Vụ “nói xấu” Bộ trưởng Y tế: Nghĩ về sự xử lý thần tốc

24/10/2017 20:28

Theo dõi trên

Vụ việc xử phạt rồi rút quyết định xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện diễn ra chớp nhoáng, bởi cách xử lý thần tốc của các cơ quan chức năng. Một đằng, Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế Thừa thiên - Huế cùng cơ quan cấp dưới thần tốc ra quyết định xử phạt, kỷ luật.

Một đằng, là Bộ Thông tin và Truyền thông thần tốc phát hiện vấn đề, thần tốc chỉ đạo để cuối cùng, bên xử phạt thần tốc nhận ra sai lầm, thần tốc “rút lui”, trả lại công bằng cho người bị xử phạt oan. Sự việc, từ khi bùng phát thông tin, tới lúc kết thúc chỉ diễn ra trong vòng chục ngày, quả là sự thần tốc đáng ghi vào kỷ lục Việt Nam. Thế nhưng, cùng là thần tốc, lại này sinh ra hai biểu hiện trái ngược nhau, đáng suy nghĩ.
 


Quyết định xử lý kỷ luật bác sĩ Truyện của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền

Thứ nhất, về việc vận dụng quyền hành mà nhà nước trao cho để xử lý các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống
 
Sự thần tốc của ông Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường khi phát hiện vấn đề và ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan cấp dưới thật là trớ trêu. Chưa nghiên cứu kỹ các văn bản quản lý, chưa hiểu thấu đáo những dòng chữ của người viết, ông đã thần tốc ra văn bản một cách oai phong, truy chụp. Bác sĩ Truyện viết trên facebook bị phát hiện vào tối 14 tháng 7 thì ngày 15 tháng 7, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường đã thừa lệnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Thừa thiên – Huế phối hợp với công an tỉnh khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin của tài khoản Facebook Hoàng Công Truyện. Trong trường hợp tài khoản này của cán bộ công tác trong ngành y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế, đề nghị Sở Y tế tỉnh có biện pháp kiểm điểm và xử lý theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Trường, thừa lệnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đã khẳng định nội dung trên Facebook này là bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành Y. Hóa ra, theo quan điểm của Bộ Y tế, cứ góp ý thẳng thắn theo hướng phê phán ngành là bôi nhọ, xúc phạm? Điều này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vào tháng 7/1951, Bác Hồ viết về vấn đề “Phê bình” đăng trên Báo Nhân dân số 16 ra ngày 12/7/1951 như sau “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là: Trước hết phải tự phê bình, sau đó phải phê bình người khác”. Người lý giải về phê bình rất thâm thúy: “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Nói thật tức là phê bình”. “Phê bình là nêu ra ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”. Bác xem khuyết điểm cũng như một chứng bệnh, phê bình là thuốc để chữa bệnh khuyết điểm. Trên Báo Nhân dân số 45 ngày 14/2/1952, Bác Hồ cho đăng bài “Tự phê bình và phê bình”. Bác viết: “Tự phê bình và phê bình là phải thật thà vạch khuyết điểm. Có lỗi mà không vạch ra khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc. Làm nhiều công việc thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi khuyết điểm. Cho nên phải dùng cách tự phê bình và phê bình để giúp nhau sửa chữa, để cùng nhau tiến bộ”. Người vạch rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm…” Bác sĩ Truyền phê bình một số việc yếu kém của Bộ Y tế, cũng là những yếu kém đã được báo chí từng đề cập tới không ít lần. Bác sĩ Truyện có nói tới việc Bộ trưởng Tiến nên “nghỉ”, đâu phải là sự xúc phạm và cũng không có gì mới, bởi trên báo chí, trong phát biểu tại Nghị trường của đại biểu quốc Hội, đã có ý về việc Bộ trưởng Tiến nên từ chức từ nhiều năm nay rồi. Chính vì lẽ đó, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho rằng cả công văn Bộ Y tế yêu cầu xử lý bác sĩ Hoàng Công Truyện lẫn quyết định kỷ luật của Trung tâm y tế huyện Phong Điền đều "có vấn đề". Và mới đây nhất, trao đổi với Lao Động về vấn đề bác sĩ Hoàng Công Truyện bị kỷ luật vì “phê bình” Bộ trưởng Bộ Y tế trên mạng xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở y tế TP.HCM, vô cùng bức xúc và đánh giá Bộ Y tế không cầu thị tiếp thu phản ánh mà hễ bị phê bình là “nhảy đong đong lên”. Bà nói:

