Với hơn 10 tập thơ, Võ Quảng đã tạo dựng một phong cách riêng trong thơ viết cho thiếu nhi. Đề tài Võ Quảng hướng đến không khác nhiều các tác giả viết cho các em như: Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ… Song ông đã có những cảm nhận riêng, cách thể hiện mới lạ ở những điều tưởng chừng như quá quen thuộc. Trong thơ, Võ Quảng cũng viết về cây trái, hoa quả, các con vật thân quen, những cuộc đời bình dị nhưng đọc thơ ông, trẻ em và người lớn đều thích vì được dạo chơi trong vườn bách thú sôi động âm thanh, vườn bách thảo rực rỡ sắc màu, được đắm mình trong những tình cảm chân thật, chan chứa yêu thương.
Võ Quảng thường chọn thể thơ 3 tiếng, 4 tiếng hoặc 5 tiếng để viết cho các em, như những bài: Ai dậy sớm, Mời vào, Chị Chổi Tre, Anh Đom Đóm, Con trâu mộng… Với lượng câu chữ không nhiều phù hợp với nhịp đọc, nhịp thở, khả năng nhận thức của trẻ thơ, tác phẩm của Võ Quảng thực sự là món quà yêu thích của rất nhiều em nhỏ.
Mỗi bài thơ của Võ Quảng như một câu chuyện nhỏ xinh đánh thức sự chú ý, khơi gợi sự ghi nhớ, tưởng tượng của trẻ. Bài thơ luôn xoay quanh một nhân vật, có lúc là anh Đom Đóm, chị Chổi Tre, anh Châu Chấu… nhiều khi là các bạn bé đáng yêu. Sự việc luôn được đặt trong diễn biến có lớp lang, gắn với hành động, lời nói của nhân vật. Vì vậy bài thơ trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ với trẻ em. Anh Đom Đóm là câu chuyện kể về Đom Đóm luôn cần mẫn, siêng năng, tối tối mang đèn đi canh gác bảo vệ giấc ngủ, sự bình yên cho mọi người. Chị Chổi Tre là lời kể đầy hả hê, thán phục của em bé về những việc làm hữu ích của Chổi Tre, ra hè quét lá me, ra sân quét là bàng, chui vào nhà quét xó bếp... Am hiểu bản tính ưa hoạt động, ham thích những điều mới lạ của thiếu nhi, Võ Quảng luôn tạo ra những vận động nhanh, mạnh, bất ngờ trong cấu tứ. Chú Chẫu Chàng khắc họa Chẫu Chàng rất nhanh nhẹn nhưng nhát gan. Đang say sưa ngắm hồ sen, mây trời chợt nghe: Cạc, cạc, cạc, chú ta đã “Nhanh như chớp/ Đánh một phóc/ Vụt biến mất”. Trong Gà mái hoa, Võ Quảng đã tạo dựng một bức tranh sống động về vẻ đẹp của tình bạn. Nhiều sự việc mới lạ, nhiều tình tiết dồn dập, gay cấn gây hứng thú, tạo hồi hộp cho trẻ em. Từ việc trống xám đập cánh, gáy ò ó o báo hiệu một ngày mới, mái hoa bừng mắt đi kiếm mồi, rồi bỗng đổi tính, đổi nết nháo nhác tìm ổ đến việc mái hoa đẻ trứng cục, cục, cục, tác. Trống xám, ngan, vịt và cả Tí đều mừng rỡ khi mái hoa đẻ được một quả trứng hồng. Những bài thơ nho nhỏ của Võ Quảng luôn chứa đựng trong đó ý nghĩa triết lý sâu sắc, những bài học giáo dục nhẹ nhàng. Võ Quảng khéo léo đưa vào thơ những chi tiết dí dỏm, hài hước khiến bài học giáo dục trở nên dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Ông đã mượn sự nhầm lẫn đáng yêu của Thỏ con để giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên khi thu sang. Thỏ con hốt hoảng Ôi! Kìa, cháy lớn!. Thỏ mẹ như một cô giáo đã nhẹ nhàng giảng giải: Lửa kia rực đỏ/ Là những rừng bàng. Chú chó vàng chỉ mải chơi rông, tinh nghịch Tưởng ruồi táp chơi, không ngờ táp phải ong nên mình mẩy sưng bầm. Nếu trong thơ Phạm Hổ, ta gặp sự nhầm lẫn đáng yêu của chú bò (Chú bò tìm bạn), thỏ (Thỏ dùng máy nói), gấu (Gấu đen)… thì trong thơ Võ Quảng cũng là sự ngây thơ, trong sáng đến vô ngần của thỏ con, cún xinh, chú bê lông vàng… Phạm Hổ, Võ Quảng yêu và hiểu trẻ thơ nên luôn đưa những chi tiết hài hước, dí dỏm vào tác phẩm, đem lại tiếng cười sảng khoái cho các em. Có thể khẳng định, Võ Quảng đã tạo ra sự giao lưu tình cảm giữa văn thơ và các em.
