Vĩnh Tường dồn thửa đổi ruộng mang lại hiệu quả kinh tế

15/03/2018 14:22

Theo dõi trên

Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) phấn đấu năm 2018 dồn thửa đổi ruộng đạt 60% diện tích đất nông nghiệp, năm 2019 đạt 90% diện tích và đến năm 2020 đạt 100% diện tích.

 
Công tác dồn thửa đổi ruộng của Vĩnh Tường đạt nhiều kết quả tích cực

Nỗ lực dồn thửa đổi ruộng năm 2017, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường Lê Minh Thịnh cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Vĩnh Tường đang xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại xã Ngũ Kiên, Cao Đại. 

Đối với các xã, thị trấn còn lại, trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm tại 2 xã thí điểm sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện dồn thửa đổi ruộng phù hợp với tình hình thực tiễn; phấn đấu năm 2018 dồn thửa đổi ruộng đạt 60% diện tích đất nông nghiệp, năm 2019 đạt 90% diện tích và đến năm 2020 đạt 100% diện tích. 

Để đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các ban, ngành liên quan trong huyện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Ban hành hướng dẫn quy hoạch đồng ruộng, lập phương án dồn thửa đổi ruộng trên cơ sở các chỉ thị, hướng dẫn của tỉnh, huyện; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dồn thửa đổi ruộng; đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn thửa đổi ruộng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất sau dồn thửa đổi ruộng; hướng dẫn các xã, thị trấn giải quyết kịp thời các đơn phản ánh, kiến nghị của nhân dân liên quan đến công tác dồn thửa đổi ruộng; tăng cường đào tạo nghề cho lao động sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông sản. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được lợi ích của dồn thửa đổi ruộng, nắm rõ cách triển khai, tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm đăng ký tham gia.

Triển khai Chỉ thị 11 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngoài 2 xã Ngũ Kiên và Cao Đại được tỉnh chọn thực hiện thí điểm, Vĩnh Tường có 3 xã đăng ký thêm là Vũ Di, Phú Thịnh và Tuân Chính. Với tổng kinh phí thực hiện gần 88 tỷ đồng, trong đó có hơn 73,8 tỷ đồng dành cho 2 xã điểm của tỉnh và 13,7 tỷ đồng cho 3 xã đăng ký thêm, trong năm 2017, xã Ngũ Kiên và Cao Đại đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng và bàn giao đến từng hộ 386,7 ha. 

Sau dồn thửa đổi ruộng 2 xã còn 4.141 thửa, giảm 11.993 thửa; mỗi hộ còn 1,7 thửa, giảm 4,7 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng. Đối với 3 xã đăng ký thêm đã hoàn thành công tác dồn thửa đổi ruộng tại 3 thôn là: Thôn táo, xã Tuân Chính; thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di, thôn Đan Thượng, xã Phú Thịnh với tổng diện tích đất nông nghiệp là 124,6 ha. Sau dồn thửa đổi ruộng còn 1.222 thửa, giảm 5.208 thửa; bình quân mỗi hộ còn 1,43 thửa, giảm 5,8 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng. Việc đầu tư thiết kế lại đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp. Điển hình, ở xã Ngũ Kiên, ngay sau dồn thửa đổi ruộng đã có 1 hộ gia đình đầu tư 4 máy làm đất 40HP, 4 máy cấy, 1 giàn gieo mạ khay, 2 máy gặt đập liên hợp để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. 
 
Phúc Vĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Tường dồn thửa đổi ruộng mang lại hiệu quả kinh tế" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.