Về chợ nổi Cái Răng khám phá nét đẹp văn hóa miền Tây sông nước

23/04/2024 15:01

Theo dõi trên

Cái Răng mang nét đặc trưng của các khu chợ nổi miền Tây, nằm ngay ngã 3 sông Cái Răng và sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km. Khu chợ tuy khá nhỏ nhưng thể hiện rõ nét cả một lối sống riêng biệt độc đáo, nét dân dã của ẩm thực và văn hóa miền sông nước Tây Đô.

z5371097962453-6816919c72f206fce13edfd20701ec89-1713847130.jpg
Chợ Cái Răng có mực nước không sâu không cạn nên thuyền bè dễ dàng neo đậu, di chuyển. Ảnh: Nguyễn Yến

Chợ nổi Cái Răng được xem là biểu tượng văn hóa Miền Tây, có lịch sử hình thành độc đáo và thú vị. Mặc dù không có tài liệu chính thống về năm thành lập, nghiên cứu cho thấy chợ xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.

Tương truyền rằng, tên "Cái Răng" xuất phát từ câu chuyện về con cá sấu khổng lồ. Cái răng to của nó như châm vào đất, tạo nên hình dáng độc đáo. Khi chợ hình thành, người dân quyết định đặt tên theo truyền thuyết này. Có lẽ từ chữ "karan" trong tiếng Khmer, nghĩa là "ông táo", người Việt phát âm thành "cà ràng", sau đó là "Cái Răng". 

Đến với chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ được trải nghiệm chuyến hành khám phá độc đáo. Cùng hòa mình vào nhịp sống và văn hóa đậm đà bản sắc địa phương. Nhờ những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế, chợ đã được tạp chí du lịch Rough Guide của Anh Quốc bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất trên thế giới.

Văn hóa độc đáo miền Tây sông nước

Theo bật mí của người dân bản địa, chợ nổi Cái Răng thường họp từ rất sớm, các hoạt động diễn ra sôi nổi từ khoảng 5h30 đến 8h sáng trước khi nắng lên. Vậy nên, để cảm nhận trọn vẹn sự tấp nập và nhộn nhịp của cuộc sống nơi đây, chúng tôi đã dậy từ tờ mờ sáng để kịp giờ xuất phát tại Bến Ninh Kiều lúc 5h để tới chợ. Ở khu chợ nổi, việc tham quan du lịch khá thuận tiện, vì đi 2 người nên không khó để chúng tôi thuê một chiếc xuồng riêng trong hành trình khám phá.

Mở đầu cho chuyến "phiêu lưu" lần này của chúng tôi khá ấn tượng bởi sự niềm nở của anh chủ xuồng. Vừa lái, vừa hỏi han trò chuyện, tay anh vừa thoăn thoắt đan 2 chiếc mũ bằng lá rất dễ thương tặng cho 2 vị khách đầu tiên của ngày mới.

z5371093217762-ef6a452a05f6b48c288406f4c0faebe9-1713847193.jpg
Du khách thuê xuồng riêng để khám phá chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Yến

Khi ánh mặt trời hãy còn chưa tỏ, lúc này hàng chục ghe xuồng đã bắt đầu nườm nượp cập bến chợ, vây quanh cùng với tiếng mời chào, trả giá của chủ và khách vang cả một khúc sông. Chỉ một lúc, bầu không khí đã nhanh chóng trở nên sôi động cùng với tiếng cười nói rôm rả, tín hiệu cho một ngày mới đầy năng lượng. Cảm giác lênh đênh trên "du thuyền", được tận mắt chứng kiến toàn cảnh nhịp sống đầy mới mẻ của một miền quê thanh bình nơi sông nước khiến cho chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Không giống như những khu chợ trên đất liền, mọi hoạt động ở chợ Cái Răng đều diễn ra ngay trên sông, những chiếc ghe - "ngôi nhà di động" của người dân cũng chính là những gian hàng mưu sinh, bày bán đủ mọi mặt hàng từ trái cây, nước uống, bánh kẹo cho tới bún, cháo, hủ tiếu phở... Thậm chí là các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Khi hết hàng thì họ lại rời đi và vài ngày sau lại quay trở về cùng các loại hàng hóa mới.

Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi đã thực sự bị hút mắt bởi "ma trận" các loại trái cây đặc sản của miền Tây Đô. Khung cảnh thật rực rỡ với những mảng màu khác nhau của xoài, cam, khóm, dưa hấu, vú sữa, thanh long, chuối... Tất cả đều tươi rói và căng mọng vì mới được hái. Theo tìm hiểu, chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối của các tỉnh lân cận, do vậy các loại trái cây tại đây sẽ có mức giá khá rẻ. Nếu muốn mua trái cây mang về làm quà, du khách có thể ghé vào những chiếc ghe đang neo đậu hoặc ghe máy chạy quanh chợ. 

cho-noi-cai-rang-1-1713854296.jpg
Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên ghe, xuồng, lênh đênh trên mặt nước.

Một khi đã có dịp đến chợ nổi Cái Răng thì bạn nhất định đừng quên thưởng thức bữa sáng đầy "phiêu du" trên sông. Bởi đây là loại hình ẩm thực vô cùng độc đáo, đậm nét dân dã miền Tây mà chắc hẳn bạn sẽ không tìm thấy ở đâu khác. 

Tại chợ nổi, các món ăn khá đa dạng và phong phú cho du khách lựa chọn. Dù được bán trên trên ghe xuồng đơn sơ, thế nhưng nồi nước lèo luôn được chủ "quán" giữ nóng, nghi ngút khói. Chỉ cần bạn vẫy tay ra tín hiệu để gọi món mình thích, người bán hàng từ xã sẽ nhanh chóng chèo đến sát ghe bạn và một vài phút sau, bạn đã có trong tay tô bún nóng hổi, đầy hấp dẫn. Cảm giác vào buổi sáng sớm, khi trời còn vương những giọt sương lành lạnh, trong khung cảnh nhộn nhịp ấy, được ngồi thưởng thức tô hủ tiếu, vừa nhâm nhi ly cà phê sữa đá trên ghe thuyền chờ ngắm bình minh lên thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời. 

z5374535955763-420d3aa248c73d7caa6a197eb9e1241b-1713855238.jpg
Du khách thưởng thức ẩm thực ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Yến
z5371093175740-3c31f8adf17aa225c4a55c70ff475d8a-1713839266.jpg
Du khách thưởng thức ẩm thực ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Yến

Ghé thăm miệt vườn và làng nghề truyền thống

Ngoài việc thưởng ngoạn các cảnh đẹp trên sông, sẽ rất hối tiếc nếu bạn bỏ lỡ cơ hội khám phá các miệt vườn trái cây cũng như làng nghề truyền thống ở miền sông nước Cần Thơ. Rời khu chợ chợ đầy náo nhiệt, chúng tôi tạm dừng xuồng để ghé thăm miệt vườn trái cây dọc bờ sông Hậu. Tại đây, chúng tôi không chỉ được thỏa thích chiêm ngưỡng, nếm thử những loại trái cây đặc trưng miền sông nước mà còn được thư thái lắng nghe những giai điệu ngọt ngào của đờn ca tài tử. 

z5374422570887-e5c21967f19512e8ba56481b651dd479-1713844230.jpg
Chiêm ngưỡng miệt vườn trái cây sai trĩu quả ở Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Yến

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể kết hợp ghé thăm các làng nghề truyền thống của người dân địa phương, đặc biệt là làng nghề hủ tiếu, để tìm hiểu công đoạn làm ra sợi hủ tiếu nổi tiếng khắp nơi của vùng đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”.

z5374832997452-ab9be7f8b890b9a74da59d22e17252ec-1713846188.jpg
Du khách ghé thăm lò chế biến hủ tiếu trong hành trình khám phá phá chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Yến

Chuyến du ngoạn vãn cảnh thiên nhiên miền sông nước thanh bình, hòa vào nhịp sống đầy thú vị của người dân miền Tây đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc thật khó phai mờ. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến không chỉ du khách trong nước mà còn đông đảo du khách quốc tế yêu thích. 

Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy chợ nổi có ở khắp các tỉnh miền Tây, nhưng sầm uất và phát triển về du lịch nhất là chợ nổi Cái Răng nằm tại "thủ phủ" Cần Thơ. Với khung cảnh sông nước hữu tình, Cái Răng đã trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nguyễn Yến
Bạn đang đọc bài viết "Về chợ nổi Cái Răng khám phá nét đẹp văn hóa miền Tây sông nước" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.