Võ Quảng từng quan niệm một sáng tác chân chính cho thiếu nhi phải vừa là một công trình sư phạm, vừa phải mang tích chất nghệ thuật (2). Vì vậy qua mỗi tác phẩm, ông đã khéo léo gửi gắm vào đó chất phù sa màu mỡ của tình yêu thương để trẻ thơ lớn lên với khát vọng hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Anh Đom Đóm, chị Chổi Tre… nhắc các em biết quan tâm tới những người bình thường trong xã hội, yêu lao động, có ý thức gìn giữ môi trường xung quanh. Ngàn sao làm việc giúp các em hiểu được bầu trời đẹp lộng lẫy về đêm là do sông ngân hà biết cháy giữa trời lồng lộng, sao thần nông biết tỏa rộng chiếc vó lọng vàng, sao hôm như một ngọn đuốc soi cá, nhóm đại hùng tinh biết buông gầu tát nước. Ngàn sao cùng làm việc, cùng chung sức đã làm nên vẻ đẹp huyền diệu của trời đêm. Lao động và biết đoàn kết, yêu thương đã làm cho vạn vật trở nên đẹp đẽ, đáng yêu.
Thơ Võ Quảng hấp dẫn trẻ em không chỉ vì kết cấu ngắn gọn mà còn bởi nhạc điệu trong sáng, tươi vui, rất phù hợp với tâm hồn giàu cảm xúc, ưa hoạt động của trẻ. Nhạc điệu hình thành bởi vật liệu âm thanh của ngôn từ, được tạo nên từ các hình thức “điệp âm, điệp vần, điệp cấu trúc, sử dụng các từ tượng thanh, ngữ điệu...”(3). Nhiều bài thơ của Võ Quảng có nhịp điệu khẩn trương, sôi nổi. Với nhịp điệu này ông đã vẽ lên những bức tranh cuộc sống nhộn nhịp, những động tác khỏe khoắn, dứt khoát của các nhân vật. Nhịp 3 đã mô phỏng những động tác nhanh nhẹn, chính xác của chị Chổi Tre: “Chị Chổi Tre/ Bước ra hè/ Thấy lá me/ Rơi xuống đất/ Chị Chổi quét/ Roặc, Roặc, roặc, roặc/”. Một làn nước mát sử dụng nhịp 2/2 gợi hình ảnh dòng nước lao mình hùng hục, húc đá chắn ngang, quay tròn, xoay tít để xuống đồng bằng. Giọng điệu hào hùng, nhịp hối hả diễn tả thành công sức cuồn cuộn của nước từ trên non đổ về. Bên cạnh đó, thơ Võ Quảng có những bài nhịp chậm, êm ái, nhẹ nhàng tạo nên những dư âm thiết tha, lắng đọng trong tâm hồn người đọc, người nghe. Các bài Chị ru em ngủ, Mẹ yêu em tôi, Bờ tre làng, Vì sao thông vi vu… mở ra một không gian thanh bình, chan chứa yêu thương.
