Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với xây dựng nông thôn mới

04/05/2024 09:07

Theo dõi trên

Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã xác định văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho phát triển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được coi là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

den-ngu-doi-1714741059-1714788354.jpg
Được tu bổ, tôn tạo, đền Ngự Dội xã Vĩnh Ninh đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh của nhiều du khách

Với kho tàng giá trị văn hóa đa dạng và phong phú, huyện Vĩnh Tường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát triển văn hóa. Công tác này được đặt vị trí ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Đồng thời, việc phát triển kênh thông tin để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới cũng đóng góp quan trọng. Đặc biệt, nhiều địa phương trong huyện đã tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử, thôn văn hoá tiêu biểu, tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đồng thời phát triển kênh thông tin để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Phí Văn Liệu - Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Tường cho biết: Hiện nay, Vĩnh Tường có 266 di tích, trong đó: 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích Quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh; 02 di sản phi vật thể Quốc gia; 77 lễ hội, lễ tiệc hằng năm. Đây là diện mạo vật chất để nhận diện làng quê Việt truyền thống được các thế hệ dân làng gìn giữ, bảo tồn, trao truyền, phát huy giá trị. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu hiện nay, cùng việc thực hiện các tiêu chí theo quy định, Vĩnh Tường đặc biệt coi trọng đến công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của văn hóa làng xã cổ truyền được kết tinh qua hàng ngàn năm. Vì thế, về Vĩnh Tường hôm nay, diện mạo làng quê đuợc đổi thay từng này.

thon-van-hoa-tieu-bieu-vinh-tuong-1714741059-1714788393.jpg
Người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh thiết chế văn hóa, hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng chiếu sáng,… được đầu tư thì vẫn hiện hữu những công trình lịch sử, văn hóa cổ kính, thâm nghiêm, những lễ hội, lễ tiệc, trò diễn dân gian, kỵ hèm,… rất đặc sắc. Chính sự hòa quyện, đan xen giữa yếu tố hiện đại với truyền thống trong một chỉnh thể làng quê là hình ảnh rất sinh động của nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện Vĩnh Tường hiện nay.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện cũng đang chú trọng bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa. Mục tiêu là khơi gợi và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong từng người dân, gia đình, thôn xóm và khu dân cư. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, cần đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, song vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn. Điều này hướng đến việc xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Cấp uỷ và chính quyền huyện Vĩnh Tường đang hoàn thiện cơ chế chính sách về văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa, và thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa và làng văn hóa. Tất cả những nỗ lực này đóng góp vào việc xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.