nhằm bảm vệ quyền lợi chính đáng cho công dân theo đúng luật.

Bộ Luật dân sự 2005

Điều 219: Sở hữu chung của vợ chồng:

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà  án.

Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Còn tiếp…

Đào Phan - Quỳnh Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Vụ Tranh chấp 1.725,7 m2 đất ở TX Thái Hoà (Nghệ An): Sự thật về lá đơn… gợi ý" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.