Phạm Hổ từng phát biểu, nhạc điệu là yếu tố quan trọng trong thơ viết cho thiếu nhi. “Nhiều khi các em chủ yếu nhớ được thơ là nhờ nhạc điệu” (4). Võ Quảng không phát biểu trực tiếp nhưng bằng các sáng tác của mình ông cũng đã một lần nữa khẳng định vai trò của nhạc điệu trong thơ viết cho các em. Những bài thơ viết theo thể thơ 3 tiếng của Võ Quảng thường có nhịp 1/2 hoặc 3: “Cốc! Cốc! Cốc!/ Ai/ gọi đó// Tôi/ là Thỏ// Nếu là Thỏ/ Cho xem tai//” (Mời vào). Thơ 4 tiếng luôn có nhịp 2/2: “Mặt trời/ gác núi/ Bóng tối/ lan dần// Anh Đóm/ chuyên cần/ Lên đèn/ đi gác//” (Anh Đom Đóm). Thơ 5 tiếng có nhịp 3/2 hoặc 2/3: “Nhẹ nhàng/ như thuyền lướt/ Lúc gió thoảng/ ngoài khơi// Cả đàn vịt/ bơi bơi/ Nước mây hồ/ gợn sóng//” (Như thuyền lướt).
Nhịp trong thơ Võ Quảng cũng rất linh hoạt, ông luôn để cảm xúc được phát triển tự nhiên không gò ép một cách cứng nhắc. Vì vậy, trong một bài, nhịp có thể thay đổi, biến hóa lúc dài, lúc ngắn nhịp nhàng, như bài: Dát vàng, Báo mưa… Nhiều bài có nhịp điệu rộn ràng, tươi vui phù hợp với nhịp vận động của trẻ. Vì vậy, các em có thể hát vang bài: Ai dậy sớm, Mời vào, Chị chổi tre, Mầm non… trong khi vui chơi như những bài đồng dao.
Thơ Võ Quảng luôn có vần. Vần là khuôn âm tiết được lặp lại một cách không hoàn toàn, có tác dụng kết dính câu thơ và các dòng thơ, tạo nên nhạc điệu toàn bài. Võ Quảng có thế mạnh trong việc sử dụng vần trắc. Vần trắc khiến những bài thơ có nhạc điệu khỏe khoắn, khẩn trương, sôi động. Khi mô tả chú lợn béo tốt ông dùng các vần trắc míp, híp, hít, ịt. Tả con cóc Võ Quảng dùng các vần: cóc, phóc; trống, rộng; mịt, rít. Tập thơ Măng tre có 34 bài thì có 33 bài kết thúc bằng vần, thanh trắc. Một số bài nổi tiếng của Võ Quảng vần trắc cũng chiếm ưu thế trong tương quan toàn bài: 52/98 (Được! Được); 45/83 (Báo mưa); 56/99 (Chú Chẫu Chàng); 45/74 (Học tốt); 70/132 (Mầm non); 45/87 (Mời vào); 85/163 (Như thuyền lướt)… Nếu Phạm Hổ có thế mạnh trong việc sử dụng cấu trúc hỏi đáp thì thơ võ Quảng lại gây ấn tượng với bạn đọc bởi nghệ thuật dùng vần trắc, các từ láy.
