Vụ Sai phạm nghiêm trọng tại TAND tỉnh Hà Tĩnh: Cơ quan Công an cần vào cuộc

14/07/2014 11:40

Theo dõi trên

Xung quanh vụ việc sai phạm tại TAND tỉnh Hà Tĩnh, nhiều luật sư cho rằng đã có dấu hiệu tội phạm. Cụ thể theo quy định tại điều 285 Bộ luật hình sự thì đó là “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó Luật quy định: “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Áp dụng với sai phạm tại TAND tỉnh Hà Tĩnh, luật sư phân tích, về hành vi thiếu trách nhiệm: Hành vi thể hiện rõ là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn. Không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định của pháp luật, của điều lệ công tác như: Nội quy, Quy chế, Quy trình… có tính chất bắt buộc phải thực hiện theo. 

Người có chức vụ quyền hạn lại không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức vụ, quyền hạn của mình như: Thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không kịp thời do đó không đáp ứng được yêu cầu của công việc đã đề ra.

Còn về việc gây hậu quả nghiêm trọng thì hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại được xác định và có cơ sở xác định là nghiêm trọng về tài sản, về vật chất hay tinh thần, thiệt hại về uy tín, danh dự, tài sản của cơ quan Nhà nước, của tổ chức và cá nhân…

Người có chức vụ quyền hạn được coi là phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ có khả năng thực tế hoàn thành công việc được giao, tuy nhiên họ đã lơ là trong công việc, không thấy trước khả năng gây hậu quả nghiêm trọng mặc dù điều này là họ phải biết hoặc có thấy trước nhưng tin rằng hậu quả không xảy ra hay có thể ngăn ngừa được. 

Qua đó thấy rõ lỗi của họ ở đây là lỗi vô ý, có thể vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả. Nếu lỗi của họ là cố ý thì có thể hành vi đó lại cấu thành một số tội phạm khác như: Tội làm giả hồ sơ, tài liệu của cơ quan tổ chức hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội vi phạm các quy định về cho vay trong tổ chức tín dụng… Với hành vi nêu trên như đã phân tích thì hình phạt dành cho những đối tượng phạm tội này mức thấp nhất được quy định tại Khoản 1 của Điều luật là: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất của khung hình phạt là quy định tại Khoản 3 của Điều luật là: Phạt tù đến 5 năm.

Quay trở lại với sai phạm tại TAND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy mặc dù làm việc thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, biết rõ là làm sai nhưng bộ phận kế toán tại TAND tỉnh Hà Tĩnh vẫn thực hiện không đúng theo quy định về nguyên tắc tài chính nói chung và vấn đề tiền thai sản theo quy định của Luật BHXH nói riêng. 

Chính việc làm sai của bà Trần Thị Minh Nguyệt và thuộc cấp của mình kéo dài triền miên gần 5 năm trời đã khiến nhiều chị em là cán bộ công nhân viên đã không được hưởng đúng, đủ quyền lợi được hưởng theo quy định. 

Có hay không việc thông đồng làm trái quy định của pháp luật để trục lợi bất chính trong chế độ tiền thai sản của người lao động? Đã đến lúc cơ quan công an tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc làm rõ và có biện pháp cụ thể đối với các cá nhân liên quan. Tránh để một sự việc nghiêm trọng, xẩy ra nơi chốn công đường lại bị “chìm xuồng” khiến dư luận bất bình.

Đại Thành
Bạn đang đọc bài viết "Vụ Sai phạm nghiêm trọng tại TAND tỉnh Hà Tĩnh: Cơ quan Công an cần vào cuộc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.