Sai phạm đã rõ
Như phuongnam.net.vn đã thông tin, trong 5 năm từ năm 2010 đến 2014, phòng kế toán thuộc TAND tỉnh Hà Tĩnh đã không làm đúng theo quy định của Luật BHXH về vấn đề quyền lợi tiền thai sản cho người lao động. Tất cả nữ lao động làm việc tại TAND tỉnh Hà Tĩnh đã không được nhận đúng, đủ số tiền mà BHXH chi trả khi nghỉ thai sản.
Người nghỉ thai sản vẫn được phía phòng kế toán TAND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện kê khai trả lương bình thường như đang đi làm việc. Còn tiền thai sản sau khi phòng kế toán kê khai và rút từ kho bạc về thì sử dụng sai quy định như: tự ý cho vào quỹ cơ quan.
Hơn nữa, qua xác minh của cơ quan chức năng cho thấy phía kế toán đơn vị này đã không làm rõ nội dung khoản tiền thừa nay đang ở đâu?
Cụ thể, theo kết luận ban đầu mà phóng viên thu thập được từ TAND tỉnh Hà Tĩnh thì: quá trình làm việc, bà Trần Thị Minh Nguyệt và các thuộc cấp cùng phòng đã không thể chứng minh được số tiền hàng chục triệu đồng rút từ BHXH về nhưng không chi trả cho cán bộ nhân viên nghỉ thai sản đã chi tiêu thế nào? Bỏ vào đâu?
Không có chứng từ chứng minh được; Quá trình thực hiện công tác, qua hàng năm bộ phận kế toán vẫn không thực hiện việc báo cáo rõ ràng, thu chi minh bạch theo Quyết định 192/2004 – QĐ/TTg, ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Không cung cấp kịp thời hồ sơ cho phía BHXH theo điều 117 Luật BHXH làm thiệt hại đến lợi ích mà người lao động được hưởng; Làm sai trong quá trình thực hiện thu chi tài chính về việc song song việc kê khai lương và trả hàng tháng bình thường cho người lao động nghỉ thai sản, đồng thời sử dụng một phần ít tiền thai sản từ BHXH trợ cấp cho chị em cán bộ lao động…
Mặt khác, bộ phận kế toán cho rằng cho vào quỹ hoạt động cơ quan nhưng lại không có chứng từ chứng minh được điều đó. Việc này càng khó hiểu hơn khi mà hàng năm không thực hiện việc báo cáo minh bạch thu - chi tài chính. Chưa nói tới việc có hay không hành vi lập quỹ đen trái pháp luật?
Bởi lẽ về nguyên tắc tài chính được quy định cụ thể đó là việc các cơ quan nhà nước không được để tiền mặt tại cơ quan, tiền phải được bỏ trong tài khoản tại kho bạc nhà nước, khi cần rút để hoạt động thì phải có văn bản, phiếu kế hoạch công tác thu chi rõ ràng,… và phải được sự chấp thuận của chủ tài khoản.
“Trách nhiệm một phần thuộc về tôi”
Trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Việt - Chánh án TAND Hà Tĩnh cũng đã thừa nhận: “Những sai phạm trong công tác tài chính thai sản của chị em phụ nữ diễn ra bấy lâu nay TAND tỉnh như báo chí nêu là có cơ sở. Thế nhưng sai phạm nghiêm trọng tới đâu thì cơ quan chức năng cũng đang làm rõ, phía Tòa án tối cao cũng đã cho đoàn về thanh kiểm tra sự việc và chưa có kết luận cụ thể…”.
Ngoài ra ông Việt cũng thông tin thêm rằng, mặc dù là chủ tài khoản, để xảy ra sai sót nêu trên thì trách nhiệm một phần thuộc về bản thân ông. Nhưng ông cũng phân trần rằng, vì có quá nhiều việc trong công tác nên cũng không để ý kỹ càng trong công tác của bộ phận kế toán.
Nói như ông Việt thì rõ ràng không có sự thông đồng giữa kế toán và chủ tài khoản trong sai phạm này mà dư luận đã đặt ra xung quanh vụ việc này, khi mà sai phạm diễn ra trong năm năm qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động?