-  Thời gian qua có biết bao nhiêu cuộc tấn công các bác sĩ, hiếp dâm điều dưỡng, còng tay bắt bác sĩ vụ chạy thận ở Hòa Bình… rất nhiều vấn đề xảy ra trong ngành nhưng khi cần thì không thấy đâu hoặc phản ứng hết sức chậm chạp. Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý cá nhân của bác sĩ từ ngày 14.7 thì ngay một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy. Tôi cũng không hiểu làm thế nào mà Bộ Y tế có cơ chế phát hiện những chuyện thế này nhanh như vậy.
 
Chúng tôi thấy đây là việc đáng buồn, làm cho tư tưởng người bác sĩ, cán bộ y tế rất hoang mang. Cái nhanh nhạy của mình trong xử lý nhưng lại không phù hợp. Nếu nhận định của bác sĩ Truyện có yếu tố xúc phạm Bộ trưởng với tư cách cá nhân có thể kiện ra tòa và tòa án sẽ phán xử đúng sai. Đó là lối ứng xử trong một xã hội dân chủ và văn minh.
 
Bộ Y tế đến giờ vẫn chưa một lời xin lỗi mà khăng khăng cho rằng mình đúng và Bộ không chỉ đạo kỷ luật bác sĩ Truyện. Thế nhưng nếu không có sức ép của Bộ Y tế với công văn ban hành đó thì các sở ngành kia có nhanh nhảu làm như vậy hay không?
 
Ai bảo vệ cho bác sĩ khi lãnh đạo của mình đáng lẽ phải đau đớn với nỗi đau của bệnh nhân hoặc người trong ngành của mình đang bị đối xử như thế nào, chứ xá gì cái chuyện người ta đánh giá mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Việc mình làm tới đâu xã hội đánh giá chứ đâu thể ngồi nghe khen thì sướng mà nghe chê thì nhảy đong đong…
 
Đây không là chuyện xảy ra lần đầu. Chuyện này đã từng xảy đến với chính bản thân tôi vào năm 2014, khi mà công ty VN Pharma mới bị bắt, tôi đã đưa ra vấn đề này ở Quốc hội về cơ chế đấu thầu cũng như là những cơ chế cấp phép đang có vấn đề. Sau đấy ngay lập tức Bộ Y tế có phản ứng, gửi công văn tới UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tôi giải trình.
 
Bộ Y tế nên có ý kiến chính thức gửi bác sĩ Truyện hoặc thậm chí có thể tiếp xúc trực tiếp để nói rõ. Bộ Y tế cũng cần hoan nghênh những ý kiến đóng góp bởi những ý kiến đóng góp đó phản ánh thực trạng như thế nào, bởi đôi khi chúng ta chỉ nhìn chủ quan theo một phía và lúc nào cũng nghe những lời xu nịnh thì không tiến bộ được. Ngoài ra, Sở Y tế cũng phải xem lại cách làm việc của mình.”
 
Từ công văn chỉ đạo nói trên của Bộ Y tế, những cơ quan liên quan trong “hệ thống chính trị” của Thừa thiên – Huế đã thần tốc họp bàn, lập đoàn kiểm tra, ra quyết định xử phạt, kỷ luật. Đây là sự “nhắm mắt làm theo” ý của cơ quan cấp Bộ, không nghiên cứu kỹ thực tiễn, không nắm chắc luật lệ. Điều này thật là nguy hiểm, bởi như vậy là lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của công dân. Thảo nào, trong đất nước ta, xảy ra lắm vụ oan sai như đã bị phanh phui trong thời gian gần đây.
 
Đúng như nhận xét của bà Phong Lan, những việc lớn, nóng bỏng cần làm thì từ Chánh Văn phòng Bộ tới Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đều im hơi lặng tiếng. Nghiêm trọng nhất, mới nhất là việc đại diện của Bộ Y tế phải hầu tòa để trả lời về những vi phạm trong vụ án VN Phacrma. Theo kienthuc.net, đại diện VKS phiên xét xử phúc thẩm VN Pharma sáng 24 tháng 10 cho rằng việc Thứ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục quản lý Dược vắng mặt là thiếu nghiêm túc.
 
Một trong những nội dung đáng lưu tâm nhất tại phiên xử phúc thẩm VN Pharma sáng nay là phần xét hỏi đại diện Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược với những vấn đề liên quan trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita.
 