Hệ thống các từ tượng thanh, động từ được sử dụng đậm đặc trong thơ Võ Quảng. Vì vậy một thế giới căng đầy sự sống trào dâng qua mỗi dòng thơ. Đó có thể là tiếng: “Cốc! Cốc! Cốc!” lịch sự, rộn ràng của muôn loài muốn được vào nhà của bé, được gặp gỡ, giao lưu, làm quen với nhau (Mời vào). Đó có thể là tiếng lợn ụt ịt, ụt ịt đòi cám, nhóp nhép khi ăn và được được khi đã no tròn (Được! Được). Tiếng bê… ê non nớt, ngây thơ của chú bê lông vàng lạc mẹ. Tiếng Chíp, chiu, chiu xuân đến của chú chim sâu (Mầm non). Tiếng đàn vịt cạc, cạc, cạc phá tan sự tĩnh lặng của đầm sen. Tiếng của nhái ọc học, ọc học; của chẫu chàng ọc uộc, học thuộc… Có những loài vật được tác giả quan sát kỹ lưỡng, miêu tả tinh tế sự thay đổi tiếng kêu của chúng. Bình minh thức dậy, trống xám đập cánh gáy ó o. Mái hoa kêu oắc như giật mình tỉnh giấc, lao đi kiếm mồi. Rồi cơn đau chợt đến, mái hoa nghếch ngếch cái đầu, cái cổ thon thót, kêu Tót! Tót! Tót!. Sau những phút giây thiêng liêng và đau đớn đẻ được quả trứng hồng, mái hoa tự hào kêu lên cục, cục, cục, tác. Và muôn loài như cùng hòa reo với niềm vui khai hoa của mái hoa. Vịt gắp, gắp, lợn ịt ịt, ngỗng cạc cạc, trống xám cũng cục, cục, cục, tác và Tí thì nhảy nhót xoắn xa, xoắn xít. Tất cả tạo nên một bản giao hưởng sôi động, tưng bừng. Tiếng kêu của loài vật từ bao đời nay chỉ là những âm thanh bản năng nhưng qua cách lắng nghe, tưởng tượng của Võ Quảng đã trở thành tiếng nói, lời trò chuyện, tâm tình của muôn loài với nhiều cung bậc. Tác giả còn thiết tha đưa vào thơ tiếng kĩu kịt của bụi tre làng trước gió (Bờ tre làng), hay tiếng roặc, roặc, roặc của chị Chổi Tre khi quét dọn. Trong một nhà máy, Võ Quảng ghi lại những âm thanh rộn ràng, hăng say của lao động qua tiếng máy cái quay ro ro, cái kêu huýt, huýt, cái thét ào ào.
Những âm thanh của cuộc sống, tiếng kêu của loài vật được kết hợp với các động từ làm nhịp thơ trở nên linh hoạt, chắc khỏe, sôi nổi, bất ngờ. Báo mưa là những hành động nhanh, dứt khoát, đột ngột của chú cóc: “Đánh một phóc/ Như bật lò xo”, trời đang nắng trưa: “Bỗng dưng tối mịt/ Mưa đâu rối rít/ Khắp ngả kéo về”. Một chú Chẫu Chàng ngồi trên lá sen đang ngắm trời đất, chợt nghe tiếng đàn vịt đã “Nhanh như chớp/ Đánh một phóc/ Vụt biến mất”. Bằng cách sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh kết hợp với các động từ, Võ Quảng diễn tả thành công một xã hội vui nhộn với tiếng kêu, tiếng vỗ cánh, giống như cái xã hội nhộn nhịp, ríu rít, inh ỏi, những tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát trẻ thơ.
Thơ Võ Quảng thường sử dụng những điệp từ, điệp ngữ làm ý thơ thêm sâu sắc, nhạc thơ thêm ngân vang, ngân xa. Gió là bài hát âm vang tự hào của trẻ thơ về vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên. Tác giả đã lặp lại từ gió 8 lần, tặng 4 lần, thổi 3 lần gợi vẻ đẹp tươi mát, hào phóng của gió. Ai dậy sớm có vẻ đẹp của sự trùng điệp và tăng cấp. Trùng điệp ở tiếng gọi, lời thức tỉnh giục giã Ai dậy sớm, lời chào mời hứa hẹn “đang chờ đón”. Tăng cấp ở hành động từ chậm đến nhanh đi-bước-chạy, từ không gian hẹp đến không gian rộng nhà-đồng-đồi. Cấu trúc trùng điệp và tăng cấp góp phần tạo nên nhạc điệu sôi nổi, hào hứng cho bài thơ. Cốc! Cốc! Cốc là âm thanh rộn ràng, háo hức xuyên suốt bài thơ Mời vào. Điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc giúp bài thơ liền mạch cảm xúc, nhạc điệu thêm vui tươi, rộn ràng chắp cánh cho lời bài hát.