Tuy nhiên, mặc dù đã gửi đi nhiều giấy triệu tập các cán bộ của hai đơn vị này, thế nhưng vẫn không ít người vắng mặt. Cụ thể, gần cuối giờ trưa, đại diện VKS cho biết, vẫn còn rất nhiều câu hỏi dành cho Bộ Y tế, Cục quản lý Dược vẫn chưa được giải đáp.
 
Theo news.zing.vn,  tại phiên xử sáng 24/10, dù được tòa triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm cục trưởng Cục Quản lý dược) và một số người có trách nhiệm của cơ quan này vắng mặt. VKS cho rằng việc những người vắng mặt là không nghiêm túc, đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở.
 
Có mặt tại tòa, ông Đỗ Trung Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã phải trả lời khá nhiều câu hỏi của HĐXX liên quan đến thủ tục cấp phép hoạt động của Bộ Y tế cho Helix Canada. Thế nhưng, khi trả lời các vấn đề pháp lý liên quan đến giấy phép, quá trình nhập khẩu thuốc của VN Pharma, ông Hưng nhiều lần ấp úng vì không nắm đủ hồ sơ.
 
Trả lời chất vấn, bà Phạm Thị Vân Hạnh (Phó trưởng Phòng Quản lý kinh doanh thuộc Cục Quản lý dược) được đại diện Bộ Y tế là ông Đỗ Trung Hưng đứng bên cạnh liên tục đọc nhắc lời khai. Để đảm bảo tính khách quan của quá trình xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã đề nghị HĐXX: "Khi bà Hạnh trả lời thì người có quyền và nghĩa vụ liên quan không được đứng sau nhắc". Thấy đề nghị của VKS là hợp lý, HĐXX đã yêu cầu ông Hưng xuống dưới, trước khi tiếp tục chất vấn nữ cán bộ của Cục Quản lý dược.
 
Tóm lại, nhiều cán bộ có chức quyền của Bộ Y tế đã không thực hiện đúng quyền hành của mình do Nhà nước trao cho; việc gì động đến cá nhân lãnh đạo thì “nhảy đong đong” lên; việc gì động đến trách nhiệm phải giải trình thì lảng tránh…
 
Thứ hai, biện pháp quản lý dứt khoát, có hiệu quả của Bộ Thông tin và Truyền thông
 
Khi dư luận vừa rộ lên vụ xử phạt bác sĩ Truyện, bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã đích thân tìm hiểu tình hình, chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu Giám đốc Sở TT&TT tỉnh TT- Huế báo cáo về việc phạt BS "nói xấu" Bộ trưởng Y tế; yêu cầu Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử kiểm tra, báo cáo; yêu cầu Thanh tra Bộ xem xét quyết định xử phạt của Sở. Ngày 22 tháng 10, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trực tiếp chỉ đạo rút quyết định phạt và xin lỗi ngay bác sĩ này. Tới ngày 24 tháng 10, vụ việc đã được giải quyết xong về cơ bản: Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng đã đến đơn vị, gặp và gửi lời xin lỗi đến bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu. Lãnh đạo Sở cũng tiến hành thủ tục để thu hồi quyết định khiển trách đối với bác sĩ Truyện. Ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã tới Trung tâm Y tế huyện Phong Điền để gặp mặt xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện - đồng thời trao quyết định hủy phạt hành chính 5 triệu đồng. Đây là vụ việc được xử lý thần tốc đến bất ngờ, khiến cho mọi người thở phào nhẹ nhõm. Trên mạng xã hội, rộ lên những lời khen cách giải quyết có tình, có lý và rất kiên quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Bây giờ, vụ việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý. Bộ Y tế nên cảm ơn báo chí, dư luận xã hội và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vì đã chỉ rõ cái sai của mình và có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu cứ để dùng dằng như một số sự việc khác, có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn gánh chịu nhiều búa rìu của dư luận hơn nữa. Biết đâu, lúc ấy, cơ quan tham mưu của Bộ lại tiếp tục hành xử trái đạo lý, sai pháp luật và sự việc sẽ bị đẩy xa hơn… làm tổn hại đến uy tín của cơ quan nhà nước, mất lòng tin của nhân dân.
 
Nhà văn Hoài An

Bạn đang đọc bài viết "Vụ “nói xấu” Bộ trưởng Y tế: Nghĩ về sự xử lý thần tốc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.