Nói đến thơ Võ Quảng viết cho thiếu nhi không thể không nhắc tới nghệ thuật miêu tả trong thơ của ông. Võ Quảng như một họa sĩ tài ba đã quan sát và chắt lọc những nét tiêu biểu của con vật, cây trái, con người… để dâng tặng các em. Bằng con mắt xanh non của con trẻ, nhà thơ mang đến cho các em những rung cảm tinh tế, nhẹ nhàng. Đây là chú lợn béo tròn lưng múp míp, mắt béo híp; con trâu mộng khỏe mạnh “Da đen bóng loáng/ Ức rộng thênh thênh/ Đôi sừng vênh vênh/ Chóp sừng nhọn hoắt”. Còn đây là con cóc với “Cái bụng cóc to/ Tròn như cái trống”. Không chỉ thành công trong việc tả ngoại hình, Võ Quảng còn miêu tả sinh động tính cách các con vật. Ba chị gà mái không chỉ khác nhau ở dáng vẻ bên ngoài, người mặc chiếc áo nâu, người mặc chiếc áo trắng, người mặc chiếc áo đen mà còn khác nhau về tính nết. Gà mái nâu có vẻ sành sỏi, thành thạo trong việc hưởng thụ, uống ngụm nước mưa mà say sưa như Nhắm ly rượu ngọt. Gà mái trắng có vẻ phong tình qua ánh mắt nhìn tha thiết, qua động tác soi mình ngắm nghía. Gà mái đen có phần vụng về, đểnh đoảng, vô tâm, vô tính: “Đi đứng lăng quăng/ Như người mất của”.
Võ Quảng cũng có những bài thơ thật hay miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Tết đến, xuân về đem lại một vẻ đẹp kỳ lạ, tinh khôi cho cảnh vật. Muôn loài hoa khoe sắc, tỏa hương. Hoa cải li ti với đốm vàng óng ánh, hoa cà tím tím, hoa ớt trắng phau… (Ai cho em biết). Những hình ảnh hết sức giản dị, thân thương nhưng tạo ra những rung động về vẻ đẹp thanh bình, trong sáng của làng quê Việt Nam bao đời. Mầm non là vẻ đẹp bất ngờ của sự bừng tỉnh, nảy nở, sinh sôi. Khi đất trời xôn xao, chim muông ríu rít, khe suối rì rào, mầm non bật dậy góp một sắc xanh tô điểm mùa xuân thêm rạng rỡ, chồi non đứng giữa trời khoác áo màu xanh biếc. Cảnh hồ sen mùa hạ được vẽ bằng nét bút chấm phá, gợi không khí yên tĩnh, thoáng đãng, trong lành; Hoa sen sáng rực/ Như ngọn lửa hồng. Một cánh sen rơi càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của hồ nước. Bằng những từ láy gợi tả, cách sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, Võ Quảng đã vẽ lên một bức tranh thơ rực rỡ sắc màu, với hình khối khỏe khoắn, âm thanh rộn ràng. Đọc thơ Võ Quảng các em như được xem những bức tranh sơn mài lộng lẫy, có lúc là các bức tranh thủy mạc mềm mại.
Là một cây bút nghiêm cẩn trong sáng tác, Võ Quảng đã để lại một gia tài tinh thần quý giá cho tuổi thơ. Hơn 200 bài thơ ông để lại không chỉ là những bài học làm người sâu sắc mà còn là những công trình nghệ thuật có ý nghĩa đặt nền móng, đồng hành cùng sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Đó chính là hoa thơm, trái ngọt được dâng tặng từ trái tim nhân hậu, yêu thương trẻ thơ thực lòng của nhà thơ. Những tác phẩm này đã nâng đôi cánh ước mơ, tiếp thêm nghị lực cho bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam trên con đường trưởng thành. Võ Quảng đã tạo ra một giọng thơ riêng giản dị, trong sáng, chắc khỏe, bất ngờ, hóm hỉnh phù hợp với điệu tâm hồn của trẻ em. Vì vậy, thơ Võ Quảng đã vượt lên thời gian, luôn là món quà yêu thích của cả trẻ em và người lớn.
1, 2. Võ Gia Trí, Tuyển tập Võ Quảng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, tr.11, 462.
3. Lê Bá Hàn, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.154.
4. Vân Thanh, Văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 1, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2003, tr.764.
Tạp chí VHNT số 382